1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cần Thơ:

Mong chờ một cây cầu mang tên Dân trí

(Dân trí) - Thương con em quanh năm đến trường phải qua đò cách trở, dân trong vùng chung tay góp sức, gom từng miếng ván, cây gỗ tạp để bắc cầu. Nhưng chỉ qua một hai mùa mưa, ván mục gãy, cột mối xông, trẻ đi học phấp phỏng, người già phải bò cả tay chân…

Cầu ván, … gập ghềnh khó đi

 

Đến xã vùng sâu Trường Xuân B rốn lũ của huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ mới thấy hết nỗi nhọc nhằn trên con đường tìm chữ của các học sinh nơi đây. Ngày ngày đến trường, các em vượt quãng đường hơn 10 km, qua hai ba con đò ngang và hàng chục cây cầu ván “gập ghềnh khó đi”.

 

Trong số những cây cầu ván đến tuổi “xế chiều” thì cây cầu ván tại kênh số 7 là đáng lo ngại nhất. “Đầu năm 2007, thấy các em học sinh qua sông bằng đò phập phồng nguy hiểm, xã vận động bà con hai ấp Thanh Bình - xã Trường Xuân B và ấp Trung Hóa – Trường Xuân A góp gỗ bắt cầu. Dẫu là gỗ tạp mau ải mục nhưng cũng là cây cầu tạm làm vời bớt đi nỗi nhọc nhằn cho người dân và con em mấy năm qua!.

 

Mong chờ một cây cầu mang tên Dân trí - 1

Các trụ cầu số 7 được làm bằng gỗ, sau hai năm đến nay gần như mục hết!
 
Cầu rộng 1m, không lan can học sinh té sông “như ăn cơm bữa”. Đầu năm 2008, thấy cây cầu sắp gãy, xã lại vận động bà con góp gỗ bắc lại cây cầu ván khác.  Nhưng cũng chỉ được 2 năm cây cầu xiêu vẹo, mối xông, ghe, tàu qua lại va chạm đã làm một hai trụ cầu bị gãy!” Anh Việt - cán bộ giao thông thủy lợi xã cho biết.

 

Anh Nghĩa – một người dân ở ấp Trung Hóa miêu tả: “Mỗi lần có người qua cầu bằng xe máy, mặt cầu lung lay như sàng gạo”. Anh Nghĩa chỉ cho chúng tôi xem mấy cây trụ mới được anh và mấy anh trai làng vừa cấm xuống cặp bên các trụ đã mục, bị gãy, nói: “Cây cầu giỏi lắm cầm cự được hết năm nay!”.

 

Cây cầu dài gần 40m, rộng chưa đầy 1,5m được bắc bằng gỗ tạp, ván dày chỉ 2 phân, không có lan can bảo vệ, các trụ cầu là những cây gỗ bạch đàn, so đũa có đường kính lớn nhất 1,5cm mối xông đã mục gần hết. Đó là ghi nhận của PV Dân trí khi đến tận nơi quan sát.

 

Bác Lê Thành Công (71 tuổi) khó nhọc “vượt dốc” lên đến nhịp chính, bác thở hổn hển rồi nói: “Các chú thấy đó, đang trời nắng, mặt cầu không trơn trượt mà tui đi còn khó khăn như vậy thì những hôm trời mưa người già như tui cũng như những cô bụng mang dạ chửa chỉ giám bò qua cầu!?”

 

Bác Công chỉ tay về phía dốc cầu bên ấp Trung Hóa – xã Trường Xuân A nói tiếp: “Mới hôm trước, vì trời mưa, mặt cầu trơn trượt làm hại 2 đứa nhỏ qua cầu bị té. Một đứa rơi xuống sông, cũng may đứa trên bờ la lên, bà con cứu được chứ nếu không thì, …!Thấy nguy hiểm rình rập, tụi tui đi xin mấy cái lốp xe hỏng đóng vào mặt cầu để giảm trơn, hy vọng điều đáng tiếc không xảy ra.”

 

, … Mong chờ cây cầu Dân trí

 

Bên hai đầu cầu số 7 có hai trường tiểu học mới được xây dựng, trường tiểu học Trường Xuân B và trường tiều học Trường Xuân A. Từ ngày có hai ngôi trường, hàng trăm con em ở vùng sâu này không phải vượt hàng chục km đi tìm con chữ, nhưng ngày ngày vẫn phải qua cây cầu bắt tạm với bao ẩn họa đợi chờ.

 

Cô Hồ Thị Thu Trang – giáo viên trường tiều học Trường Xuân B, bày tỏ: “Có những hôm các em đến lớp quần áo ướt nhèm, chúng tôi cố hỏi thì mới biết các em té cầu dơ hết đồ nên xuống sông rữa sạch rồi đến lớp, chẳng giảm quay về nhà vì sợ trễ học! Những lúc thấy học trò đến lớp như vậy, thầy cô chúng tôi xót lắm nên ai cũng mong bạn đọc Dân trí bắt cho cây cầu để các em đi học cũng như bà con qua lại được thuận lợi hơn!”
 
Mong chờ một cây cầu mang tên Dân trí - 2

Người dân khắc phục sự cố bằng trơn trượt khi mưa tới bằng cách đóng lốp xe trên mặt cầu

 

Chúng tôi đến xem cây cầu đúng lúc các em học sinh đi học về, trong khoảng hơn 30 phút chứng kiến hàng trăm lượt học sinh qua cầu và hàng trăm hộ dân đi chợ Bảy Ngàn mua sắm vật dùng hàng ngày. Có người xuống xe dẫn bộ, có người làm liều chạy xe qua cầu trong sự thấp thỏm lo âu cho cả người ngồi trên xe và những người chứng kiến.

 

Cô Thủy – phụ huynh bé Hân – học sinh lớp 2 trường tiểu học Trường Xuân B, vừa dẫn xe lên cầu nói: “Mặc dù công việc đồng áng nhiều, nhưng bận mấy thì tui cũng đưa 2 anh em tụi nó đi học, chứ để tụi nó một mình qua cây cầu này, vợ chồng tui chẳng yên tâm chút nào!”

 

Bất chợt một cơn mưa rào đổ xuống, hàng chục phụ huynh và con em xoắn quần, cởi dép gòng gánh lên cầu. Giờ thì chúng tôi hiểu và cảm thông hết được sự “thèm khát” cây cầu bê tông của hàng ngàn hộ dân nơi đây là điều chính đáng và cấp bách.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Giữ - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B bày tỏ: “Nỗi khổ tâm và niềm mơ ước của bà con Trường Xuân B xây được cây cầu bê tông tại đầu kênh số 7 cũng là nỗi trăn trở của xã mấy năm nay. Nhưng ngặt nỗi vùng sông nước kênh gạch phải bắc quá nhiều cầu, xã nghèo như chúng tôi không dễ gì kham nỗi”.

 

Nếu bắc được cây cầu số 7 và nay mai có thêm cây cầu Vàm Xáng Ômôn, đây sẽ là điểm nối vùng trũng hai xã Trường Xuân A, Trường  Xuân B với trung tâm văn hóa của huyện. Và không lâu nữa cây cầu này sẽ là cầu nối dẫn các em đến phân hiệu trường THPT đầu tiên trong vùng, sau hàng mấy chục năm chờ đợi. Đó sẽ cây cầu mở mang dân trí như người bí thư Đảng ủy đầy tâm huyết mong ước. Nhưng đây chỉ là điều ước đẹp vì đến giờ này vẫn là điều mơ ước.

 

Ngô Nguyễn – Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm