1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bài tết gửi lại

Tấm lòng Nhân ái - Nơi trái tim nói với trái tim

Ngày 4/12/2004, tại Văn Miếu, báo KH&DT làm Lễ phát động khai trương Quỹ Nhân ái. Từ đó đến nay, chuyên mục "Tấm lòng Nhân ái" trên báo điện tử Dân trí và báo KH&DT đã trở thành một cầu nối cao đẹp của tình thương đến với tình thương.

Ở ngôi nhà của yêu thương này không chỉ là truyền thống sẻ chia, lá lành đùm lá rách mà còn là lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách này đùm bọc, sẻ chia cùng lá rách khác.

 Hàng vạn tấm lòng hảo tâm

5 năm qua (12/2004 - 12/2009), đã có hàng vạn tấm lòng của các nhà hảo tâm nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ hàng ngàn số phận không may mắn. Họ là nạn nhân của thiên tai, bão lũ, bệnh tật và cả những số phận bi thương, oan khuất bị chính người thân hay đồng bào của mình hành hạ, đọa đầy. Đó là những nạn nhân của vụ sập cầu Cần Thơ, đắm đò ở Quảng Bình, bão lũ ở miền Trung... Là số phận thương tâm của cô giáo Mến bị ung thư ở Đồng Nai, bé Hòa mồ côi cha mẹ ở Bắc Giang, chú bé Sao đánh giày bị bệnh tim bẩm sinh ở Hà Nội, chú lính chì dũng cảm bị tai nạn cụt chân Văn Danh, cô bé Hảo bị chính người thân của mình đọa đày một cách tàn nhẫn, là cuộc sống bi thương của các em nhỏ trong "trại tập trung nuôi nhốt" Việt Lâm (Phú Thọ), những nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình... Họ đã đến với Tấm lòng Nhân ái và đều nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ.

Tình thương vượt qua biên giới

Kể từ 50 ngàn đồng của bé Đặng Ngọc Minh, học sinh lớp 4A trường Tiểu học Đoàn Kết và 100 ngàn đồng của cô giáo Nguyễn Thị Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hoàng Hà Nội đến 50 triệu đồng của Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà trong ngày đầu tiên đóng góp vào Quỹ với tổng số 67.817.000 đồng nhận được tại Lễ phát động (4/12/2004), đến nay, Quỹ Nhân ái đã chuyển hàng tỉ đồng của các nhà hảo tâm đến các địa chỉ cần giúp đỡ. Trừ những ngày nghỉ, lễ tết, hầu như không có ngày nào Quỹ Nhân ái không nhận được sự sẻ chia từ các độc giả của báo. Có ngày số tiền ủng hộ lên tới cả trăm triệu đồng được chuyển tới tòa soạn, văn phòng đại diện các vùng miền và tài khoản của Quỹ tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Họ là những công nhân trong phân xưởng, người bán báo rong hay em bé đánh giày. Họ là những viên chức, công chức Nhà nước, là nhân viên tại các cơ sở liên doanh, là nhà khoa học, nhà giáo hay doanh nhân, doanh nghiệp. Họ cũng là những người nông dân đang lặn lội trên cánh đồng, là những Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở xa Tổ quốc, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giàu nghèo. Không phân biệt khoảng cách xa gần, biên cương, hải đảo, tất cả, tất cả đã đến với Quỹ bằng tấm lòng Nhân ái, bằng tình yêu thương đồng bào, đồng loại. Họ có thể chỉ có 20 - 30 ngàn đồng gom góp từ những đồng tiền nhầu nhĩ mồ hôi hay hàng chục triệu đồng của các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn thành đạt. 50 ngàn đồng và 50 triệu đồng tặng cho Quỹ là những số tiền khác nhau nhưng tấm lòng thì như nhau, không thể phân biệt nhiều ít, vơi đầy.

Mệnh lệnh tối thượng- Một đồng đến là một đồng đi

Có thể nói chính tấm lòng của độc giả đã làm xúc động chúng tôi, những người tham gia quản lý Quỹ. Không cảm động sao được khi nhận vài chục ngàn đồng của các cháu học sinh tiểu học 6 - 7 tuổi nhịn ăn sáng để tự tay đem đến gửi tặng cho người bạn khó khăn, cơ nhỡ của mình! Không xúc động sao được khi nhận những đồng tiền mặn chát mồ hôi của người bán vé số vô danh hàng tuần đều đặn gom góp vài ba trăm ngàn đem tặng Quỹ! Không xúc động sao được khi đón nhận những đồng tiền được chắt bóp từ đồng lương còm cõi của các ông, các bà, các cụ về hưu! Không ấm lòng sao được trước cảnh những nhà hảo tâm đội mưa, đội gió đến tòa soạn gửi quà...! Tấm lòng của độc giả, niềm tin nơi các nhà hảo tâm khiến chúng tôi phải hành xử xứng đáng với sự tin cậy đó. "Một đồng đến là một đồng đi". Đó là mệnh lệnh tối thượng của Tấm lòng Nhân ái. Tất cả mọi đóng góp của các bạn đều được chúng tôi chuyển đầy đủ đến đúng địa chỉ trong thời gian sớm nhất. Loại trừ tối đa sai sót và đặc biệt là không thất thoát dù chỉ một đồng. Xin kể lại một câu chuyện buồn. Cách đây không lâu, một độc giả nhờ một Văn phòng đại diện của chúng tôi chuyển 200 USD đến một địa chỉ. Người nhận quà để chuyển hôm đó đúng vào thời kỳ sắp sinh cháu nhỏ. Có lẽ do nỗi lo "vượt cạn" quá gian nan nên chị đã quên thực hiện nhiệm vụ đúng thời gian làm phiền lòng bạn đọc có tấm lòng nhân ái. Chuyện đến tai Ban Biên tập và ngay lập tức, Tổng Biên tập đã điện thoại xin lỗi nhà hảo tâm đồng thời có thư cáo lỗi công khai tới người gửi tiền và người nhận tiền trên các ấn phẩm của báo và đã xử lý cô nhân viên bằng hình thức không ký tiếp hợp đồng lao động. "Đây là một quyết định hết sức khó khăn nhưng không có cách nào khác vì sự minh bạch cần thiết không chỉ của Quỹ mà còn là uy tín của tờ báo. Mất niềm tin của bạn đọc là mất tất cả". Đó là lời phân trần của người đứng đầu toà soạn trong buổi họp kỉ luật cô nhân viên vi phạm.

Vì độc giả và nhờ độc giả

"Mất niềm tin là mất tất cả". Một câu nói từ cổ xưa nhưng không bao giờ cũ, nhất là với những người làm báo Khuyến học & Dân trí - Dantri.com.vn, tờ báo của Hội Khuyến học Việt Nam, một trong số những hội nghèo nhất nước về tài chính nhưng luôn ngập tràn sự hy sinh, lòng nhiệt thành và tấm lòng nhân ái vì sự nghiệp khuyến học - khuyến tài của đất nước. Chúng tôi phải tự mình bươn chải, vươn lên mà động lực chính là sự tin yêu, niềm tin cậy của độc giả. "Vì độc giả và nhờ độc giả" chính là khẩu hiệu chi phối mọi hành động của chúng tôi. Những nhà hảo tâm hãy đến với chúng tôi và những số phận rủi ro hãy đến và nói cùng chúng tôi. Xin cám ơn những tấm lòng thơm thảo và cám ơn cả những số phận không may mắn vì tất cả các bạn đã đến và tin cậy chúng tôi.

Tấm lòng Nhân ái là ngôi nhà của các bạn, nơi tình thương đến với tình thương, nơi trái tim nói với trái tim.