1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống!

(Dân trí) - Con trai cả của chú Sơn được những tấm lòng nhân ái giúp đỡ vượt qua tử thần và giờ đã tốt nghiệp cấp 3. Từ đó, chú Sơn cũng rời xa cuộc sống thuyền chài và lên bờ chăm sóc các con. Để trả ơn cuộc đời đã cứu giúp con trai, chú Sơn tình nguyện hiến tạng, chú bảo: Tôi hiến tạng cho người cần được sống!

Hiến tạng để trả ơn đời!

Chúng tôi gặp lại người cha nghèo Nguyễn Thanh Sơn (SN 1965, trú thôn 7, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), là nhân vật trong bài viết: “Thiếu 65 triệu mổ tim, cha nghèo bất lực nhìn con trai chết mòn”.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2012, Nguyễn Chí Linh (con trai chú Sơn) phát hiện mình mắc căn bệnh hở van 3 lá. Căn bệnh nặng, đã di chứng lên phổi khiến cho cậu bé 14 tuổi chỉ nặng hơn 30 kg, người lúc nào cũng xanh xao, ốm yếu.

Thường ngày, cơm đã ăn không đủ no, áo không đủ mặc nay con lại mắc bệnh hiểm nghèo nên chú Sơn không biết lấy gì để lo tiền thuốc men cho con.

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống! - 1
Người cha nghèo hy vọng, mình sẽ cứu sống được người khác để trả ơn cuộc đời

Sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin về hoàn cảnh gia đình, chú Sơn đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân trong cả nước. Chú Sơn cho biết, với số tiền hơn 200 triệu đồng mà độc giả báo Dân trí giúp đỡ đã đủ cho Nguyễn Chí Linh có thể bước vào phòng phẫu thuật tim.

Nhưng may mắn cho gia đình, bệnh viện Tim Tâm Đức tại TP.HCM đã nhận phẫu thuật tim miễn phí cho Linh. Vì thế số tiền mà bạn đọc, các nhà hảo tâm giúp đỡ đã được chú sử dụng cho hai con ăn học. 

Chú Sơn cho biết thêm, trước tình cảm của các mạnh thường quân, chú đã nghĩ cách để trả ơn mọi người. Tuy nhiên, có rất nhiều người giúp đỡ gia đình mình, chú không thể cảm ơn từng người một, nên chú đã nghĩ đến việc hiến tạng cho y học như cách để mình trả ơn cuộc đời.

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống! - 2
Chú Sơn mong muốn, mình trao một cơ hội sống cho một cuộc đời khác

Chú Sơn kể, suốt nhiều năm qua, sau khi con trai được cứu sống nhờ những tấm lòng nhân ái của mọi người mà bản thân chú chưa hề quen biết, nên không biết lấy gì đền đáp, cảm ơn họ đã khiến chú nhiều năm day dứt, ăn không ngon, ngủ không yên giấc...

Cho đến khi Sở Y tế Đắk Nông hướng dẫn chú xuống Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), để thực hiện nguyện vọng hiến tạng và được chấp nhận, chú mừng đến rơi nước mắt.

Chú Sơn bảo: Những ngày chờ kết quả để được hiến tạng, chú nóng lòng chẳng khác nào ngày ngóng chờ đón đứa con đầu lòng chào đời. Tâm nguyện của chú hoàn thành, hai đứa con cũng hết sức ủng hộ.

"Nay được ăn cơm ngày 3 bữa, được ngủ trọn vẹn suốt đêm và đặc biệt, con trai được chữa trị hết bệnh. Chú hiến tạng, với mong muốn được trao thêm cơ hội sống cho một cuộc đời nữa”, chú Sơn tâm sự.

“Tôi thấu hiểu những khó khăn mà gia đình những bệnh nhân đã và đang trải qua giống như bản thân tôi nên trước khi qua đời, tôi thật lòng muốn hiến tạng để giúp những người cần được sống và hơn hết, đó là cách duy nhất tôi có thể làm để tôi có thể đền đáp những nhà hảo tâm và các y bác sĩ đã giúp đỡ gia đình tôi”, chú Sơn viết trong đơn lá đơn xin hiến tạng.

