1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trước việc hàng trăm học sinh vất vả học nhờ ở hội trường thôn, buôn không có nhà vệ sinh mà báo Dân trí phản ánh, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã yêu cầu kiểm tra, báo cáo để có phương án xử lý.

Chiều 24/9, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện làm báo cáo, rà soát các điểm trường khó khăn không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh rất tạm bợ cho học sinh tại trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn) sau khi báo Dân trí phản ánh.

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 1
Các lớp học tạm đơn sơ tại hội trường thôn, buôn

Theo bà Trinh, trong năm nay huyện có kinh phí xây dựng 33 nhà vệ sinh cho các trường học nhưng do nguồn ngân sách rất hạn chế nên chưa triển khai hết được.

"UBND huyện sẽ làm việc với Phòng GD&ĐT để nắm tình hình khó khăn tại các điểm trường trên địa bàn từ đó có phương án giải quyết cho học sinh. Trong đó, sẽ ưu tiên xây dựng những công trình là nhu cầu thiết yếu của học sinh trước hết đó là nhà vệ sinh", bà Trinh cho hay.

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 2
UBND huyện Krông Pắk đã yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn không có nhà vệ sinh cho học sinh

Đối với các điểm trường của trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý mà báo Dân trí vừa có bài phản ánh, vị Phó Chủ tịch huyện cho biết, tại đây đang triển khai dự án sắp xếp, ổn định di cư tự do, trong đó sẽ  quy hoạch xây 2 dự án trường mầm non nhưng do thời gian kéo dài nên chưa thực hiện.

“Huyện sẽ yêu cầu tiếp tục rà soát tổng thể, nếu chỗ nào cấp bách thì phải đầu tư xây dựng. Các em học tạm nhưng tạm không thể thiếu thốn như vậy được, cần đảm bảo tối thiểu những điều kiện cho học sinh lẫn giáo viên học tập”, bà Trinh nhấn mạnh.

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 3
Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 4
Bàn ghế hư hỏng, xuống cấp tại các lớp học tạm

Còn theo ông Trần Văn Sáu – Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, trên địa bàn xã có rất nhiều quỹ đất trống dành cho việc xây dựng các điểm trường nhưng chỉ tiếc là nguồn kinh phí chưa có để hiện thực hóa việc xây dựng.

"Chúng tôi mong muốn sẽ được xây dựng hai phòng học tại thôn 9 cho 55 em học sinh và 1 phòng học tại thôn Hồ Voi cho gần 40 học sinh. Tại các điểm này rất mong có được nhà vệ sinh cho các cháu và giáo viên sử dụng để không phải vất vả như trước đến nay", ông Sáu tha thiết.

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 5

Các điểm trường học ké đa phần không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng rất tồi tàn, xuống cấp và không hề có nước để sử dụng

Trước đó, báo Điện tử Dân trí phản ánh, trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn) có 5 điểm trường phải học nhờ tại các hội trường thôn, buôn rất tạm bợ, khó khăn.

Để các em đi học, giáo viên vất vả vào tận các buôn để vận động đi học và các điểm trường học tạm rất thiếu thốn. Những ngày có hội, họp ở thôn, buôn các cháu học sinh bắt buộc phải nghỉ học.

Ngoài ra, tại các điểm trường này hầu hết đều không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng xuống cấp trầm trọng và không có nước để sử dụng. Các cô giáo phải đi đến các nhà dân để xin nước, xách từng xô để góc lớp cho học sinh.

Ban giám hiệu nhà trường nhiều lần có đề xuất xin được xây dựng trường nhưng đều chưa thực hiện vì thiếu kinh phí.

Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 6
Các giáo viên tận tụy vào tận các thôn, buôn để "gieo chữ"
Yêu cầu rà soát các điểm trường khó khăn sau bài báo Dân trí phản ánh - 7
Cả trăm học sinh khao khát có một mái trường nhưng nhiều năm nay bỏ ngỏ vì thiếu kinh phí