1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà quá nghèo giờ ra sao?

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhung không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà quá nghèo. Song được bạn đọc Dân trí giúp đỡ, cô học trò đồng bào Mường đã viết tiếp ước mơ của mình, trở thành cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục.

"Dân trí đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời em"

Em Hà Thị Nhung (24 tuổi, thôn Làng Pheo, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vui mừng trò chuyện với tôi về cuộc sống, công việc của em hiện tại ở Hà Nội.

Nhung là nhân vật trong bài viết:"23 điểm khối C, nữ sinh dân tộc Mường không dám nộp hồ sơ xét tuyển vì nhà quá nghèo", đăng trên báo Dân trí cách đây 6 năm.

Nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà quá nghèo giờ ra sao? - 1

Cô nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà nghèo ngày ấy giờ đã tự tin bước vào cuộc sống (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tâm sự với tôi, Nhung cho biết, em là con út của gia đình có 7 anh, chị, em, bố mẹ già lại mang trọng bệnh, các anh, chị đã lập gia đình và ra ở riêng.

Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng trong suốt những năm học phổ thông, Nhung đã luôn nỗ lực vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Cô gái đã đạt giải Khuyến khích môn địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa.

"Năm 2018 khi nhận kết quả xét tuyển đại học, em biết mình đỗ vào ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý Giáo dục, em rất vui nhưng cũng đi kèm với sự nuối tiếc vì hoàn cảnh gia đình em lúc đấy quá éo le. Bố em bệnh nặng, gia đình không thể lo cho em vào đại học được", Nhung nói.

Tưởng chừng như giấc mơ nơi giảng đường của cô gái trẻ vụt tắt nhưng may mắn đã mỉm cười khi em được bạn đọc báo Dân trí động viên, giúp đỡ.

Được sự quan tâm của độc giả Dân trí, cô gái Hà Thị Nhung có cơ hội đi học, trở thành sinh viên ngành Tâm lý của Học viện Quản lý Giáo dục như em từng ao ước. Bố mẹ em có tiền chữa bệnh.

Trên chặng đường vừa qua, có sự tiếp sức của bạn đọc Dân trí, Nhung đã tốt nghiệp đại học và đang làm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt với mức thu nhập ổn định.

Nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà quá nghèo giờ ra sao? - 2

Nhung chụp ảnh cùng cô giáo cũ Lê Thị Hoa (Ảnh: Cô giáo Lê Thị Hoa cung cấp).

6 năm qua, dù cuộc sống gia đình Nhung có nhiều đổi thay. Bố em qua đời vì bạo bệnh lúc em đang học năm 2 đại học, mẹ già đi rất nhiều nhưng với Nhung, em chưa bao giờ quên những ân tình mà bạn đọc báo Dân trí đã dành cho mình.

"Chính độc giả của báo đã "chắp cánh", tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời em. Trong tận đáy lòng, em gửi lời cảm ơn đến quý độc giả, quý báo", Nhung xúc động nói.

"Khi lòng tốt, niềm tin được đặt đúng chỗ, sẽ phát huy hiệu quả"

Cô giáo Lê Thị Hoa, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Thọ Xuân 5 (chủ nhiệm cũ của Nhung), cho biết em Nhung rất ngoan, giản dị, tiết kiệm.

"Lần đó em được giúp đỡ hơn 100 triệu đồng nhưng không vì thế mà em dựa dẫm. Để có kinh phí trang trải cuộc sống, thời gian đầu em đi làm thêm, cùng với số tiền bạn đọc báo giúp đỡ để trang trải việc học. Kết thúc 4 năm học, số tiền bạn đọc Dân trí giúp đỡ vẫn còn 30 triệu đồng. Em dành số tiền ấy để mua xe máy đi làm", cô Hoa tâm sự.

Cô Hoa cho biết, cô rất tự hào về Nhung. Cô thường kể với học sinh và phụ huynh về nghị lực của một học trò vượt lên nghịch cảnh.

"Năm 2022, ra trường, em xin được việc làm. Tháng lương đầu tiên em trích ra 10 triệu đồng, trở về trường, trao quà đến các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn", cô Hoa kể.

Nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học vì nhà quá nghèo giờ ra sao? - 3

Nhung (áo trắng) dành tiền lương tháng đầu tiên để trao quà đến học sinh nghèo tại Trường THPT Thọ Xuân 5 (Ảnh: Cô giáo Lê Thị Hoa cung cấp).

Theo cô Hoa, em Hà Thị Nhung là minh chứng cho việc khi niềm tin, lòng tốt được đặt đúng chỗ sẽ phát huy hiệu quả. Chính ân tình của bạn đọc báo Dân trí đã làm thay đổi cuộc đời của Nhung.

"Nhìn vào cuộc sống, mức thu nhập của em, người làm cô giáo như tôi cảm thấy rất vui, ấm lòng. Đó là động lực để tôi phấn đấu, tin vào sự tử tế luôn hiện hữu trong cuộc sống này. Sâu trong tâm hồn, tôi gửi lời cảm ơn đến độc giả báo Dân trí", cô Hoa bày tỏ.

Cô Hoa mong, các mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn sẽ được báo Dân trí biết đến, giúp đỡ, từ đó không chỉ tạo nên bước ngoặt, đổi thay mà còn lan tỏa câu chuyện tử tế, nhân văn trong cuộc sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm