Kỳ 3: Lương 1,4 triệu đồng/tháng, “quan xã” vẫn xây được nhà to nhất làng

(Dân trí) - Chỉ với mức lương 1,4 triệu đồng / tháng, nhưng "quan xã" Mai Hiển Dũng vẫn xây được căn nhà 2 tầng bề thế, khang trang, to nhất ở làng An Thư. Trong khi những người tàn tật bị ông Dũng chiếm đoạt tiền trợ cấp đang sống trong căn nhà tồi tàn, rách nát.

Về vụ việc “Quan xã ăn chặn cả "gói mì tôm" của người tàn tật”, theo tìm hiểu của PV Dân trí, bước đầu đã xác định được danh sách cụ thể các nạn nhân là những người tàn tật bị "quan xã" Mai Hiển Dũng, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Trịnh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam ăn chặn tiền trợ cấp từ nhiều năm nay. Ngoài anh Ngô Trung Sổng còn có các trường hợp là anh Ngô Quang Doan, Ngô Phú Tươi, Ngô Đức Kệ và Ngô Doãn Xoa.

Thăm căn nhà sập xệ của anh Ngô Trung Sổng mà chỉ cần một cơn gió mạnh cũng có thể sập bất cứ lúc nào, rồi thăm căn nhà ngói tồi tàn của cụ Ngô Đức Kệ, chúng tôi càng thấy chạnh lòng khi chứng kiến căn nhà 2 tầng khang trang đang giai đoạn hoàn thiện của "quan xã" Mai Hiển Dũng. Chính anh Ngô Trung Sổng cũng phải thốt lên: “Ở cái làng An Thư thì nhà của ông Dũng là to nhất rồi”.
 
Kỳ 3: Lương 1,4 triệu đồng/tháng, “quan xã” vẫn xây được nhà to nhất làng

Căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế, to nhất làng An Thư của "quan xã" Mai Hiển Dũng đang giai đoạn hoàn thiện
Kỳ 3: Lương 1,4 triệu đồng/tháng, “quan xã” vẫn xây được nhà to nhất làng

Đối lập với nhà ông Dũng là nhà của cụ Ngô Đức Kệ, một người được Nhà nước trợ cấp 360.000 đồng/tháng nhưng thực tế chỉ nhận được 180.000 đồng/tháng. Căn nhà "liêu xiêu ngói đổ" là nơi chui ra chui vào của cụ từ mấy chục năm nay
Anh Ngô Trung Sổng với căn nhà chỉ cần gió mạnh là đổ bất cứ lúc nào

Anh Ngô Trung Sổng với căn nhà chỉ cần gió mạnh là đổ bất cứ lúc nào

Theo quan sát của PV Dân trí, nhà ông Dũng được lợp ngói khang trang, tầng 2 đã sơn xong tường và đang hoàn thiện nốt tầng 1 cũng như các hạng mục cổng, tường rào. Điều đáng bất ngờ hơn nữa, theo Phó Chủ tịch xã Trịnh Xá Nguyễn Phú Độ, lương của ông Dũng hiện nay chỉ có 1,4 triệu tháng, với hệ số lương 1,18 nhân với mức lương cơ bản cộng với 25% phụ cấp chức vụ.

“Ông Dũng làm ở xã cũng 20 năm nay rồi, nhưng ông không có bằng cấp gì cả, lương chỉ được 1,4 triệu đồng / tháng thôi”, ông Độ cho biết.

Chúng tôi cứ tự hỏi, với mức lương 1,4 triệu đồng / tháng thì kể cả làm 20 năm không ăn không tiêu thì ông Dũng lấy đâu ra tiền tỷ để xây nhà hoành tráng ? Liệu căn nhà bề thế của ông có được có phải từ những đồng ăn bẩn nhặt nhạnh trên chính cả những người tàn tật ở xã Trịnh Xá này ? Và kể cả căn nhà mà ông đang xây là tiền tích cóp, có sự hỗ trợ của gia đình, người thân, thì tại sao ông còn đang tâm “chiếm đoạt” của những con người cùng khổ ?
 
Anh Ngô Trung Sổng với căn nhà chỉ cần gió mạnh là đổ bất cứ lúc nào

Anh Ngô Doãn Xoa ngậm ngùi khi biết sự thật "chờ 3, 4 tháng nữa tiền trợ cấp mới sẽ về" thực tế đã bị quan xã Mai Hiển Dũng ăn chặn từ nhiều năm nay

Chúng tôi tìm gặp gia đình anh Ngô Doãn Xoa, sinh năm 1960. Anh Xoa từ nhỏ bị mất nửa bàn chân phải vì tai nạn, cuộc sống của anh gặp vô vàn khó khăn, vất vả. So với trường hợp của anh Sổng, anh Xoa may mắn hơn vì còn đi lại được, lại có người phụ nữ đồng cảm rồi nên duyên vợ chồng.

