Trăn trở của cô sinh viên mồ côi
(Dân trí) - Quãng đời áo trắng của em là những tháng ngày tưởng chừng không thể vượt qua được. Ba mất sớm vì bệnh ưng thư cổ, ít lâu sau mẹ em cũng qua đời vì căn bệnh bướu hông.
Sau những giờ học trên lớp, Phương lại dành hết thời gian cho việc học.
Chúng tôi tìm đến phòng trọ của Phương và ngay lập tức ấn tượng trước một cô bé nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng đôi mắt ánh lên đầy nghị lực. Với chất giọng đặc xứ Quảng, em kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh của mình như một câu chuyện cổ tích buồn.
Phương sinh ra và lớn lên trên làng quê ngèo Mỹ Tây, Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam. Trước đây, bố Phương là khai thác viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, mẹ buôn bán tạp hoá ở chợ. Hai ông bà làm việc quần quật ngày đêm chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 5 đứa con ăn học. Cuộc sống có lẽ sẽ êm đềm như thế… nếu không có một tai họa giáng xuống gia đình Phương.
Năm 2000, năm ấy Phương 14 tuổi, ba của Phương - ông Nguyễn Văn Thọ, mất ở tuổi 49 trong một cơn bạo bệnh, để lại khoảng trống trong gia đình không ai có thể bù đắp nổi. Còn mẹ Phương sau một thời gian cố chịu đựng những cơn đau, bà đi khám bác sĩ và được biết mắc bệnh bướu hông. Không có tiền để điều trị người mẹ khốn khổ ấy đành cắn răng chịu đựng, dành dụm tiền cho mấy đứa con ăn học.
Phương nghẹn ngào: “Nhìn thấy mẹ phải cực khổ vì chúng em, năm lớp 8 em xin mẹ nghỉ học để phụ mẹ nuôi anh chị và 2 đứa em đi học nhưng mẹ một mực không cho. Mẹ nói: “Đời cha mẹ không được học hành nên đã khổ nhiều rồi, mẹ không đành lòng để mấy anh em con nghỉ học giữa chừng rồi mai này lại khổ”. Nghe lời mẹ em càng cố gắng hơn nữa để mẹ khỏi phiền lòng!”
Năm Phương học lớp 12, một ngày cuối thu, mẹ Phương cũng lặng lẽ ra đi, để lại ước nguyện chưa thành - nuôi các con ăn học. “Lúc đó em tưởng chừng mình sẽ không thể gượng dậy được, may mà có các cô, các chú thương tình cưu mang…” - nước mắt Phương lại lăn dài. Người anh cả của Phương là Nguyễn Thanh Thân lúc này đang học năm cuối trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, chị gái Nguyễn Thị Thanh Thảo là sinh viên năm 2 - Trường ĐH Sư Phạm Quảng Nam, nên chưa thể chăm lo cho các em. Không còn cách nào, 2 đứa em trai của Phương phải gửi cho người thân ở Quy Nhơn nhận nuôi. Còn Phương đành ngậm ngùi gác ước nguyện vào Đại học để lao vào cuộc “mưu sinh”.
Ngày nhận giấy báo nhập học, em nhìn lên bàn thờ ba mẹ mà nước mắt giàn giụa: “Ba ơi! Mẹ ơi! Con đã làm được điều ba mẹ mong ước nhưng con lấy đâu ra tiền để đi học bây giờ…?” Nhờ sự động viên của thầy cô, bạn bè, người thân, Phương khăn gói ra Huế nhập học với số tiền ít ỏi em dành dụm được trong một năm lao động vất vả. Phương rơm rớm nước mắt: “Em đi học được đến đâu hay đến đó thôi ạ. Nhưng em sợ phải nghỉ học lắm! 4 năm đại học em biết làm gì để trang trải…?”
Mấy ngày này Huế vẫn còn lạnh nhưng Phương cũng chỉ có mỗi một chiếc áo ấm của chị gái cho vừa mặc ở nhà vừa để dành để mặc đi học. Ngoài đi học em có đi làm thêm không? Phương lắc đầu: “Em muốn lắm nhưng rong ruổi đi xin việc khắp nơi không ai muốn nhận vì họ thấy người em nhỏ quá. Số tiền em dành dụm năm qua gần hết, em không biết sẽ “cầm cự” được bao lâu nữa…”
Nguyễn Đông