Hỗ trợ khẩn cấp tới 3 gia đình bị mất nhà, mất người ở Lào Cai
(Dân trí) - Báo Dân trí đã thay mặt bạn đọc và các nhà hảo tâm đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ khẩn cấp những gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất nhà do sạt lở đất sau cơn bão số 3 tại Lào Cai.
Đoàn thiện nguyện báo Dân trí được ông Bùi Trịnh Hải, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến dẫn đến nhà chị Hoàng Thị Trong (35 tuổi, thôn Già Thượng). Chồng chị Trong là anh Lộc Văn L. - 1 trong 3 nạn nhân bị thiệt mạng do nhà sập vào đêm 10/9.
Ngồi bên cạnh ban thờ còn chưa kịp làm di ảnh, chị Trong không kìm được nước mắt: "Tôi không thể ngờ ảnh hưởng của cơn bão lại khủng khiếp như vậy. Anh ấy bỏ lại tôi cùng 2 đứa con thơ và mẹ già".
Anh L. được bà Vũ Thị Bình (72 tuổi) nhận làm con nuôi từ nhỏ. Vợ chồng chị Trong có 2 con đang học cấp 2. Vì chị Trong đi làm công nhân ở Thái Nguyên nên anh L. làm việc việc tại địa phương để tiện chăm lo cho bà Bình và các con.
Ngày 9/9, qua điện thoại chị Trong biết tin ở nhà, nước đang dâng lên cao vì mưa lũ. Hai vợ chồng trò chuyện với nhau được ít phút thì anh L. gác máy để đi dọn dẹp, di chuyển đồ đạc lên cao. Chị Trong không ngờ, đó là cuộc điện thoại cuối cùng của hai vợ chồng.
Nhà của chị Trong ở khu vực trũng thấp nên buổi tối, anh L. đưa mẹ già và 2 con lên nhà chị Lộc Thị Liễu (con gái của bà Bình) ngủ nhờ.
Chiều 10/9, chị Trong nhận được tin sốc, rạng sáng đất đá ở quả đồi phía sau nhà chị Liễu sạt xuống bất ngờ. Bà Bình được các cháu gọi dậy và lao thật nhanh ra khỏi nhà nên thoát nạn.
Tuy nhiên, anh L., anh Lương Văn T. (con trai chị Liễu) cùng một người cháu không kịp chạy nên đã thiệt mạng. Đất cát và toàn bộ ngôi nhà sụp xuống khiến thi thể của ba nạn nhân vùi sâu. Những ngày sau đó, lực lượng chức năng địa phương đã phải huy động máy múc tìm kiếm các nạn nhân và bàn giao lại cho gia đình lo hậu sự.
Từ Thái Nguyên, chị Trong tức tốc bắt xe về quê. Tuy nhiên, vì giao thông ảnh hưởng do mưa lũ, chị mất gần một ngày di chuyển.
Khi còn cách nhà 10km, xe máy, ô tô không thể qua điểm sạt lở, người phụ nữ phải lội bùn đi bộ về nhà. Dù đã cố gắng đi thật nhanh, nhưng chị vẫn không kịp nhìn mặt chồng bởi trước khi chị về đến nhà một tiếng, chồng đã được đưa đi chôn cất. Người vợ trẻ xót xa không thể nhìn mặt chồng lần cuối.
"Trước đây anh ấy còn thì tôi mới dám đi làm xa, tằn tiện gửi về cùng chồng lo kinh tế gia đình. Tới đây, tôi đành nghỉ việc về ở nhà vì còn các con và mẹ. Mẹ tôi đã già yếu, mắc nhiều bệnh nền", chị Trong nói.
Đứng trước ngôi nhà giờ chỉ còn là một đống đất đá, chị Lộc Thị Liễu không kìm được nước mắt. Chị chia sẻ, đến khi dẫn đoàn báo Dân trí đi cùng, chị mới dám lại gần khu vực đổ nát.
Cũng như chị Trong, chị Liễu đang đi làm xa nhà thì nghe tin dữ. Vụ sạt lở giữa đêm đã khiến ngôi nhà vừa mới trả hết nợ xây dựng của chị bị vùi lấp, vườn 6.000 cây quế cùng ao cá bị thiệt hại. Đau đớn hơn, con trai của chị cũng đã ra đi mãi mãi.
Trở về nhà khi đường vào xã đã được tạm thời khắc phục, chị Liễu như ngã quỵ khi mất con, mất nhà, trong tay như chẳng còn gì.
Chị Liễu đã ly hôn chồng cách đây nhiều năm. Ngoài người con không may bị thiệt mạng, chị còn một con trai và một con gái. Con gái 29 tuổi nhưng sức khỏe yếu tháng nào cũng phải đi viện, con trai út đang tuổi ăn tuổi học. Chị Liễu đi làm xa nhà để con trai lớn trông coi nhà cửa, vườn tược, hàng tháng gửi tiền về trả nợ xây nhà.
