1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

"Hai ngọn đèn leo lét giữa chợ Lịm"

(Dân trí) - Ở chợ Lịm (Phú Xuyên, Hà Nội), cảnh bà cụ 70 tuổi ngày ngày đi rửa bát thuê nuôi người chị gái 83 tuổi khiến ai thấy cũng chạnh lòng xót thương! Hai thân già cô độc leo lét như ngọn đèn trước bão nhiều năm nay chỉ biết bấu víu vào nhau.

Theo chân anh Đỗ Quốc Bình (Bí thư chi đoàn tiểu khu), chúng tôi vào căn nhà cấp 4 nằm dúm dó phía cuối chợ, nơi hai cụ sinh sống. Cụ Phạm Thị Sớm 83 tuổi còn người em Phạm Thị Thìn năm nay cũng gần 70 tuổi.

 

Hơn nửa đời sống chui
 
Cụ Sớm là con thứ hai trong gia đình có 7 anh chị em còn cụ Thìn là con thứ 6. Cha mẹ, anh em mất sớm chỉ còn lại hai chị em. Câu chuyện vừa bắt đầu, cụ đưa tay lau từng giọt nước mắt rỉ ra giữa khóe mắt già nua, giọng cụ nghẹn lại: “Hồi đấy khổ lắm, về quê không còn nhà phải ở bãi trâu đằm”. Từ đó gia đình cụ bắt đầu sống chui trên mảnh đất giờ đây là nền chợ Lịm. Sau ngày cha mẹ mất, anh em mỗi người một ngả dần dần cũng qua đời. Cụ Sớm một mình ở lại gian nhà tranh tạm bợ cho tới năm 2000. Cụ Sớm không có chồng, không con chỉ có vài đứa cháu, cụ sống trong sự cô đơn, lạnh lẽo. Chỉ có con chó tên Đen ngày ngày bầu bạn đã hơn chục năm nay.
 

"Hai ngọn đèn leo lét giữa chợ Lịm" - 1

Hai chị em cụ Sớm trong căn nhà chật hẹp của mình

Ngày về quê cũ, gia đình cụ chỉ còn 7 sào ruộng đất nông nghiệp. Năm 2000 đường cao tốc quốc lộ 1A đi qua, toàn bộ ruộng nhà cụ bị thu hồi. Cũng năm ấy, thị trấn xây chợ Lịm, mái nhà tranh cụ đã gắn bó bao nhiêu năm lại nằm trong diện giải toả. Cụ phải chuyển vào khu nhà kho cũ ở tạm. Đất ruộng được đền bù 6 triệu, cụ Sớm lấy 4 triệu để dựng lên căn nhà cấp 4 với diện tích 12m2, số tiền còn lại cụ chia cho mấy đứa cháu. Căn nhà nhỏ của cụ đến giờ vẫn chưa có sổ đỏ, hơn nửa đời cụ phải sống chui. Giờ đây nếu chính quyền thị trấn lấy đất, cụ lại rơi vào cảnh trắng tay.

 

Cửa nhà làm bằng hai tấm cót ép, phía dưới có vá túi ni lông được đóng tạm bợ, căn nhà trơ trọi không một thứ đáng tiền. Nhà cụ không bàn không ghế chỉ vẻn vẹn đôi giường cũ người ta cho, bà đặt ở hai góc nhà như tình chị em khăng khít bao năm. Phía góc nhà, một chiếc tủ sắt đã hoen rỉ là nơi đựng vài bộ quần áo đã cũ.

 

Tình chị em gắn bó
 

Trưa muộn, bà Thìn thất thểu bước về từ phía khu chợ. Hôm nay ít người lấy nước thuê, cụ không có tiền mua thức ăn. Bất giác, tôi lại nhớ lại câu nói của cụ Sớm lúc trước: “Bà Thìn có tiền rửa bát thuê thì để bà ấy mua cái ăn cái uống. Nếu không chỉ có xu hào ăn thôi”. Mâm cơm dọn ra chỉ có cơm trắng với bát tô xu hào nấu nhạt. Mỗi người chỉ một xểu cơm trộn với rau cũng xong bữa.

"Hai ngọn đèn leo lét giữa chợ Lịm" - 2

Cụ Sớm chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc

Bà Thìn trước là thanh niên xung phong, sau ngày trở về bà lấy chồng trên Cao Bằng. 10 năm chung sống bà vẫn không có con nên gia đình nhà chồng ruồng bỏ. Năm 1986 bà ôm tủi nhục về quê cũ.
 
Năm 2000 bà quyết định chuyển sang nhà cụ Sớm, từ đó hai chị em nương tựa vào nhau. Thấm thoát đã được gần chục năm hai chị em bấu víu nhau sống hết quãng đời ngắn ngủi còn lại. Hàng tháng hai con người bất hạnh này chỉ trông vào 120 nghìn/người tiền trợ cấp người nghèo của thị trấn. Đồng tiền ít ỏi không đủ trang trải cho những nhu cầu tối thiểu nhất. Hễ nghe trong làng có việc bà Thìn không nề hà đến xin nhận ngay để làm. “Ai có việc gì cần làm là tôi làm hết”, giọng bà Thìn khẩn khoản.
 
Thương hoàn cảnh hai cụ khó khăn, chị Thắng bán bún ở chợ thuê bà Thìn rửa bát với tiền công 15 nghìn/sáng. Những lúc rảnh rỗi bà Thìn xách nước bán cho hàng quán cũng được 2 nghìn/thùng. Số tiền kiếm được ít ỏi không đủ tiền thuốc mỗi lúc hai cụ ốm đau. Bà Thìn bộc bạch: “Tôi giờ cũng không dám ốm. Ốm ra đấy thì lấy ai nuôi…”. Trong lời nói của bà như chứa đựng một cái gì đó đau đau, khiến người nghe day dứt.

 

Khi trái gió trở trời bệnh khớp của cả hai cụ lại tái phát. Lưng bà Sớm còng rạp xuống, chân bà chùn vì tuổi tác. Dáng người gầy guộc chỉ còn xương bọc da. Bà không thể tự đứng thẳng chỉ biết lê đi trong tư thế ngồi. Đoạn đường xa nhất cụ cũng chỉ đi được từ cửa nhà ra khu vệ sinh công cộng của chợ nằm đối diện.

 

Nhiều lần bà Thìn đệ đơn lên xin công nhận là thanh niên xung phong, nhưng vì thủ tục rườm rà nên bà vẫn chưa được hưởng tiền chính sách. Mong muốn lớn nhất của bà là được xét chế độ người có công với cách mạng để bà có đồng vốn chạy chợ bán rau nuôi chị.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực thị trấn Phú Xuyên cho biết: “Trường hợp của cụ Thìn lãnh đạo địa phương sẽ cố gắng giải quyết chế độ cho cụ trong đợt tới và hi vọng các nhà hảo tâm sẽ quan tâm giúp đỡ để cuộc sống của hai cụ bớt khó khăn”.
 
Giữa trung tâm thị trấn sầm uất nằm bên quốc lộ 1A, lại có những mảnh đời éo le đến thế. Cuộc sống của hai bà rồi sẽ ra sao khi gánh nặng tuổi tác ngày càng đè nặng.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
 

1. Cụ Phạm Thị Thìn: Chợ Lịm, Tiểu khu Mỹ Lâm, Thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội

 
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam


3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng:
25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896

VP Cần Thơ:
53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Phạm Thịnh