Mã số 503:
Mẹ bệnh nặng, đường đến giảng đường của các con trở nên chông gai
(Dân trí) – Bố mất sớm vì căn bệnh hiểm nghèo, mẹ lại lâm bệnh nặng đã khiến cho cuộc sống của 3 sinh viên mồ côi cha quê ở xóm Hà Thâu, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình càng trở nên lao đao, túng quẩn và đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học.
Chúng tôi đến thăm gia cảnh khốn khó của 3 sinh viên mồ côi cha, nuôi mẹ bạo bệnh ở xóm Hà Thầu nằm bên bờ sông Gianh vào một ngày đầu xuân. Vượt qua dòng sông Gianh trên chiếc xuồng gỗ chòng chành, tôi hỏi người lái đò đường tìm về nhà 3 anh em Lê Đức Anh ở thôn Hà Thâu, đang nuôi mẹ bạo bệnh. Người lái đò dáng người thấp nhỏ, khuôn mặt khắc khổ niềm nở chỉ đường: “Chú là cán bộ dưới tỉnh lên thăm gia đình cháu Anh ạ?”. Tôi chưa kịp trả lời, ông lão liền nói tiếp: “Tôi lái đò ở đây đã mấy chục năm nhưng chưa thấy đứa học trò nào gia đình khó khăn mà chịu khó, chịu khổ, chăm chỉ học hành như mấy đứa con nhà chị Tình ở thôn Hà Thâu...”.
Câu chuyện giữa chúng tôi tạm ngắt quãng khi chiếc xuồng vừa cập bến. Bước chân xuống chiếc xuồng, tôi vội ngoái đầu chào người lái đò. Nghiêng mình cầm tay quay máy nổ, mắt chăm chăm nhìn vào tôi, ông nói với theo: “Mấy mẹ con cháu Anh hoàn cảnh cơ cực lắm. Bố mất sớm, giờ 3 anh em đang là sinh viên nhưng đã phải bươn chải đủ cách để nuôi mẹ bệnh tật”.
Xóm nhỏ Hà Thâu hôm chúng tôi đến vẫn còn đó chút gì gọi là không khí của ngày tết cổ truyền, nhưng khi đặt chân vào căn nhà cấp bốn cửa khép im lìm của 3 anh em Lê Đức Anh nằm nép mình bên vườn chuối xác xơ, trước mắt chúng tôi là một không gian u buồn đến ảm đạm.
Em Mỹ đang đút từng muỗng cháo cho mẹ
Trên chiếc giường bệnh, nhìn em Lê Thị Mỹ, SV năm 1, ngành Sư phạm Sinh, trường ĐHSP Huế tay đút từng muỗng cháo, tay xoa bóp từng khớp chân, khớp tay cho mẹ thật đáng thương. Trên giường bệnh, chị Trần Thị Tình (mẹ em Mỹ) nghẹn ngào kể về cuộc đời nhiều cơ cực của gia đình mình. Năm 1984, chị kết duyên với anh Lê Văn Dương (SN 1957) và có với nhau 5 đứa con. Lớn lên các con anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Nhìn các con có ý chí vượt khó trong học tập, vợ chồng anh Dương nhủ long mình tự hứa với nhau “đồng cam cộng khổ” quyết nuôi con cái ăn học nên người.
Nghiệt ngã thay, đầu năm 2000, cơn tai hoạ bỗng ập đến với gia đình khi anh Dương mắc phải căn bệnh ung thư gan. Sau một năm chống chọi với bệnh tật, anh Dương qua đời để lại nỗi đau khôn nguôi cho người vợ trẻ và 5 đứa con côi thơ dại. “Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, anh ấy chỉ dặn: Dù khó đến mấy cũng gắng bươn chải nuôi con ăn học nghe em…”, chị Tình tủi phận khi nhớ lại lời hấp hối của chồng mình trước khi về với miền đất lạnh.
Nhớ ước nguyện của chồng, chị Tình ngày ngày vào rừng chặt củi mang ra chợ bán kiếm cân gạo xấu ăn qua ngày và tiết kiệm từng đồng để nuôi các con ăn học. Thế rồi, sau bao năm vất vả nuôi con ăn học, năm 2007, chị Tình mừng vui không tả xiết khi người con gai thứ hai là Lê Thị Thương đậu vào Trường ĐHSP Quảng Bình và cậu con trai thứ ba Lê Đức Anh đậu vào Trường Học viện An ninh. “Ngày hai cháu nó nhập học, bòn mót hết trong nhà, bán bớt con gà con lợn cũng chưa đầy hai triệu bạc đưa cho con. Tôi cứ động viên hai đứa “liều” vào nhập học rồi mẹ ở nhà xoay sở rồi gửi vào sau”, chị Tình kể lại ngày tiễn hai con vào giảng đường đại học nhập học.
Năm 2011, thêm một lần nữa chị Tình hạnh phúc vỡ oà khi nghe tin người con thứ tư và đứa con út báo tin trúng tuyển vào Trường ĐHSP Huế và CĐ Bách Khoa Đã Nẵng. Nhưng đằng sau niềm vui 4 đứa con lần lượt vào giảng đường đại học là nỗi lo trĩu nặng ghì lên đôi vai yếu gầy người mẹ bất hạnh.
Những tháng ngày một mình lam lũ nuôi nấng 5 đứa con từ cái ăn qua ngày đến chuyện học hành đã khiến sức lực chị Tình dường như kiệt quệ. Đầu năm 2011, căn bệnh suy tim hành hạ thân xác chị đến yếu gầy, không thể gượng dậy nỗi để nuôi các con. Biết bệnh tình mẹ rất nặng nhưng vì nhà không có tiền nên 3 anh em Đức Anh cũng chỉ biết gắng vay mượn anh em họ hàng, bà con xóm làng ít tiền xuống bệnh viện tuyến huyện khám và lấy ít viên thuốc giảm đau cho mẹ.
Không có tiền đưa mẹ đi bệnh viện điều trị, mấy anh em Mỹ đành thay nhau nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ
Bà ngoại Nguyễn Thị Nhạc (80 tuổi) nhìn con gái đau đớn trên giường bệnh mà lòng cứ nấc nghẹn khóc than: “Sao số kiếp con tui nó khổ như thế này không biết. Chồng mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Giờ nó lại mắc căn bệnh suy tim quái ác. Tui giờ cũng đã tuổi già sức yếu nên không làm được gì để giúp mẹ con chúng nó nữa. Nếu con Tình có mệnh hệ chi, chắc các cháu tui cũng lần lượt phải bỏ học mất thôi. Số tiền vay ngần hàng gần 30 triệu để chữa bệnh và tiền vay sinh viên cho mấy cháu ăn học biết khi nào mới trả được…”.
Hiện tại, 2 người con gái đầu của chị Tình đã có gia đình và đang làm công nhân ở Sài Sòn nhưng cuộc sống gia đình cũng đang rất khó khăn. Còn em Lê Đức Anh đang thực tập ở Phòng xuất nhập cảnh TP Đồng Hới (Quảng Bình), em Lê Thị Mỹ và em Lê Tư Pháp đang học ở Huế và Đà Nẵng. “Hai chị gái thì ở xa, em lại bận thực tập còn hai em Mỹ và Pháp đợt này cũng đang thi học kỳ nên 3 anh em cứ thay nhau đứa xin nghỉ một tuần để về nhà chăm sóc mẹ. Khổ mấy em cũng chịu được, chỉ mong sao mẹ sớm khoẻ lại để chúng em không phải bỏ học giữa chừng. Bố mất sớm, mẹ do sớm hôm tần tảo nuôi chúng em ăn học nên giờ mới lâm bệnh nặng như thế này. Nếu mẹ mà có mệnh hệ gì chắc chúng em không sống nỗi…”, Đức Anh cố che dấu những giọt nước mắt trước mặt người mẹ tội nghiệp.
Tháng bảy này, Đức Anh ra trường, khi tôi hỏi về ước mơ và dự định những tháng ngày sắp tới, em nhỏ nhẹ: “Em chỉ mong sớm ra trường, có việc làm ở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ, nuôi 2 em học xong đại học. Nếu không xin được gần nhà thì chắc em tạm ở nhà nuôi mẹ một thời gian, chờ khi nào sức khoẻ của mẹ khá hơn rồi sẻ tính tiếp. Nhìn cảnh mẹ nằm vật vờ trên giường bệnh như thế này em đi làm xa đâu nỗi hả anh…”. Nghe xong tâm sự của người con hiếu thảo Lê Đức Anh, tôi thật sự không cầm nỗi nước mắt.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Chị Trần Thị Tình: Thôn Hà Thâu, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. (Số ĐT liên lạc: Em Lê Đức Anh: 01674.714.540 hoặc em Lê Thị Mỹ: 01692.774.321). 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |