1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Thăm lại hai ông bà cụ “không chốn nương thân”

(Dân trí) - Trong cái rét lành lạnh, hai ông bà ngồi thu lu trong góc nhà. Chút ánh sáng lờ mờ hắt từ cửa vào làm khuôn mặt vốn dĩ đã nhăn nheo của hai ông bà thêm phần nhầu nhĩ…

Tôi trở lại thăm ông bà ở thôn Đồng Lư vẫn mang trong mình hi vọng cuộc sống ông bà nay sẽ khác, nhưng thật sự thất vọng khi biết ông bà vẫn đang phải nương náu trong căn phòng cũ nát của đình làng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng vẫn phải ra ở nhờ ngoài đình làng, dù ông bà có đến 7 đứa con, tôi hiểu đó là cả một sự đau khổ trong tâm can không biết giãi bày cùng ai.

Đó là ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Chén, nhân vật trong bài viết “Viết tiếp chuyện hai ông bà không chốn nương thân” ở thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Có đến 7 người con (3 cậu con trai và 4 cô con gái), nhưng 7 năm nay hai ông bà phải nương náu ngoài đình làng khi những cậu con trai “bạc bẽo” không muốn nhận ông bà về nuôi, hay nói đúng hơn là đang tâm đuổi ông bà ra khỏi căn nhà mà ông bà đã chính tay tạo dựng cho chúng. 4 cô con gái thì cũng lấy lý do “xuất giá tòng phu” và hoàn cảnh khó khăn mà phó mặc số phận của người đã rứt ruột đẻ ra mình.
 
Thăm lại hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 1

Ở tuổi "cổ lai hy", hai ông bà vẫn lụi cụi tự nấu ăn ở căn phòng nương nhờ ngoài đình làng

Khi tôi đến thăm, tình cờ gặp cô con gái đầu của ông bà dẫn theo cậu con trai thứ 2 đến chơi là chị Nguyễn Thị Quynh. Trong vóc dáng kham khổ, chị Quynh bảo thật tâm chị cũng rất thương bố mẹ của mình, nhưng vì nhà đông con, cuộc sống lại khó khăn nên việc đón nhận ông bà về nuôi nằm ngoài tầm tay. Chị Quynh cũng bảo mỗi năm chị chỉ đến thăm ông bà được vào dịp Tết, hoặc hôm rằm rãnh rỗi mà thôi, với lý do nhà xa, công việc đồng áng lại quá bận rộn.

Thế nhưng cái lý do nhà xa của chị tôi khá bất ngờ khi biết nhà chị cách bố mẹ chỉ khoảng 1 cây số, thế nên tôi cũng không lấy làm lạ khi ông bà đón chị đến thăm nhưng trong lòng chẳng vui vẻ gì. Nhìn căn nhà hiu quạnh, đồ đạc xung quanh chẳng có gì, tôi hỏi ông bà có thấy thiếu thốn gì không. Thế mà ông Quý bảo, sống thiếu thốn cả cuộc đời quen rồi, nhưng vẫn không quen nổi sống thiếu thốn về… tinh thần.

“Thà không có con thì thôi, đằng này con đàn cháu đống mà chúng nó tệ bạc với mình, nhiều đêm cứ nghĩ chắc tại kiếp trước mình ăn ở không tốt anh ạ”, ông Quý bảo. Nói vậy thôi chứ ông Quý cũng chẳng trách những đứa con của mình nữa, bởi ít nhất ông bà cũng đã sống cảnh “không chốn nương thân” đã 7 năm rồi. “Chúng tôi giờ như chuối chín trên cây, biết ngày nào rụng mà còn lo chuyện trách cứ con cháu. Tôi với bà giờ nương tựa với nhau mà sống vui vẻ qua ngày thôi anh à”, ông Quý nói tiếp.

Hai ông bà hằng ngày làm công việc quét dọn đình làng, làm bầu bạn với mấy con mèo, con chó, tối về thì tham gia tập luyện… thể thao với mấy cụ cao tuổi trong xóm. Cuộc sống những ngày tháng xế chiều với ông bà trông vậy mà cũng thảnh thơi, mà nói như ông Quý thì cả ông và bà đều đợi “ngày chết” nên chẳng có gì phải nghĩ ngợi nữa.
 
Thăm lại hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 2

Bạn đọc Dân trí ủng hộ hai ông bà số tiền 2.900.000 đồng vượt qua khó khăn trong cuộc sống

Nhân dịp này, PV Báo điện tử Dân trí tiếp tục gửi tới ông bà số tiền 2.900.000 đồng do bạn đọc ủng hộ nhằm giúp ông bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, như là nguồn động viên tinh thần những năm tháng tuổi già cô quạnh. “Hãy vui lên mà sống thôi anh à, còn sống là còn vui. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến mọi người”, ông Quý chia sẻ.

Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm