1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Người bán vé số trên xe lăn

(Dân trí) - Mỗi sáng, từ con đường Ngự Bình đầy rẫy những ổ voi, ổ gà của TP Huế, trên chiếc xe lăn, người đàn ông bị liệt cả hai chân ra khỏi nhà với niềm hy vọng bán được những tờ vé số kiếm sống qua ngày.

Từ chuyến đi định mệnh

Anh Nguyễn Xuân Mậu quê ở Bình An, Thuận Thành, Bắc Ninh. Cái nghèo "đồng hành" với gia đình từ lúc anh còn nhỏ. Lớn lên, những chuyến đi đầu tiên của cuộc đời anh là khi vác xẻng, mang máng đi đãi vàng ở Lũng Khấu, La Dì, Bắc Cạn. Năm đó anh vừa tròn 18 tuổi. Đời đào vàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nguy hiểm mà cũng chẳng thể giúp anh thoát khỏi cái nghèo. Anh bỏ nghề về quê lấy vợ, hai vợ chồng gắn bó với công việc đồng áng qua ngày.

Tưởng rằng cuộc đời anh sẽ yên ổn với mảnh ruộng, cây lúa và không phải bôn ba nữa. Thế nhưng, sáu năm sau khi lập gia đình, khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời, khó khăn lại nhân lên. Không đành lòng nhìn con đói cơm, khát sữa, anh trở lại bãi vàng cũ. Vào một ngày của tháng 1/1991, một tiếng động long trời lở đất vang lên ở bãi vàng Lũng Khấu trong sự khiếp đảm của hàng trăm người có mặt tại đó. Căn hầm nơi anh Mậu đang hì hục đào bới bất ngờ sập xuống. Năm người chết và hai người bị thương nặng. Anh Mậu là một trong hai người “may mắn” thoát chết.
 
Ông trời đã chừa cho anh một mạng sống nhưng lại lấy đi của anh tất cả. Anh bị chấn thương cột sống và trở thành người tật nguyền. Người đàn bà mà anh yêu thương đã làm đơn ra tòa ly hôn và ôm con bỏ anh ra đi. Cuộc đời anh tưởng sẽ không còn gì nữa. Chán nản, buồn phiền nhưng anh vẫn phải gắng gượng cất mình lên để sống tiếp cả quãng đời dài phía trước. Cuối cùng anh đã đi đến quyết định bỏ quê lên đường vào Nam tìm con đường sống. Chỉ với 10.000 đồng trong tay, anh bước vào những chuyến đi mới của mình.

Đến niềm hạnh phúc mới ở cố đô

Anh Mậu chống gậy đi tàu chui đến ga Huế thì bị phát hiện và đuổi xuống. Không một đồng xu dính túi, chân tay yếu và không nghề ngỗng gì, anh lê lết tấm thân tàn tật của mình khắp thành phố sống lay lắt qua ngày nhờ những đồng tiền bố thí của mọi người. Được hơn một năm thì anh lang thang vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn… nhưng không nơi nào làm anh gắn bó được lâu. Chán cảnh đi bụi xin ăn, anh lại quay về với Huế như là có duyên tiền định với cái thành phố nhỏ bé nhưng bình yên này.

Vẫn không nghề nghiệp, bệnh tật lại ngày một nặng thêm, anh Mậu chìm vào men rượu trong cảm giác tuyệt vọng đến khôn cùng. Những ngày mưa rét, không một mái ấm che chở, không một bàn tay người thân chăm sóc khi đau ốm, anh tưởng như đời mình không còn gì nữa. Ai ngờ cuộc sống lại mang đến cho anh một món quà muộn mằn nhưng quý giá, đó là một người phụ nữ có tấm lòng nhân ái.

Chị Huệ, một người đàn bà quá lứa lỡ thì với vẻ bề ngoài hơi khó nhìn do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha quá cố. Chị bị bệnh ngoài da phải dùng khăn che mặt từ nhỏ, không có ai để ý. Cảm thương anh Mậu không người thân thích lại bệnh tật đau ốm, chị Huệ hay mang cho anh khi thì bát cháo lúc dĩa cơm. Khi anh Mậu đau ốm, chị dìu anh đến các phòng khám từ thiện xin thuốc thang, chăm sóc cho anh. Duyên trời xui khiến đã đưa anh chị đến với nhau bằng thứ tình người ấm áp từ trong sự tương đồng hoàn cảnh khó khăn của số phận. Được sự động viên của mọi người, anh Mậu chống nạng đến nhà xin phép mẹ Huệ cho hai người được sống bên nhau. Bà cụ biết anh khó khăn nhưng cũng vui vẻ nhận lời: “Các con yêu thương nhau, rau cháo qua ngày vui vẻ bên nhau là mạ mừng rồi”.

Vài năm sau bà cụ mất, anh chị dắt nhau đến thuê trọ tại đường Ngự Bình, lấy nghề bán vé số mưu sinh. Trong căn phòng chỉ hơn 3m2, tổ ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo luôn tràn ngập tiếng cười khi một bé trai kháu khỉnh ra đời và giờ đã lên 4 tuổi. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng hai anh chị lại dìu dắt nhau đến đại lý vé số nhận mỗi người một xấp rồi chia nhau theo các ngả đường của thành phố để kiếm tiền mưu sinh. Dù cuộc sống còn bao nỗi khó khăn, hai anh chị vẫn luôn tin rằng ngày mai cuộc đời sẽ đổi khác, cuộc sống sẽ đẹp hơn. Chị Huệ chia sẻ: “Vợ chồng tui ngày kiếm được hơn 50.000 từ bán vé số, trừ chi phí ăn uống rồi còn lại để dành cho ngày cu Tý lớn đi học”.

Người bán vé số trên xe lăn - 1

Vợ chồng anh Mậu, chị Huệ và cậu con trai 4 tuổi trong căn phòng nhỏ ở đường Ngự Bình (TP Huế). (Ảnh: Văn Được)

Tối tối, trong căn phòng bé nhỏ của đôi vợ chồng nghèo vẫn đều đặn vang lên tiếng cười đùa con trẻ. Hạnh phúc đơn sơ và giản dị đến không ngờ đối với anh Mậu như một phép màu kì diệu của cuộc sống. Ngày ngày, người đàn ông tật nguyền ấy lại bắt đầu những chuyến đi trên chiếc xe lăn với hy vọng bán được thật nhiều vé số để rồi ra có tiền cho con trai được học hành đầy đủ. Hạnh phúc nở hoa trong lòng người đàn ông ấy mỗi sớm mai…

Văn Được