1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 3852

Bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh nghèo ngày ấy

Hạnh Linh

(Dân trí) - "Nếu không có cầu nối của Dân trí, có lẽ em đã trở thành một người khác, làm một công việc mà mình không mong muốn, sẽ không có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay", em Lê Thị Hằng chia sẻ.

"Dân trí bắc cầu cho em qua sông"

Trò chuyện với tôi, em Lê Thị Hằng (thôn Hiệp Lực, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bày tỏ lòng biết ơn khi nhắc đến ân tình của bạn đọc báo Dân trí dành cho mình.

"Mã số 3851 trên Chuyên trang Nhân ái của báo Dân trí đã tạo nên bước ngoặt, thay đổi cuộc đời của em", cô gái 22 tuổi bộc bạch.

Bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh nghèo ngày ấy - 1

Em Lê Thị Hằng ngày tốt nghiệp chuyên ngành Luật kinh tế, Học viện Ngân Hàng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hằng là nhân vật trong bài viết: "Nữ sinh vụt tắt ước mơ vào ngành báo chí vì nhà quá nghèo" đăng trên Dân trí vào tháng 9/2020.

Sau khi hoàn cảnh của em được đăng tải, đông đảo bạn đọc đã chia sẻ, quan tâm giúp đỡ Hằng. Thông qua báo Dân trí, cô gái được bạn đọc giúp đỡ hơn 250 triệu đồng. Số tiền ấy đã giúp cho cô gái nghèo ngày ấy viết tiếp ước mơ nơi giảng đường đại học.

Nhớ về quãng thời gian 4 năm trước, Hằng cho biết, hoàn cảnh của gia đình éo le, bố em làm phụ hồ, mẹ bị bệnh suy tim. Cả 5 nhân khẩu trong nhà nhìn vào đồng lương phụ hồ của bố nên bữa đói, bữa no.

Bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh nghèo ngày ấy - 2

Với sự giúp đỡ của bạn đọc Dân trí và nỗ lực của bản thân, cuộc sống của Hằng đã thay đổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày biết điểm thi, hiểu hoàn cảnh gia đình không thể học lên đại học, Hằng và mẹ khóc rất nhiều. "Em tâm sự với bố mẹ cho em đi học, em sẽ tự làm thêm kiếm tiền trang trải việc học. Nhưng bố mẹ bảo, đi làm thêm cũng chỉ đủ tiền ăn ở, chứ không thể lo hết được, gia đình không thể cáng đáng được học phí hàng tháng", Hằng nhắc đến giai đoạn khó khăn của cuộc đời.

"May mắn khi báo Dân trí đăng tải hoàn cảnh của em, "bắc cầu" cho em qua sông, tạo nên bước ngoặt, thay đổi cuộc đời của em. Em vô cùng biết ơn quý báo, các thầy cô trong Trường THPT Thọ Xuân 5 (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) và em tự hứa với lòng mình luôn nỗ lực, phấn đấu vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống", Hằng bày tỏ.

Cô gái trẻ cho biết, ngày ấy em thích ngành báo chí, song các thầy cô giáo, anh chị đi trước đã tư vấn, định hướng, bản thân em đã suy nghĩ rồi đi đến quyết định thay đổi nguyện vọng. Sau khi cân nhắc, em đã chọn học chuyên ngành Luật Kinh tế của Học viện Ngân hàng và đã trở thành cử nhân ngành Luật.

"Mong em luôn làm việc tốt, truyền cảm hứng cho học sinh nghèo"

Tân cử nhân ngành Luật cho biết, trong 4 năm học, em đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống. 3 tháng trước ngày thi tốt nghiệp, em đã đi làm part-time (bán thời gian) về công việc hành chính nhân sự. Tháng lương đầu tiên, Hằng nhận được khoảng 3 triệu đồng, là kết quả bước đầu của quá trình nỗ lực không mệt mỏi của em.

"Em gọi điện báo cho cô giáo chủ nhiệm thời cấp 3 và bố mẹ em vì đã tìm được việc làm. Sau đó, em trích một phần lương gửi vào câu lạc bộ kết nối những người con Thanh Hóa đang sinh sống học tập và làm việc tại Hà Nội", Hằng chia sẻ.

Bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh nghèo ngày ấy - 3

Cô gái 22 tuổi đã có việc làm, mức thu nhập ổn định ở Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hằng cho biết, hiện em làm công việc hành chính nhân sự cho một doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định, đủ lo cho bản thân và phụ giúp bố mẹ ở quê.

Nhớ về những kỷ niệm với học trò, cô giáo Lê Thị Châu, giáo viên Trường THPT Thọ Xuân 5 (chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của Hằng), cho biết, năm 2017, khi đi làm công tác tuyển sinh, cô thấy Hằng đen nhẻm, rụt rè, ngồi ở góc nhà. Cô Châu đã động viên Hằng tiếp tục học lên.

Cô Châu cho biết, ngày nhận điểm thi, học sinh trong lớp gọi điện, nhắn tin chia sẻ niềm vui với cô, song chờ mãi cô vẫn không thấy cuộc gọi của Hằng. Chiều tối, cô gọi điện thì mới biết, Hằng được 28 điểm khối C00.

"Qua điện thoại, em khóc và nói em không có tiền đi học nên sẽ đi làm công ty. Nghe em nói vậy, lòng tôi như lửa đốt. Tôi bảo em có khả năng, em phải được đi học", cô Châu nói.

Bước ngoặt cuộc đời của cô nữ sinh nghèo ngày ấy - 4

Hằng (mặc áo bò) trong một lần về trường thăm lại cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Châu (Ảnh: Cô giáo Lê Thị Châu cung cấp). 

Theo cô Châu, câu chuyện của Hằng sau đó được phóng viên Dân trí tìm hiểu và đăng tải trên Chuyên trang Nhân ái của báo. Nhờ sự lan tỏa của báo Dân trí, bạn đọc đã biết đến, hỗ trợ, giúp đỡ em rất nhiều.

"Sau khi được giúp đỡ, cánh cửa nơi giảng đường đại học của em đã mở ra. Với số điểm cao, em là thủ khoa toàn Học viện và được Thống đốc Ngân hàng nhà nước tặng Giấy khen", cô Châu chia sẻ.

Cô Châu rất vui vì cô học trò nhỏ đã trưởng thành, có việc làm, cuộc sống của em ngày một tốt hơn. "Tôi luôn nhắc em nhớ đến những ân tình của bạn đọc báo Dân trí, của các thầy, cô đã từng dạy mình. Tôi mong em luôn làm việc tốt, truyền cảm hứng cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn để đền đáp những tấm lòng thơm thảo", cô Châu xúc động.