Nghịch cảnh người dân Yên Bái tự làm bè vượt sông bên cầu bỏ hoang
(Dân trí) - Để vào trung tâm xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), người dân cũng như giáo viên, học sinh không chỉ trèo đèo lội suối mà còn phải vượt qua những khúc sông sóng to, gió lớn bằng bè gỗ. Có đoạn có người chở, nhưng có đoạn thì tự họ chèo bè vượt sông. Đáng chú ý nơi đây có rất nhiều cây cầu đã xây xong phần móng, trụ cầu, rồi bỏ hoang phế 3, 4 năm nay.
Tôi theo chân anh Lò Văn Mạnh, Chủ tịch xã Phong Dụ Thượng để khảo sát những đoạn sông đã bay mất cầu vì đợt lũ quét hồi tháng 8 vừa qua. “Mất cầu rồi nên nhiều học sinh trong xã phải nghỉ học ở nhà, nước to quá bè cũng không kéo được. Cứ mưa to gió lớn là Phọng Dụ Thượng nhiều nơi cứ như ốc đảo”, Mạnh nói.
Lò Văn Mạnh trước đây làm trưởng công an xã, vừa mới được bổ nhiệm lên làm chủ tịch xã cách đây ít tháng. Đó là một chàng trai người dân tộc Dao rắn rỏi, da đen xạm và một đôi mắt sáng. Mạnh chở tôi trên chiếc xe Win vượt qua những cung đường trơn trượt vì bùn lầy, hoặc khúc khuỷu, gồ ghề vì sỏi đá mà nhẹ nhàng, đơn giản cứ như tôi đang lái xe dưới đồng bằng. “Đi nhiều thành quen, đến thuộc từng mô đá, vũng bùn anh ạ. Mình người lớn không sao, chỉ thương các cháu nhỏ đi học mà phải lội bùn đến lớp, quần áo dày dép bẩn hết cả, trông tội lắm”, Mạnh nói.
Chúng tôi đến thôn 3 và thôn 6 xã Phong Dụ Thượng, là những nơi đã từng có cầu bắc qua suối, nhưng đợt lũ quét vừa rồi đã cuốn bay cây cầu này. “Đây là những cây cầu do người dân trong thôn tự làm, trụ là đá hộc đổ trong bao sắt, cầu thì làm bằng ván gỗ. Nhưng vì tính chất tạm bợ này mà cứ lũ to là cầu bị cuốn bay. Tính ra mỗi năm lũ cuốn bay mất 6 lần, như cầu này vừa làm chưa được một tuần đã bị lũ cuốn trôi”, Mạnh kể.
Cô Hoàng Thị Trưởng, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Dụ Thượng cho biết, trường cô có đến 8 điểm trường trên địa bàn xã. “Cầu bị cuốn trôi nên học sinh của trường hiện đang phải nghỉ học hơn 100 em, nước sông đang chảy xiết nên phụ huynh cũng không thể dùng bè đưa con đi học được. Mọi công việc giảng dạy, học tập của cô và trò đều bị đình trệ cả”, cô Trưởng nói.
Dưới đây là chùm ảnh mà PV Dân trí ghi nhận khi trực tiếp khảo sát đường đến trường của giáo viên, học sinh ở xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Nghịch lý là đoạn sông này đã từng có dự án xây cầu bắc qua, nhưng hơn 3 năm nay dự án đã bị "treo niêu" do thiếu kinh phí. 2 trụ cầu ở 2 bờ sông đã hoàn thành, nhưng phần chính là cây cầu bao giờ được hoàn thành vẫn là một câu hỏi lớn
Không có cầu, mỗi ngày người dân vẫn phải liều mạng qua sông trên chiếc bè đã mục nát
Đây là đoạn suối Ngòi Hút ở thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, khi mà cây cầu tạm do người dân tự làm vẫn chưa bị lũ cuốn trôi
Mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh đến trường vượt qua sông nhờ cây cầu tạm này
Đợt lũ quét hồi đầu tháng 8 đã cuốn phăng cây cầu tạm
Nước suối dâng cao mà xoáy mạnh nên người dân cũng như học sinh không thể qua sông, cũng không thể đóng bè vượt sông, vì vậy học sinh phải nghỉ học ở nhà
Khi nước bớt hung dữ, giáo viên, học sinh qua sông trên chiếc bè tự đóng của người dân địa phương. Đi trên chiếc bè như thế này, chỉ một chút sơ sẩy thì tính mạng của bao nhiêu con người sẽ rơi vào tay Hà bá ?
Còn đây là cây cầu vượt suối Khe Mạ ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng
Nghịch lý ở chỗ cầu đã xong nhưng đường dẫn lên cầu vì thiếu kinh phí mà đắp chiếu hơn 3 năm nay
Người dân vẫn phải vượt suối bên cạnh cây cầu tiền tỷ bỏ hoang mà chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm vì việc này
Đây là cầu tạm do dân tự làm ở thôn 3 xã Phong Dụ Thượng
Lũ quét cũng đã cuốn trôi cầu nên người dân cũng chỉ còn cách qua sông trên chiếc bè tự đóng
Người dân phải đẩy quan tài trên bè để vượt sông khi cầu đã bị cuốn trôi trong một đám tang tại Phong Dụ Thượng
Thế Nam