1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Một khúc sông, hai đoạn đời

(Dân trí) - Nếu ai đã từng một lần xuôi ngược dòng sông Bôi, dù vào lúc sớm tinh sương hay khi màn đêm buông xuống, hẳn không còn xa lạ với hình ảnh một cụ bà tóc bạc, lưng còng sớm khuya mưu sinh trên chiếc thuyền nan vá chằng vá đụm.

Đời người cũng như dòng sông. Sông có khi đầy, khi vơi. Đời người có lúc sung sướng, lúc vất vả. Có người, khi rơi vào hoàn cảnh éo le đã phó thác cho số phận mà buông xuôi. Ngược lại, có những người, dù sức đã tàn, lực đã kiệt nhưng họ vẫn không hề than thân, trách phận và nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh. Cụ bà Trần Thị Cảnh, ở xóm Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là một trong những người giầu nghị lực như thế. 85 tuổi, cụ vẫn một mình vò võ chống chèo nuôi người con tật nguyền mà không hề oán phận, trách đời.  

Một khúc sông, hai đoạn đời   - 1
Mấy chục năm qua, con thuyền cũ nát ấy luôn là người bạn đồng hành của cụ, nhờ đó mẹ con cụ cơm cháo qua ngày

Nếu ai đã từng một lần xuôi ngược dòng sông Bôi, đoạn chảy qua xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, dù vào lúc sớm tinh sương hay khi bầy côn trùng đã ê a tấu lên những bản nhạc của màn đêm, hẳn không còn xa lạ với hình ảnh một cụ bà tóc bạc, lưng còng sớm khuya mưu sinh trên chiếc thuyền nan. Chắc rằng, ít ai khi đã biết về “gánh nặng” trên vai “tấm lưng còng” ấy, lại có thể cầm được lòng mình. Tất nhiên, cũng đã có người khi biết về cảnh đời của cụ chỉ chép miệng mà buông một tiếng thở dài: “Tội nghiệp bà cụ, gần đất xa trời đến nơi rồi mà sớm khuya vẫn phải mò mẫm nơi sông nước để kiếm từng con tôm, cái hến”.

Trong một lần ngang qua đoạn sông này, chúng tôi vô tình thấy cụ vừa gắng sức chèo thuyền, vừa giăng tấm lưới vá chằng vá đụp. Không một chút não nề, oán thán, cụ kể vắn tắt cho chúng tôi nghe về đoạn đời khốn khó của mình và khúc sông mà cụ xuôi ngược kiếm sống mấy chục năm qua: “Tôi chỉ được mỗi một mụn con gái nhưng không may bị liệt nửa người trong một lần sinh nở. Thành ra, hai miệng ăn giờ đây chỉ biết trông chờ vào khúc sông gần nhà”.

Theo chân cụ, chúng tôi về một căn nhà nằm ngay ven sông Bôi. Gọi là nhà nhưng nó tuềnh toàng và thấp bé đến nỗi khách vào nhà không ai dám đứng thẳng, bởi trên đầu là những miếng nilon hứng nước mưa dột được buộc túm tít lại với nhau. Đồ đạc không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng nhỏ. Một cái bàn, vài cái ghế và một cái giường cũ mèm, thế là hết chỗ đi lại. Đó là toàn bộ gia sản hiện có kể từ khi tai họa giáng xuống gia đình cụ.

Một khúc sông, hai đoạn đời   - 2
Hai mẹ con cụ Cảnh trong căn nhà nhỏ hẹp, tuềnh toàng

Nhìn vào khuôn mặt thẫn thờ của người con độc nhất là chị Trần Thị Hữu, 49 tuổi, đang ngồi bất động trên giường, cụ Cảnh nghẹn ngào kể: “Ông nhà tôi mất sớm, những mong con gái là chỗ dựa lúc tuổi già, sức yếu. Nào ngờ, tai họa bỗng chốc ập đến khi khát khao làm mẹ của em nó lại trở thành thế này...”.

Chuyện là, cách đây ít năm, chị Hữu mang thai, những mong kiếm mụn con nương tựa sau này. Không may, khi trở dạ chị lên cơn sản giật, đứa bé không cứu được, còn chị thì liệt luôn từ đó. Thuốc thang mãi, giờ chị cũng đã ngồi lên được nhưng không còn khả năng lao động. Trong khi đó tất cả những gì có thể hóa giá được đều đã được cụ Cảnh mang đi bán lấy tiền mua thuốc chạy chữa cho con. Chỉ còn mỗi chiếc thuyền nan không ai mua là vẫn nằm yên vị ngoài sông Bôi. Gia cảnh đã nghèo, nay lại càng thêm khốn khó.

Không có ruộng, “cần câu cơm” duy nhất của mẹ con cụ Cảnh chính là chiếc thuyền nan cũ còn sót lại. Cụ kể: “Từ hồi 60 tuổi trở về trước tôi còn đi xa thả lưới, giờ tuổi cao, sức yếu, chỉ quanh quẩn ở đoạn sông gần nhà nên chẳng kiếm được là mấy. Trời quang, mây tạnh may ra mới kiếm được 10.000 - 15.000đ, đủ tiền đong bát gạo. Bởi con tôm, cái hến giờ cũng rất hiếm hoi. Do đó, cứ mỗi khi nước sông Bôi lên cao, phải nghỉ ở nhà là mẹ con lại lo đứt bữa”. Cụ cho biết, cứ nước càng lên cao, rút càng lâu thì nguy cơ đói càng nhiều bởi gia đình hai miệng ăn nhưng chẳng mấy khi có hạt gạo dự trữ trong nhà. Cứ ăn bữa trước, lo bữa sau mà kế mưu sinh thì chỉ có chiếc thuyền nan đã cũ với tấm lưới đã vá chằng vá đụp.

Khó khăn là thế nhưng trong suốt cuộc trò chuyện chúng tôi không hề thấy cụ kêu ca, oán thán hay trách cứ cuộc đời, số phận của mình lấy nửa lời. Song, nhìn vào khuôn mặt gày gò, hốc hác với đôi mắt hõm sâu, ngấn lệ, tôi biết, sâu thẳm trong lòng, cụ đang lo lắng cho số phận người con gái thiếu may mắn khi mai mốt trên khúc sông kia vắng một bóng người!

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Cụ bà Trần Thị Cảnh, ở xóm Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) 

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội  

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam  

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896

 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Nho Trung