Xây dựng 3 phòng công vụ tặng giáo viên "cắm bản" vùng biên giới dịp 20/11
(Dân trí) - Ngày 10/11, Quỹ Khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí khởi công xây dựng 3 phòng công vụ dành tặng giáo viên "cắm bản" vùng biên giới huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nhân dịp 20/11.
Nhân dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày 10/11, Quỹ Khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí chính thức khởi công xây dựng 3 phòng công vụ dành tặng giáo viên "cắm bản", tại điểm Trường Mầm non và trường Tiểu học của huyện biên giới xa xôi, (bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Công trình 3 phòng công vụ dành tặng giáo viên Tiểu học và Mầm non bản Huồi Thum do Quỹ Khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí, do bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ 150 triệu đồng để xây dựng. Dự kiến, 3 phòng công vụ cho giáo viên sẽ khánh thành và đưa sử vào sử dụng vào tháng 12/2020.
Vượt qua chặng đường dài gần 300km, chúng tôi có mặt tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn. Huồi Thum nằm lọt giữa thung lũng được bao bọc xung quanh bởi khe suối và nằm biệt lập với bên ngoài.
Để vào Huồi Thum, chỉ có một cách duy nhất là phải lội qua con suối Ca Nan với dòng nước chảy xiết và rất nguy hiểm. Nhưng vào mùa mưa, bản Huồi Thum dường như biệt lập với bên ngoài bởi nước suối Ca Nan dâng cao.
Đặc biệt, các thầy cô giáo công tác, giảng dạy tại đây khá vất vả, gian nan. Vất vả bởi con đường đi lại. Gian nan bởi địa bàn xa xôi cách trở. Ở mảnh đất xa ngắc, biệt lập, không chợ, không điện, không trạm xá, không giao thương… nên cô trò ở bản Huồi Thum thiếu thốn trăm bề.
Ngay cả trong việc giảng dạy của các cô giáo ở đây cũng gặp nhiều khó khăn vì các em học sinh bản Huồi Thum là 100% dân tộc Khơ Mú, do bất đồng ngôn ngữ nên mất thời gian dài cô trò mới hòa nhập được với nhau.
Tại điểm trường Tiểu học và Mầm non bản Huồi Thum có khoảng 60 em học sinh, với 8 thầy cô. Các thầy cô giáo đều là những con người ở miền xuôi vào đây công tác, giảng dạy. Ở đây họ phải tá túc trong những mái nhà lụp xụp, bốn bức tường làm bằng gỗ tạp đã cũ kỹ và mục nát. Cứ mỗi khi trời mưa xuống thì nước dột qua mái, trong nhà cũng như ngoài sân.
“Ở Huồi Thum nằm biệt lập với bên ngoài đó nhà báo ơi. Mùa nắng thì còn đỡ, chứ vào mùa mưa lũ phải mất cả tuần khi nước rút chúng tôi mới ra được bên ngoài để mua thức ăn, giao thương nên khá vất vả. Cảnh giáo viên "cắm bản" không nói các anh cũng biết rồi đó, không chỉ thiếu thốn về vật chất, tinh thần mà còn nhà ở nữa.
Bao năm qua, các thầy cô ở đây sinh hoạt trong những căn nhà như lều tạm làm tạm bằng gỗ tạp, tranh nứa, then gỗ đã mối mọt, xuống cấp trầm trọng. Cứ mỗi lần mưa xuống là các giáo viên nơm nớp lo sợ bị sập. Hôm nay rất vui mừng khi được Quỹ khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí và bạn đọc giúp xây dựng cho nhà ở chúng tôi phấn chấn lắm...”, cô Vi Thị Hồng chia sẻ.
Thầy Lâm Nguyên Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 2 cho biết: “Na Ngoi là một xã biên giới rất khó khăn. Trong đó, bản Huồi Thum là một trong những bản khó khăn bậc nhất, trở ngại lớn nhất của bà con nơi đây là việc đi lại, đặc biệt các em học sinh, các thầy cô giáo công tác, giảng dạy tại đây rất vất vả.
Cứ trời mưa xuống là bản này biệt lập với bên ngoài. Điểm trường này có 42 em thì 41 em là học sinh con gia đình nghèo. Và hôm nay rất vui mừng khi được Quỹ khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí, bạn đọc hỗ trợ xây dựng 3 căn phòng dành tặng giáo viên để có chỗ ở được tốt hơn, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Thay mặt các thầy cô, tôi xin chân thành cảm ơn tới Quỹ khuyến học Việt Nam, báo Điện tử Dân trí và bạn đọc…”.
Tại buổi lễ, Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Nghệ An phát biểu cảm ơn Quỹ khuyến học Việt Nam và báo Điện tử Dân trí đã đồng hành với bà con nhân dân biên giới xứ Nghệ trong những năm qua là vô cùng quý giá, ý nghĩa và nhân văn cao đẹp.
"Trong những năm gần đây, báo Điện tử Dân trí, Quỹ khuyến học Việt Nam và bạn đọc đã giúp đỡ, xây dựng cho bà con nhân dân ở vùng biên giới xứ Nghệ được những chiếc cầu, nhiều phòng học, ở nhiều địa bàn khó khăn, vất vả ở mảnh đất Kỳ Sơn này. Thay mặt bà con, tôi xin cảm ơn tới báo Dân trí, Quỹ khuyến học Việt Nam và bạn đọc đã âm thầm, lặng lẽ chia sẻ với đồng bào nghèo xứ Nghệ chúng tôi", Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Nghệ An chia sẻ.
Bản Huồi Thum được thành lập từ năm 1990. Huồi Thum có hơn 40 hộ dân với khoảng 210 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào người Khơ Mú. Nằm dọc theo khe suối với những nếp nhà sàn đơn sơ, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu là nông, lâm nghiệp.
Những hình ảnh phấn khởi trong ngày khởi công 3 phòng công vụ cho giáo viên tại điểm trường Tiểu học và Mầm non Huồi Thum: