Quỹ Vòng tay Đồng đội trao hàng chục triệu đồng đến gia đình người có công
(Dân trí) - Nhân dịp kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Giám đốc Quỹ Vòng tay Đồng đội đã trích hàng chục triệu đồng trao tặng gia đình có công, thân nhân liệt sĩ, thương binh.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, nhân kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), nhà báo Phạm Huy Hoàn, Giám đốc Quỹ Vòng tay Đồng đội đã trích hàng chục triệu đồng từ Quỹ Vòng tay Đồng đội để trao tặng gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ, thương binh.
Tại Thanh Hoá: Nhà báo Duy Tuyên, Phó trường Văn phòng đại diện báo Dân trí đã trao 12 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tới các gia đình có công, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tại xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân.
Cùng đi với phóng viên Dân trí có lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thọ Xuân, đại diện lãnh đạo, UBND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã Xuân Hồng. Đặc biệt là sự có mặt của 12 thân nhân gia đình người có công với cách mang trên địa bàn xã Xuân Hồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Xuân Hồng chia sẻ: Ngày 27/7 hàng năm là dịp để tất cả chúng ta nhớ lại và biết ơn những người có công với cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, địa phương vinh dự được đại diện báo điện tử Dân trí về thăm, tặng quà cho các gia đình người có công với cách mạng.
Ông Hưng thông tin: Xã Xuân Hồng là địa phương mới được sáp nhập từ 3 xã với 16 thôn và gần 12.000 nhân khẩu. Mặc dù còn nhiều khó khăn do mới được sáp nhập, diện tích rộng, dân số đông, nhưng với sự quan tâm của huyện, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương nên đã có nhiều đổi mới.
Cũng theo ông Hưng, hiện xã Xuân Hồng có 247 thương bệnh binh, 40 trường hợp nhiễm chất độc hóa học, 43 thân nhân liệt sĩ, 246 người thờ cúng liệt sĩ và 23 người được truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi dịp ngày lễ, Tết, Đảng ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc luôn dành sự quan tâm, biết ơn bằng những món quà cả về vật chất cũng như tinh thần đến người có công. Ngoài ra, địa phương cũng nhận được sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm cũng như con em địa phương đi làm ăn xa hướng về quê hương...
“Thay mặt chính quyền địa phương, xin cảm ơn báo Dân trí đã dành tặng những tình cảm quý báu bằng những món quà cụ thể cho người có công với cách mạng của địa phương. Qua đây, cũng hi vọng rằng, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo Dân trí không chỉ riêng xã Xuân Hồng mà tất cả những người có công với cách mạng trên cả nước”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Đón nhận món quà của báo Dân trí, ông Vũ Hữu Ngạn xúc động: “Tôi là một bệnh binh mất sức 61 - 70%, hôm nay rất vinh dự khi nghe tin và được nhận món quà từ quỹ Vòng tay đồng đội do báo Dân trí trao tặng. Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến quý báo cũng như các nhà hảo tâm đã dành sự quan tâm đến những người có công như chúng tôi”.
Ông Lê Viết Minh, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thọ Xuân cho biết: “Đây là địa phương gộp lại từ 3 xã, đối tượng người có công rất đông và nhiều hoàn cảnh còn khó khăn. Hôm nay, nhiều gia đình người có công được đón nhận món quà từ quỹ Vòng tay đồng đội do báo điện tử Dân trí trao tặng. Thay mặt cho lãnh đạo Phòng và chính quyền địa phương xin được cảm ơn báo Dân trí đã tặng quà cho người có công trên địa bàn xã Xuân Hồng”.
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), thể hiện tinh thần tri ân gia đình có công,
Tại Kiên Giang, sau khi được UBND xã Hàm Ninh xét chọn 5 gia đình thương binh còn khó khăn, ngày 23/7, PV Dân trí cùng ông Trần Trung Trực – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàm Ninh (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội đến tận các gia đình Thương binh để tặng những phần quà nghĩa tình, gồm: Gia đình Thương binh Ngô Bá Khâm; Gia đình Thương binh Võ Văn Vạn; Gia đình Thương binh Cao Văn Thắng; Gia đình Thương binh Hứa Như Hoài và gia đình Thương binh Lê Văn Đực.
Các gia đình Thương binh mà chúng tôi đến thăm và tặng quà là những hộ gia đình còn khó khăn so với 21 trường hợp Thương binh của xã Hàm Ninh. Các Thương binh này đều là những người lính tham gia chiến trường ở miền Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng chế độ Pol Pot từ những1978 đến 1984.
Khi hoàn thành nhiệm vụ, các Thương binh trở về địa phương sinh sống bằng những nghề làm rẫy, đi biển, tham gia công tác Hội cựu chiến binh… Dù tuổi cao, sức khỏe không tốt do di chứng chiến tranh để lại, tuy nhiên những người cựu binh lúc nào cũng là những người ông, người cha mẫu mực để cho thế hệ con cháu noi theo về tấm gương cần cù lao động; hết lòng gắn bó với chính quyền địa phương, bà con chòm xóm.
Ông Hứa Như Hoài – Thương binh 2/4, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Campuchia, ông về Hà Tiên sinh sống một thời gian, sau đó đưa cả gia đình ra đảo Phú Quốc sinh sống. Khi đặt chân đến vùng đất đảo này, ông Hoài khẩn hoang đất trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi gà vịt… Nhờ đó, vợ chồng thương binh Hứa Như Hoài nuôi 3 đứa con ăn học thành tài, cả 3 đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định.
Trường hợp gia đình ông Hoài cũng là trường hợp duy nhất còn lại mà địa phương chưa có nhà tình nghĩa. Nguyên nhân là phần đất ông Hoài đang sinh sống nằm trong quy hoạch sân Golf. Tuy nhiên, hộ ông Hoài và nhiều hộ dân khác vẫn đang bị "kẹt" bởi dự án này kéo dài trên 20 năm, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt (điện nước, đi lại), làm ăn khó khăn vì đất đai không làm giấy đỏ, không vay ngân hàng lấy vốn làm ăn cũng như việc xây nhà mới…
Còn trường hợp Thương binh Võ Văn Vạn, từng là Tham mưu trưởng ở huyện đội Hà Tiên (cũ) nhưng cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn. Vì nhiều năm qua, vợ Thương binh Vạn bị tai biến nằm liệt một chỗ, do đó, dù năm nay ông đã gần 70 tuổi, Thương binh Vạn vẫn còn đi biển để nuôi sống bản thân và gia đình.
Ông Vạn nói: “Cũng may mấy năm gần đây có con cái hỗ trợ cũng đỡ nhọc hơn. Đứa con gái đưa mẹ nó về nhà chăm sóc nên tôi rảnh rỗi là đi biển, vì đây là cái nghề, ngoài cái nghề đánh giặc thời trai trẻ”.
Đón nhận phần quà từ Quỹ Vòng tay Đồng đội, các cựu binh ai nấy đều xúc động, bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Quỹ Vòng tay đồng đội đã nhớ đến những người lính tuổi cao, sức yếu nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.
Tại Đồng Tháp, ngày 24/7, PV Dân trí cùng ông Đỗ Đắc Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trực tiếp đến nhà 5 trường hợp Thương binh của xã để trao tặng 5 phần quà (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng), gồm: Thương binh Nguyễn Văn Bé (ấp Tân An, xã Tân Thành); Thương binh Nguyễn Chí Thành; Thương binh Huỳnh Thanh Tòng; Thương binh Trần Công Khanh và Thương binh Nguyễn Văn Bé (ấp Tân Khánh, xã Tân Thành; 2 ông Bé trùng họ tên, khác ấp).
Thương binh Huỳnh Thanh Tòng nhập ngũ năm 1987 là lính Sư 339, trung đoàn 8, C18. Sau khi qua nước bạn Campuchia phục vụ một năm thì bị thương, sau đó được đưa về nước. Hiện thương binh Tòng đang sống với đứa con trai, hàng ngày ông Tòng chạy xe ôm phụ thêm tiền sinh hoạt cho gia đình.
Kể về những ngày tháng ở nước bạn Campuchia, Thương binh Trần Công Khanh, cho biết, chiến trường Campuchia đầy gian khổ và nguy hiểm.
Ông Khanh nhập ngũ vào 1980, ông chiến đấu trên đất bạn Campuchia đến 1984 thì bị thương nặng, phải cắt mất chân phải và ông được đưa về nước.
Khi về địa phương, dù mất một chân, Thương binh Trần Công Khanh vẫn tham gia nhiều công tác ở ấp và xã, như: công an, tuyên giáo, văn phòng.... Đến 2014 giữ chức Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Thành đến đầu năm 2020 thì ông mới xin nghỉ.
Đến thăm các gia đình Thương binh còn lại, như hộ Nguyễn Văn Bé, hộ Nguyễn Chí Thành, hộ Nguyễn Văn Bé, gia đình các thương binh tương đối có cuộc sống ổn định, nhà cửa được địa phương cất nhà nghĩa tình đồng đội đảm bảo 3 cứng (nền, vách, mái), các chế độ thương binh được địa phương cấp phát đầy đủ.
Riêng Thương binh Nguyễn Chí Thành còn trắc ẩn khi ông chưa được hưởng chế độ thờ cúng Liệt sĩ là cha ruột và cậu ruột của ông.
Riêng người cậu ruột là Liệt sĩ Trần Bửu Kiết, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào năm 1954. Người cầu ruột này hy sinh khi chưa lập gia đình, hiện nay không còn người thân. Bởi thế, nhiều năm qua ông Thành là người thờ cúng Liệt sĩ Kiết, tuy nhiên, ông Thành vẫn không được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ Kiết.
Ông Thành chia sẻ: “Hiện nay gia đình cuộc sống cũng ổn định, nhà cửa đàng hoàng vì được sự chung tay của địa phương và Tiểu đoàn Tây Đô hỗ trợ xây dựng. Tôi chỉ còn nút thắt là chưa được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ mà 2 liệt sĩ đó, một người là cha ruột của mình, một người là cậu ruột”.
Ông Đỗ Đắc Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, chia sẻ: "Đại diện chính quyền địa thương, các gia đình Thương binh, Liệt sĩ, tôi xin chân thành cám ơn báo Dân trí, Quỹ Vòng tay Đồng đội đã trao tặng những phần quà ý nghĩa tới các gia đình Thương binh ở xã Tân Thành.