Vẫn nặng gánh ở tuổi “gần đất xa trời”
(Dân trí) - Cụ Trần Văn Thuận, 70 tuổi, cái tuổi đã gần đất xa trời, nhưng ngày đêm cụ vẫn lầm lũi mưu sinh với chồng vé số nặng trĩu trên tay kiếm từng đồng nuôi bốn miệng ăn.
Cứ ngỡ là hạnh phúc muộn màng…
Quẹt vội những giọt nước mắt ngấn dài trên gương mặt già nua, bà Phạm Thị Hợi - vợ ông Thuận móm mém kể: “Vợ chồng tôi nào có ăn ở thất đức gì đâu, vậy mà trời hành phải tội, được một đứa con độc nhất…”, nói đến đây bà Hội nước mắt lưng tròng.
Cưới nhau trong niềm hân hoan của tình yêu bùi ngùi “chất đầy hoàn cảnh”, cô dâu, chú rể phải đợi chờ đến 5 năm trời mới có đủ tiền làm một cái đám cưới nho nhỏ. Chàng trai quen nghề chài lưới tên Thuận vốn hiền lành chịu thương chịu khó và cô gái làng xinh đẹp, nết na mỏi mòn chờ đợi một tiếng khóc trẻ con. Hạnh phúc đầu đời dẫu có muộn màng rồi cũng đến. Mừng mừng tủi tủi, đôi vợ chồng đặt cho con một cái tên rất hàm ý: Trần Thị Kiên Toàn. Ông Thuận cho hay: “Kiên Toàn nghĩa là kiên nhẫn và toàn vẹn, kiên nhẫn ắt sẽ có hạnh phúc vẹn toàn. Sớm muộn gì thì vợ chồng ông cũng có một niềm an ủi tuổi già”.
Nhưng, hạnh phúc cứ thụt thò như trêu ngươi, bỡn cợt vào lòng người, chị Trần Thị Kiên Toàn (37 tuổi) - đứa con gái duy nhất của vợ chồng ông Thuận, mắc phải chứng tâm thần ngớ ngẩn. Một ngày tháng tư năm 1998, chị bị kẻ xấu lợi dụng rồi có mang. Thế là, trong ngôi nhà chênh vênh của đôi vợ chồng già cùng đứa con gái “tâm thần” lại có thêm đứa trẻ bước vào lớp 5 mà chẳng biết mặt cha nó là ai! Bà Hợi cười như mếu đúng là “con dại, cái mang”.
Hai cái thân già còm cõi. Ông Thuận đi bán vé số khắp thành phố Huế, có khi cụ ông “hành nghề” ra các huyện giáp với tỉnh Quảng Trị để nuôi bốn miệng ăn. Có hôm đi bán quên giờ giấc. Tuổi già, sức yếu ngày một đến gần, nhiều hôm ông phải lê lết mới về được tới nhà. Cảm gió, mưa nắng nhưng ông nào dám bỏ 1 ngày công làm bởi ông biết bàn tay mình đang phải gánh lấy cái ăn cho một gia đình ngấn đầy nước mắt.
Ở góc nhà có một chiếc bàn máy may cũ kĩ, bám đầy bụi, bà Hợi vén tấm màn phủ ra, lần rê đôi tay già nua qua từng ổ khâu như mân mê từng kỉ niệm: “Thời con gái, nó có việc gì đâu hả cô, học hết lớp 8 rồi nó chuyển sang học may, làm thợ cho người ta kiếm sống, hiếu nghĩa với vợ chồng tôi lắm, bao nhiêu người theo đuổi nó... Vậy mà, trời chẳng thương, đâm ra mắc phải căn bệnh quái gỡ này…”. Trước gương mặt già nua, sụt sùi nước mắt, giọng tắc nghẽn lại... Tôi hiểu, không nỗi đau xé lòng nào của những người làm cha làm mẹ lại tái tê hơn nỗi đau này.
Vắt kiệt sức ở tuổi già…
Chẳng có đến lấy một ngày nghỉ, từ tờ mờ sáng ông Thuận chong đèn pin, khom lưng đạp xe cho dù trời có buốt giá đến tối mịt mới về. “Ngay cả mồng một Tết thì ông ấy cũng không dám nghỉ làm?”, bà Hợi cho biết. Ông Thuận xin được một chân làm quét rác ở Bưu Điện tỉnh. Với số tiền công làm ngày 25 nghìn phải cõng đến 4 miệng ăn, lại còn thuốc men cho đứa con bệnh hoạn, hễ trái trời là nhảy cẫng lên, đập mất đi vài cái chén, đồ đạc thay nhau ra đi, cứ liên hồi, trong nhà lại thiếu dần mấy vật dụng tối thiểu cần thiết.
Bà Hợi không làm gì được nhiều ngoài việc xách bao đi loanh quanh nhặt nhạnh mớ giấy vụn, ve chai về đặng góp thêm gạo để cùng với người chồng già lo thuốc men cho con. Dẫu vậy, bà cũng chẳng dám đi đâu xa mà phải trông chừng đứa con gái “kẻo nó chạy ra khỏi nhà mà gây thêm sự…”. Cái sức già yếu ớt đã không ít lần “vật lộn giằng co” cùng những lần lên cơn của đứa con tâm thần. Hai ông bà lầm lũi chắt bóp mưu sinh, kiếm sống qua ngày, lo hết con rồi đến cháu.
Nhìn người con gái hơn 36 tuổi đời ngơ ngơ ngác ngác, dửng dưng như không hề biết mình đang làm mẹ của một đứa con thảo hiền, học giỏi, lòng không khỏi ngậm ngùi mà thấy xót xa, đắng chát…Đứa con có thừa thiệt thòi ấy có cái tên cũng rất lạ nghe như lời nỉ non chua xót: Trần Tịnh Yên. “Tịnh Yên là Yên Tịnh, yên ổn…”. Giờ đây, họ chỉ thỉnh cầu, mong được yên tịnh giữa bốn bề sóng lặng.
Một góc giường kê tấm phên lên cao làm chỗ học cho đứa cháu trai lớp 5 dán đầy tờ giấy khen học sinh giỏi bằng cơm nguội lem nhem. Tịnh Yên đang ngồi học - mẹ nó chạy xấn tới, hét hò om tỏi rồi giật lấy cây bút trên tay con vẽ vời mấy đường mực trên trang giấy đang viết dở. Đâu chỉ có làm ồn, nhiều lần Tịnh Yên còn bị mẹ xé liền cả mấy trang vở. Tôi hỏi: “Tịnh Yên có giận mẹ không?”. Thằng bé nhìn ra xa với ánh mắt buồn não nề: “Con không giận mẹ, chỉ thương ông lại tốn tiền mua vở mới cho con thôi”. Vợ chồng ông Thuận tuổi đã cận kề cuối thu, leo lắt sống trong nỗi tất bật bươn chải sớm hôm. Lá đã già chẳng biết rơi rụng lúc nào, chỉ thương con tâm thần dở dở cùng đứa cháu ngoan hiền, chăm học, “ông mà nằm xuống, có mệnh hệ gì, chắc tôi chết mất”, bà Hợi nói trong nước mắt.
Chạnh lòng tôi nghĩ, tuổi già trong ngôi nhà ấy quả thật là “ngược dòng”. Ở chiều cuối thu, khi gần đến bên kia của cuộc đời lại phải sốt sắng, không ngớt lòng lo ngược lại cho cháu cùng con…Đắng lòng cho một gia cảnh đầy bất hạnh!
Mọi đóng góp hảo tâm cho gia đình ông Trần Văn Thuận - bà Phạm Thị Hợi xin gửi về:
1. Gia đình ông Trần Văn Thuận: qua Đập Đá, rẽ về phía đường Hàn Mặc Tử - TP Huế (khu ở của ông bà Thuận - Hợi không có số nhà cụ thể).
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Đỗ Lan