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống! - 3

Đây như cách để người cha nghèo trả ơn cuộc đời đã cứu con trai khỏi cái chết

Chia sẻ thêm về nguyện vọng hiến tạng này, chú Sơn nghẹn ngào: “Từ ngày hai đứa con được sinh ra, chúng đã là cuộc đời của chú. Mọi người giúp Linh được sống, giúp bố con chú trong lúc khó khăn nhất, chú biết ơn lắm!”.

"Tôi ân hận không cho con có một gia đình đầy đủ bố mẹ"

Gặp lại chú Sơn, điều tôi cảm nhận được đó là gương mặt của chú đã bớt khắc khổ. Hai năm nay, người đàn ông ấy không phải vất vả ngược xuôi chạy vạy tiền để mua thuốc điều trị cho con trai nữa.

Nhớ ngày xưa, hàng ngày chú Sơn còn khắc khổ ngâm mình dưới nước thì nay chú đã rời bến lên bờ dành thời gian để chăm nom mảnh vườn cạnh nhà. Cậu bé Chí Linh từng bị bệnh tim năm nào, cũng đã tốt nghiệp cấp 3 và tự đi làm nuôi sống bản thân.

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống! - 4

Chú Sơn và con trai trong căn nhà tình nghĩa mà địa phương xây tặng.

Nhấp một ngụm trà đặc, người đàn ông 53 tuổi kể lại cuộc đời đầy gian truân của mình bằng chất giọng khàn đục. Ngày chú kết hôn với một người phụ nữ cùng quê, hai bên nội ngoại đều không có đất sản xuất nên chú cùng cả gia đình vợ từ tỉnh Bến Tre lên xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) để lập nghiệp.

Thời gian đầu, khi còn khó khăn, thiếu thốn thì mọi người trong gia đình sống với nhau rất hòa thuận, êm ấm. Thế nhưng, sau vài năm chung sống, khi đã có của ăn, của để thì chú và gia đình bên vợ đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc vợ chồng phải ly hôn.

Hồi đó, tất cả tài sản nhà đất mà chú cùng gia đình vợ tạo dựng do bố vợ đứng tên nên khi ly hôn, toàn bộ tài sản đều thuộc về gia đình nhà vợ. 

Chí Linh được 2,5 tuổi, còn em trai là Nguyễn Quang Linh chưa được 10 ngày tuổi phải theo chân bố rời nhà ông bà ngoại, phiêu dạt sang tận huyện Bù Đăng, (tỉnh Bình Phước) để làm thuê, làm mướn.

“Ba bố con ra đi chỉ với bàn tay trắng, làm gì có tiền mà mua sữa nuôi con. Những hôm nó khóc ngặt đi vì đói tôi phải chạy khắp nơi để xin sữa về cho thằng bé. Nhiều lần không có sữa, phải pha nước đường hoặc lấy nước cơm cho con ăn”, người cha nghèo nhớ lại quãng thời gia khó khăn nhất của cuộc đời.

Người đàn ông rời sông nước lên bờ: Tôi hiến tạng cho người cần được sống! - 5
Người cha hàng ngày vẫn lặn lội mưu sinh trên mặt nước

Sau nhiều năm lang bạt ở Bình Phước, chú dẫn hai người con về lại Nhân Cơ mong hàn gắn với vợ. Thế nhưng toàn bộ đất đai, nhà cửa bị gia đình vợ bán hết, họ cũng chuyển đi đã lâu nên không ai có tung tích gì. Thấy hoàn cảnh gia đình chú khó khăn, xã Nhân Cơ đã cấp cho ba bố con một mảnh đất nhỏ để dựng chòi ở.

“Hơn 50 năm sống trên đời nhưng lúc nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp đến với con. Tôi chỉ ân hận là không cho con có một gia đình đầy đủ bố mẹ. Thế nhưng, hai đứa con trai dù thiếu thốn tình cảm của mẹ từ nhỏ nhưng luôn biết yêu thương, bảo ban nhau, nếu không vì hai đứa trẻ tội nghiệp ấy, thì tôi đã tìm đến cái chết lâu rồi”, chú Sơn tâm sự.

Dương Phong