Thăm mái ấm tương lai của bé Nhân Nghĩa
(Dân trí) - Sau khi xuất viện, Nhân Nghĩa sẽ được đưa về chăm sóc tại Làng thiếu niên Thủ Đức (18 Võ Văn Ngân, P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức).
Tại đây, Nhân Nghĩa sẽ ở tổ chăm sóc trẻ sơ sinh (chia làm 2 nhà: dưới 12 tháng và từ 1 – 3 tuổi. Lên 4 tuổi, Nghĩa chuyển sang ở với mẹ và anh chị em mới tại 1 gia đình trong làng, hàng ngày được đến trường. Đến lúc 15 tuổi, khu lưu xá nam sẽ chào đón Nghĩa cho đến khi chàng trai Nhân Nghĩa 18 tuổi, có thể sống tự lập.
Ở nhà nuôi trẻ sơ sinh, ban ngày có 8-9 bảo mẫu trông nom, ban đêm, 5 cô sẽ thức trắng nâng giấc cho các thiên thần nhỏ. Cũng như Nghĩa, 45 bạn mới của bé đều có câu chuyện của riêng mình nhưng hầu hết được chuyển về từ các bệnh viện vì bị bỏ rơi và/hoặc mang trong mình các bệnh nan y như bại não, não úng thủy, máu trắng, viêm da bẩm sinh…
Như bé Trần Gia Bảo (10 tháng tuổi) được chuyển về từ BV Hùng Vương trong tình trạng bại não và phổi rất yếu, phải nhờ máy bơm thức ăn. Hay bé Bùi Khánh An bị não úng thủy, mặc dù đã 4 tuổi nhưng chỉ cười ngơ ngẩn mỗi khi được các mẹ vỗ về. Cũng có cặp sinh đôi bị viêm da từ lúc lọt lòng, mình mẩy xanh xanh, tím tím vì bôi thuốc…
Nghĩa sẽ tắm ở đây
Với nụ cười niềm nở, chị Nguyễn Thị Ngọc Thu, tổ trưởng tổ chăm sóc trẻ sơ sinh dẫn chúng tôi tham quan nơi ăn chốn ở của các bé: ngoài gian phòng chung còn có phòng cách ly cho bé bị bệnh, phòng cho bé mới ở bệnh viện về, nhà tắm, nhà pha chế và giặt giũ… Khuôn viên xung quanh thoáng mát với nhiều cây xanh, hoa cỏ được chăm sóc mỗi ngày bởi các anh chị em trong đại gia đình.
Không giấu niềm tự hào vì các con ngoan, biết vâng lời và nhà cửa khá ngăn nắp, gọn gàng nhưng chị Thu vẫn còn nhiều trăn trở: “Chúng tôi hết sức giữ gìn cơ sở vật chất nơi đây để các cháu được sống trong môi trường thật tốt. Tuy nhiên, nhiều vật dụng cũ dần theo thời gian mà cơ sở chưa có điều kiện thay mới. Chẳng hạn như bình pha sữa cho các bé, lẽ ra 3 tháng phải thay một lần nhưng hiện nay, nhiều bé phải dùng bình cũ. Có 5 máy giặt thì 3 máy đã “nghỉ hưu”, khiến các cô phải thêm vất vả vì giặt bằng tay”.
Chính thức khánh thành vào 1/6/1991, Làng thiếu niên Thủ Đức nguyên là “Cô nhi viện quốc gia”, sau 1975 được đổi tên là Trường mầm non 1. Một dịp tình cờ, bà Marina, cháu nội của danh họa Picasso đến thăm trường và quyết định tài trợ xây dựng làng.
Lớn lên, nghĩa sẽ tha hồ vùng vẫy ở hồ bơi này
Tháng 5/2003, do không đủ khả năng vì quy định thuế trong tiền tài trợ quá cao của chính phủ Pháp, bà Marina Picasso đành ngưng hỗ trợ. Toàn bộ cơ sở vật chất và trách nhiệm điều hành, cung cấp kinh phí chuyển cho Sở LĐTB&XH TPHCM. Từ đây, do số lượng trẻ mỗi ngày mỗi đông nên các chi phí sinh hoạt hàng ngày của các em có phần hạn chế.
Chị Võ Thị Tươi, trưởng phòng quản lý nuôi dưỡng – giáo dục cho biết: “Tiền ăn cho trẻ dưới 15 tuổi là 12.000 đ/ngày, trên 15 tuổi là 14.000 đ/ ngày. Ngoài ra, tiền trang phục cho các cháu là 200.000đ/năm. Với kinh phí có hạn, các mẹ phải tính toán thật kỹ để vun vén chu toàn cho các con. Rất may là nhờ các cá nhân, tổ chức từ thiện hỗ trợ thêm”.
Trong ngôi nhà mới, Nhân Nghĩa sẽ đón nhận tình thương chứa chan từ các mẹ, những người đã hi sinh cả tuổi trẻ để chăm lo cho những đứa con không phải do mình sinh ra. Nhưng để có được điều kiện sinh hoạt tốt nhất, Nghĩa và các anh chị em vẫn cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ từ các bố mẹ gần xa.
Hồng Nhung - Hồng Anh