Đứng trước bãi đất nơi chiếc xe máy của con trai đã thiệt mạng vẫn vứt chỏng chơ, người mẹ bật khóc: "Giờ tôi không biết phải bắt đầu từ đâu".
Trời gần trưa, ông Bùi Trịnh Hải, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đi đôi ủng lội bùn tiếp tục đưa phóng viên báo Dân trí vượt suối vào với thôn Gia Hạ. Ở đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Họp (SN 1969) và ông Hoàng Văn Thắm (SN 1973) là hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lũ gây sạt lở đã làm sập toàn bộ và vùi lấp một phần ngôi nhà của hai vợ chồng này.
"Thiệt hại của hộ gia đình bà Họp, ông Thắm là đặc biệt nghiêm trọng. Bây giờ ở đây thì không thể ở được nữa. Chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Huyện để bố trí mặt bằng giúp gia đình ra nơi khác an toàn hơn", ông Bùi Trịnh Hải, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến chia sẻ.
Bà Họp cho biết, thời điểm mưa lũ về bà đang đi bóc quế thuê ở xa nhà, ruột gan như lửa đốt nhưng bà không thể về nhà, không tài nào liên lạc được với chồng và gia đình.
"Lúc đó người trong thôn gọi bảo là, 'nhà mày sập rồi'. Tôi đinh ninh là chồng đã không còn nữa vì bình thường sức khỏe ông ấy đã yếu, chân tàn tật, sao mà chạy kịp", bà Họp không ngừng khóc khi nhớ lại.
Theo chia sẻ của bà Họp, ông Thắm chồng bà bị khuyết tật và mồ côi từ bé. Nếp nhà này đã có từ khi bà Họp sinh ra (năm 1969), được bố mẹ nhượng lại cho. Hai vợ chồng sau đó gom góp, sửa sang kiên cố hơn. Và đấy cũng là tất cả những gì mà hai vợ chồng khốn khổ này có. Bà Họp nói, ông Thắm không chỉ khuyết tật mà còn bị sơ gan cổ trướng tưởng chết từ năm kia rồi. Bây giờ sức khỏe yếu nên không làm được việc gì.
Trước mắt chúng tôi, căn nhà mái cọ của vợ chồng ông Thắm, bà Họp đã sập hoàn toàn, chỉ còn lại trơ trọi mỗi cái nhà vệ sinh. Hiện tại, hai vợ chồng này đang sống nhờ nhà bố mẹ vợ đã hơn 90 tuổi, ở cách đó hai chục mét.
"Khổ lắm, chỗ này chắc không ở được nữa anh chị ơi! Bây giờ tiền đâu mà đi mua đất, rồi tiền đâu làm nhà. Hai vợ chồng chỉ mong có căn nhà be bé ở chỗ nào không bị lở đất thôi", ông Thắm vừa nói vừa khóc.
Kịp thời chia sẻ với 3 gia đình, báo Dân trí đã thay mặt các nhà hảo tâm và bạn đọc hỗ trợ mỗi hoàn cảnh 5 triệu đồng để khắc phục sau trận lũ quét lịch sử.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết, đến 16h ngày 16/9, con đường vào xã mới được tạm khắc phục để thông xe.
Trước đó, sau những ngày mưa lũ kéo dài, 100% thôn bản bị chia cắt, hàng trăm căn nhà bị ảnh hưởng, 10 căn nhà bị vùi lấp, hư hại hoàn toàn; 100% diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến 3 người trong xã thiệt mạng do bị sạt lở đất.
Trong những ngày qua, người dân trong xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Con đường độc đạo dẫn vào xã bị sạt lở nghiêm trọng, nước dâng lên cao. Cuộc sống của người dân rất khó khăn. Để có sóng điện thoại liên lạc ứng cứu với bên ngoài, bản thân các cán bộ xã Việt Tiến phải đi bộ hàng km ra các khu vực xã lân cận để nhờ sạc pin điện thoại.
Cùng nhân dân địa phương trân trọng đón nhận quà cứu trợ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến xúc động cảm ơn sự hỗ trợ, thăm hỏi động viên của bạn đọc báo Dân trí, đặc biệt là những hộ dân mất nhà, mất người thân do bão lũ.
Trong 2 ngày 16 và 17/9, báo Dân trí đã thay mặt bạn đọc và các nhà hảo tâm trao tới 227 hộ dân của hai thôn Già Thượng và Tân Bèn, xã Việt Tiến 3,2 tấn gạo, 2 máy phát điện, 500 đơn vị thuốc, 220 đèn năng lượng mặt trời, 220 chai dầu ăn, 220 gói gia vị, 190 đèn pin tích điện, 15 thùng vật tư y tế; trao tặng UBDN xã 1 máy phát điện.