Bản thân vợ anh mắc bệnh tim rồi thận, 2 vợ chồng nghèo dựa vào 4 sào ruộng, tằn tiện lắm để nuôi 4 đứa con khôn lớn. “Tôi cũng may mắn được sự quan tâm của nhà nước hỗ trợ, dù không nhiều nhưng cũng là sự động viên, vơi đi phần nào gánh nặng. Một năm trước đây, tôi cũng đã nghe qua đài báo là chế độ hỗ trợ người khuyết tật như tôi được tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 270.000 đồng/tháng. Hồi đó tôi chờ mãi không thấy, lên gặp ông Dũng thì ông bảo phải chờ đến 3, 4 tháng nữa mới có. Cách đây mấy tháng tôi có hỏi thì ông vẫn bảo y như thế”, anh Xoa kể.

Cũng như trường hợp của anh Xoa, anh Ngô Quang Doan (SN 1979), bị mắc bệnh tim bẩm sinh, gia đình bố mẹ già cả, bản thân anh không làm được việc gì lại đi viện suốt năm, cuộc sống cũng chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Mỗi lần đi viện anh lại “ngốn” bạc triệu của gia đình. Hay như anh Ngô Phú Tươi (SN 1957) bị tai biến mạch máu não cách đây hơn 10 năm.

Khi biết tin mình bi ăn chặn tiền chính sách những trường hợp nêu trên vô cùng bức xúc nhưng cũng chẳng dám kêu ai, cũng chẳng ai thấu cho hoàn cảnh của gia đình mình. “Chúng tôi là dân, cán bộ cho thì biết nhận. Chế độ chính sách chỉ có cán bộ nắm được, chúng tôi nào có biết gì”, ông Ngô Quang Loan, bố của anh Doan nói.
 

Riêng trường hợp của cụ Ngô Đức Kệ (SN 1937), được hưởng chế độ tàn tật là 360.000đồng/1 tháng, nhưng hơn 1 năm nay ông cũng chỉ lĩnh được 180.000 đồng/tháng. Cụ Kệ cũng cho biết, không biết gì về việc được hưởng chế độ bao nhiêu, cứ mang sổ đến xã rồi cán bộ đưa bao nhiêu thì cầm về.

Phó Chủ tịch xã Trịnh Xá “mong được thông cảm”

Cần nói thêm rằng, sai phạm của ông Mai Hiển Dũng đã rõ mười mươi, nhưng trước sự việc “tày đình” này, ông Nguyễn Phú Độ, với chức danh là Phó chủ tịch xã kiêm Trưởng ban Lao động – Thương binh và Xã hội lại phân trần với PV Dân trí: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ được có 3 tháng, nên không biết cấp dưới lại làm ra thế này. Chúng tôi đã mời các trường hợp bị ăn chặn tiền chính sách lên để xin bồi hoàn cũng như cấp lại sổ mới”.

 

Sổ lĩnh tiền trợ cấp cũ và mới được xã Trịnh Xá đổi lại cho người khuyết tậ

Sổ lĩnh tiền trợ cấp cũ và mới được xã Trịnh Xá đổi lại cho người khuyết tậ

Theo đó, ngày 30/1, UBND xã Trịnh Xá đã có giấy mời đến 5 trường hợp bị ăn chặn tiền chính sách đến UBND xã làm việc, tại đây  lãnh đạo UBND xã Trịnh Xá đã cấp lại một cuốn sổ mới và mức trợ cấp khác cho 5 trường hợp bị chặn tiền trợ cấp này, đồng thời đền bù lại số tiền “hao hụt” trong thời gian trước.

Cụ Ngô Đức Kệ cho biết: “Vào ngày 30/1, UBND xã đã mời tôi đến làm việc, tại đây anh Độ (Phó chủ tịch UBND xã) có nói với tôi là “mong cụ thông cảm”, chúng con sẽ xử lý vụ việc, còn anh Dũng thì xin lỗi tôi, đồng thời đưa cho tôi 2.700.000đ nói đây là tiền bồi hoàn, trong cuốn sổ mới cũng ghi chú số tiền này”.
 
Phần ghi chú số tiền bồi hoàn 2.700.000đ trong sổ mới của cụ Kệ

Phần ghi chú số tiền bồi hoàn 2.700.000đ trong sổ mới của cụ Kệ

Riêng 4 trường hợp như gia đình anh Sổng, anh Xoa, anh Doan hay anh Tươi mới nhận được sổ trợ cấp mới, nhưng họ không nhận tiền bồi hoàn vì họ mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề cán bộ chính sách ăn chặn tiền chính sách.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Gia An, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Xá cho biết: "Sau khi phát hiện sự việc trên, chính quyền địa phương đã tổ chức họp nhanh chủ yếu là lãnh đạo địa phương. Sau cuộc họp nhanh, chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND thành phố Phủ Lý chờ phương án chỉ đạo. Hiện nay Công an kinh tế tỉnh Hà Nam cũng đã về làm việc tiến hành xác minh vụ việc này".

PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong thời gian tới
 
 

Đức Văn - Thế Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm