1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Ước gì tôi có một đứa con lành lặn”

(Dân trí) - Đó là khát khao cháy bỏng của một người cha có đến 15 đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Người cha đó chính là ông Đỗ Đức Địu. Ông sinh được 15 người con thì chỉ còn ba đứa sống sót trước những căn bệnh quái lạ.

Người cha đau khổ

 

Sinh ra và lớn lên ở miền quê cát trắng Võ Ninh, ông Địu được bố mẹ cho đi học đầy đủ. Năm 1972, ông gia nhập quân ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tốt nghệp khoá huấn luyện ngắn hạn để trở thành sĩ quan, ông được luân chuyển vào vùng đất nóng thuộc chiến trường Tây Thừa Thiên. Ngày đó, chàng sĩ quan trẻ Đỗ Đức Địu cũng không thể ngờ được rằng chính trong thời gian công tác, chiến đấu tại Mỏ Tàu (A Lưới- Thừa Thiên Huế) anh đã bị nhiễm phải chất độc da cam từ nguồn nước nhiễm độc mà máy bay Mỹ rải xuống từ trước. Đất nước thống nhất, ông Địu lập gia đình với bà Phạm Thị Nức và bắt đầu hành trình làm một người chồng, người cha đau khổ.

 

Năm 1979, lúc ông Địu đang công tác tại Thừa Thiên Huế thì nhận được tin dữ. Vợ ông sinh đứa con trai đầu lòng mà ông dự định đặt tên là Đỗ Đức Hoà thì đứa bé vừa được sinh ra đã chết ngay bởi những triệu chứng quái lạ mà bác sỹ không thể nào hiểu được.

 

Ngày đó, bà Nức đã gần như bị hoảng loạn tâm thần. Hồi ấy, ông Địu cũng chưa rõ mình bị bệnh. Hai năm sau, Đỗ Thị Bình ra đời khoẻ mạnh trong niềm vui khôn tả của hai vợ chồng ông Địu. Tưởng rằng như vậy là bình yên, hai người lại sinh thêm con hai năm sau đó. Thế nhưng đứa bé thứ ba sinh ra chưa đầy tháng tuổi lại bị bệnh lạ giống như anh trai và qua đời nhanh chóng. Lần lượt, đứa thứ tư, thứ năm... rồi đứa thứ mười ba đều bị bệnh và rời bỏ hai vợ chồng bất hạnh.

 

Mười hai đứa con, có đứa chết ngay khi vừa được sinh ra, đứa thì sống được 1 tháng, vài tháng, vài tuổi ông Địu cũng không nhớ hết. Ông phải dùng một cuốn sổ tay để “ghi lại ngày sinh tháng đẻ và ngày mất của từng đứa để làm đám giỗ cho chúng”. Sau khi ra Hà Nội khám bệnh, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam và truyền lại cho những đứa con vô tội. Khát vọng có thêm những đứa con khoẻ mạnh vẫn thôi thúc hai vợ chồng sinh thêm con.

 

Năm 1990, thêm cô con gái Đỗ Thị Hằng chào đời khoẻ mạnh trong nỗi lo âu thấp thỏm của hai người. Năm 1994, hai người lại có thêm bé Đỗ Thị Nga. Ông Địu vẫn nghĩ thế là xong mọi chuyện, sóng gió sẽ qua đi trong căn nhà nhỏ của mình. Ai có ngờ đâu bé Nga lên 4 tuổi thì phát bệnh lạ trở nên ngơ ngác, ú ớ không nói nên lời.

 

Năm đó, ông Địu phải xin phép đơn vị cho mình về hưu sớm để tiện chăm lo cho vợ con. Ông đưa bé Nga đến bệnh viện thì người ta trả về bởi bệnh của cháu thuộc dạng nan y mà y học đương thời bó tay. Còn bé Hằng cũng phát bệnh khi vừa học lên lớp sáu. Bốn năm trời từ 1998 đến 2000, ông Địu đưa con chạy khắp các bệnh viện Hà Nội, qua bốn lần phẫu thuật nặng nhưng vẫn không khỏi. “Tội cho cháu, nó thông minh lắm, học giỏi lắm, cái gì cũng biết nhưng không biết còn sống được bao lâu nữa chú ơi”, bà Nức nghẹn ngào.

 

“Ước gì tôi có một đứa con lành lặn” - 1
 Hai chị em Đỗ Thị Hằng (bên phải) và Đỗ Thị Nga.

 

Bao nhiêu đứa con sinh ra thì bấy nhiêu nỗi đau khôn cùng đè nặng lên tâm trí của người cha tội nghiệp. Thương con nhưng ông Địu cũng chẳng làm gì được để gánh bớt đi một phần nhỏ những dày vò bệnh tật trên thân xác con. Ngay cả đứa con gái lớn Đỗ Thị Bình,  ông đã cố tình giấu kín chuyện cháu bị bệnh để bớt đi phần mặc cảm cho con nhưng vẫn không thể. Lấy chồng rồi nhưng Bình vẫn hay bị đau bởi những căn bệnh không rõ nguyên nhân. “May mà Bình là đứa khoẻ mạnh nhất nên vẫn được người ta thương, cháu nó có chồng rồi chú à. Vợ chồng tôi cũng lên chức ông bà ngoại được gần hai năm rồi”, ông Địu an ủi mình.

 

Trong nhà của ông Địu luôn chuẩn bị sẵn thuốc đặt mua từ Hà Nội, Sài Gòn cho Hằng bởi cháu bị bệnh nặng nhất trong ba đứa còn sót lại. Những lần cháu phát bệnh lên cơn, ông Địu cố cầm lòng cho những giọt nước mắt chảy ngược vào trong để động viên vợ con cố gắng vượt qua.

 

“Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của xã Võ Ninh là một người đau khổ nhất vùng”, hàng xóm nói về ông Địu như thế. Cái chức danh cỏn con này làm cho ông bận rộn, nhiều người đến với ông để cùng chia sẻ những nỗi đau trong cuộc sống. Nhà ông luôn có đông khách để mấy đứa con ông vui khi có nhiều người đến. “Biết làm sao được, số phận mà”, câu nói cửa miệng của ông Địu.

 

Xây nghĩa trang cho con mình

 

Lá vàng rụng trước lá xanh, quy luật muôn đời vẫn thế. Bao giờ con cháu cũng xây lăng mộ, cúng giỗ cho ông bà tổ tiên mình. Riêng ông Địu thì khác. Mười hai người con của ông đã ra đi về với cõi riêng của họ. Một năm mười hai tháng là chừng đó lần ông Địu làm đám giỗ cho con. Có tháng ông làm giỗ đến ba lần. Trên đất nước này, có lẽ chỉ nhà ông mới có mười hai đám giỗ con. “Mỗi lần đến ngày giỗ của đứa nào tôi cũng phải làm một hai mâm cơm kẻo tội cho chúng nó. Không có điều kiện nên tôi lấy ngày của thằng Hoà làm ngày giỗ chung cho cả hết để anh em nó sum họp lại với nhau vừa mời bà con lối xóm một lần”, ông bộc bạch.

 

Ngay việc chôn cất, xây lăng mộ cho con ông cũng là cả một kỳ công đặc biệt. Ông Địu kể: “Hồi trước, gỗ còn rẻ nên tôi đã mua sẵn mấy khối gỗ. Nếu như bữa nay thì có lẽ tôi không mua nổi mười hai cỗ áo quan cho con nữa”. Sau khi chôn cất con rồi, ông Địu bắt đầu tính đến việc quy tập phần mộ của các con “để chúng có anh có em với nhau”.  Ngọn đồi cách lưng nhà ông khoảng hơn trăm mét, nơi các con ông nằm rải rác trong lòng đất được ông chọn làm khu tiểu nghĩa trang riêng.

 

“Ước gì tôi có một đứa con lành lặn” - 2
 Ông Địu thắp hương cho các con.

 

Ngày ngày, ông Địu lại lên với các con, trò chuyện với những nấm mồ lạnh lẽo nhưng ông vẫn tin là “chúng sẽ nghe thấy”. Nơi này như là một cõi riêng đưa ông tìm thấy các con mình với niềm an ủi nhỏ bé của một người cha đau khổ.

 

Chia tay ông Địu, chúng tôi còn nghe ông thầm thì: “Cả đời tôi chỉ ước có một đứa con lành lặn thôi chú à. Cái số mình đã vậy, tôi chỉ sợ mai mốt hết đời mình rồi sẽ không có ai hương khói cho chúng...!”.

 

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Đỗ Đức Địu xin gửi về:

 

1. Ông Đỗ Đức Địu ở xóm 2 thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Nhà 48, khu số 2 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04.7366.491/ Fax: 04.7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện phía Nam của báo:

Lầu 1 - số 24 Trương Quốc Dung, P.8, Q.Phú Nhuận, TPHCM
Tel: 08.844.5263 - 08.294.3896

                                                                              

Hoài Phương