Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình "ông hổ"

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Dịp cuối năm, làng gốm hàng trăm năm tuổi Thanh Hà ở đô thị cổ Hội An lại tất bật chuẩn bị sản xuất linh vật năm Nhâm Dần - dân gian xứ Quảng vẫn gọi "ông hổ" - phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022.

Những ngày này, các nghệ nhân tại làng gốm hơn 500 tuổi Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An) lại hối hả chuẩn bị đất sét, sửa soạn lò nung để chuẩn bị nhào nặn linh vật năm Nhâm Dần - dân gian xứ Quảng vẫn gọi "ông hổ" để cung ứng thị trường Tết nguyên đán 2022.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 1

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hoàng đang tất bật hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để cho ra đời 6 linh vật hổ cho năm mới Nhâm Dần 2022.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi, phường Thanh Hà) cho biết, dịp cuối năm là cơ hội để người dân trong làng có thể bán các sản phẩm từ gốm, nhất là các bức tượng về linh vật tết, ông công, ông táo...

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 2

Để hoàn thiện các công đoạn, anh Hoàng mất đến hơn một tháng.

"Mỗi năm, các nghệ nhân trong làng làm tượng linh vật tết để đưa đi trưng bày ở làng gốm. Năm nay cũng vậy, nghệ nhân đang nhào nặn các "ông hổ" - linh vật năm Nhâm Dần để chuẩn bị trưng bày và bán cho khách du lịch", anh Hoàng nói.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 3

Việc tạo ra những bức tượng hổ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì.

Nguyên liệu để làm tượng của làng gốm Thanh Hà là đất sét được phù sa bồi đắp trên sông Thu Bồn.

Để hoàn thiện các công đoạn, anh Hoàng mất đến hơn một tháng. Thời gian phơi khô lâu nhất vì phụ thuộc vào thời tiết, năm nay nắng không nhiều nên việc phơi kéo dài gần một tháng. Đất sét phải cứng, chắc chắn mới đưa vào lò nung.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 4

Với anh Hoàng việc tạo hình khó nhất là khuôn mặt, anh phải tìm tòi trên mạng, xem nhiều ảnh về hổ để hình dung rồi tạc sao cho giống "Chúa sơn lâm" nhất.

Theo anh Hoàng, việc tạo ra những bức tượng hổ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Nghệ nhân phải xem xét cách nung sao cho vừa tới, không thì sẽ làm vỡ tượng.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 5

Các chi tiết được anh trau chuốt cẩn thận.

Những "ông hổ" được anh Hoàng tạo hình với nhiều tư thế khác nhau như đứng, vồ mồi và ngồi. Vừa làm anh vừa bật mí, đây là những thế tạo nên tác phẩm có vóc dáng oai dũng, mạnh mẽ của linh vật được mệnh danh "chúa sơn lâm".

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 6

Hổ là biểu tượng của sức mạnh, thực lực, uy quyền và tâm linh. Nghệ nhân làng gốm ở đô thị cổ Hội An mong muốn những linh vật này sẽ mang đến nguồn năng lượng may mắn để làng gốm ngày càng đi lên, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Sáu tượng hổ của anh Hoàng tạc năm nay có hình dáng và kích cỡ khác nhau. Như hổ đứng sẽ có chiều dài 60cm, chiều rộng 30cm và chiều cao khoảng 40cm. Dáng hổ vồ thì dài hơn một ít nhưng chiều cao lại thấp hơn. Còn dáng hổ ngồi thì chiều cao lại cao hơn.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 7

Nguyên liệu để làm tượng của làng gốm Thanh Hà là đất sét được phù sa bồi đắp trên sông Thu Bồn.

Mỗi sản phẩm đẹp bên cạnh sự tỉ mỉ thì cần có sự tìm tòi của người làm. Với anh, công đoạn khó nhất để hình thành một chú hổ đó là giai đoạn tạo hình.

Khuôn mặt hổ sẽ đại diện cho tác phẩm, để có hồn, anh phải tìm tòi trên mạng, xem nhiều hình ảnh để hình dung sao cho những đường nét giống với "Chúa sơn lâm" nhất.

Về làng gốm trăm năm tuổi ở Quảng Nam xem nghệ nhân tạo hình ông hổ - 8

Khoảng thời gian 15/12 âm lịch tới, anh sẽ chuyển sản phẩm đến làng gốm để trưng bày.

"Với tôi khó nhất là tạo hình khuôn mặt. Từ miệng, nét mặt cần phải liên kết với mắt, mũi, gò má… Tôi rất chú tâm đến những chi tiết này vì nó quan trọng nhất của tác phẩm", anh Hoàng cho hay.

Đến nay, 6 tượng gốm tạo hình "ông hổ" đang ở giai đoạn tạo hình, khoảng thời gian 15/12 âm lịch tới, anh sẽ chuyển sản phẩm đến làng gốm để trưng bày.

Ông Nguyễn Hào - Phó trưởng ban quản lý làng gốm Thanh Hà - chia sẻ, năm nay du lịch TP Hội An bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên việc kinh doanh của bà con làng gốm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Số nghệ nhân tạc tượng gốm linh vật  rất ít, số lượng sản phẩm cũng giảm so với mọi năm. Mong rằng sự sáng tạo, thuần nghề của các nghệ nhân sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường Tết nguyên đán năm nay, đồng thời góp phần quảng bá làng nghề truyền thống trăm tuổi nổi tiếng ở địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm