1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 627:

Hai mẹ nghèo nuôi 2 con gái bị mất trí

(Dân trí) - Hai người mẹ đều đã lớn tuổi, bệnh tật nhưng vẫn đi bán vé số, làm cỏ thuê nuôi con gái mắc bệnh nan y. Họ đang lo sợ một ngày lỡ họ nằm xuống thì không người chăm sóc cho đứa con gái bệnh tật, tội nghiệp.

Đi bán vé số nuôi con gái và 2 đứa cháu ngoại

Người mẹ thứ nhất là cụ Lê Thị Nhung (70 tuổi) ngụ KDC vượt lũ, Khóm 5, phường 8, TP. Vĩnh Long. Hiện tại cụ Nhung đang chăm sóc cho đứa con gái Nguyễn Thị Là (36 tuổi) bị mất trí và mất khả năng đi đứng, tiểu tiện, đại tiện đều không biết suốt 7 năm nay. Khó khăn hơn khi bà còn nuôi luôn hai đứa cháu ngoại (con của chị Là - PV), một đứa học lớp 7, một đứa học lớp 8.

Ngồi bên cạnh chị Là, cụ Nhung bùi ngùi kể: “Cách đây 7 năm, con Là không may bị tai nạn xe, bị chấn thương sọ não. Gia đình tui bán nhà để lo cho nó, rất may các bác sĩ cứu được mạng sống của nó nhưng khổ nổi con Là bị mất trí, không đi đứng được chỉ ngồi một chỗ suốt 7 năm nay.”

Chúng tôi hỏi đến người chồng, cụ Nhung cho biết sau khi chồng chị Là nuôi chị được một năm thì đưa chị Là và 2 đứa con về nhà cụ Nhung, nhờ cụ Nhung chăm sóc để đi làm xa. Và lần đi đó, chồng của chị Là đã bỏ đi lấy vợ khác, thỉnh thoảng ghé thăm 2 đứa nhỏ rồi đi ngay. Theo cụ Nhung, chồng chị Là làm thợ hồ, cuộc sống khó khăn nên suốt 7 năm qua chẳng tiếp giúp cụ được gì trong việc nuôi 3 mẹ con chị Là.

Do không tiền ghép lại hộp sọ nên chỗ vết mổ trên đầu chị Là bị phù to ra như thế này

Do không tiền ghép lại hộp sọ nên chỗ vết mổ trên đầu chị Là bị phù to ra như thế này

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm trước khi căn bệnh viêm đa khớp chưa tái phát, cụ Nhung lãnh vé số đi bán với cô con gái thứ 2, mỗi buổi kiếm được 50.000 – 60.000 đồng cũng đủ tiền đong gạo cho 4 miệng ăn. Còn việc học hành của 2 đứa con chị Là là cháu Trần Hoàng Phúc Bảo và Trần Hoàng Phúc Vinh (hiện 2 em học trường THCS Nguyễn Trường Tộ) mấy năm qua đều do thầy cô giúp cây viết, cuốn tập để đi học.

Khó khăn nhất là kể từ 5 tháng nay, cụ Nhung không còn đủ sức khỏe đi bán vé số được nữa nên mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào tiền bán vé số của người con gái thứ 2. Tuy nhiên, người con thứ 2 đã có gia đình thuộc dạng khó khăn nên chỉ chia đổi tiền lời bán vé số (cả ngày chỉ được 100.000 đồng - PV) tiếp cụ Nhung nuôi em và 2 cháu. Hôm nào chị nghỉ bán là cả 2 gia đình rơi vào cảnh chạy gạo cả xóm, ăn cơm với rau với muối là chuyện thường tình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Tánh – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường 8 cho biết: “Để giải quyết khó khăn trước mắt cho gia đình cụ Nhung chúng tôi đang cố gắng vận động các nhà hảo tâm cấp gạo hàng tháng cho cụ. Tuy nhiên với tình cảnh thân già một mình nuôi 3 người thì điều này quá sức đối với cụ Nhung nên qua báo Dân trí, tôi rất mong bạn đọc tiếp sức cho cụ, nhất là việc ăn học của hai đứa con chị Là.”

Được biết, dù hai anh em Phúc Bảo, Phúc Vinh thiếu vắng sự chăm sóc của cha, mẹ, cuộc sống luôn rơi vào cảnh túng thiếu, nhưng năm nào hai em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mới đây để phụ cụ Nhung kiếm tiền đong gạo và mua sách vở trước năm học mới, hai anh em xin bà ngoại đi bán vé số trong 3 tháng hè nhưng cụ Nhung vẫn còn do dự, vì sợ một điều không may xảy ra như mẹ 2 cháu thì làm sao sống nổi.

Đi làm cỏ thuê nuôi con gái 43 tuổi đãng trí

Nhà thuộc hộ nghèo, chỉ vỏn vẹn cái nền nhà nên quanh năm bà Hà Thị Sáng (68 tuổi) ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phải đi làm thuê làm mướn cho những người trong xóm, lấy tiền lo cho cô con gái 43 tuổi Đặng Thị Loan mắc bệnh đãng trí suốt 25 năm nay.

Trong căn nhà gạch bán kiên cố vừa được UBND xã Mỹ Long xây dựng theo diện 167, chúng tôi cảm thấy yên tâm khi mùa mưa đến. Tuy nhiên với tình cảnh một thân một mình, cuộc sống hai mẹ con cụ Sáng chỉ phụ thuộc vào tiền làm cỏ thuê của bà thì khó khăn trăm bề, nhất là mỗi khi bà Sáng ngã bệnh hay những lần lên cơn của chị Loan thì không biết nhờ ai.

Bà Sáng bùi ngùi cho biết: “Trước kia có ông nhà, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng từ khi ông lâm bệnh, nằm liệt giường cả năm, đẩy gia đình vào cảnh khốn đốn. Lúc đó tui chạy hỏi bà con "tiền lạnh, tiền nóng" chạy chữa cho ông nhà nhưng rồi ông cũng mất để lại tui khoảng nợ hơn 20 triệu đồng. Với số tiền này có lẽ tui chết mang theo chứ lấy gì mà trả cho người ta!” Bà Sáng sục sùi nước mắt, lặng lẽ nhìn chị Loan như lo sợ một điều gì đó bất trắc xảy ra.

Quan sát chị Loan, chúng tôi thấy chị như đứa trẻ lên 3, chị chẳng nói chẳng cười, suốt ngày chỉ ngồi bệt dưới đất. Theo bà Sáng những việc tiểu tiện, đại tiện chị Loan không kiểm soát được và kể cả cái ăn chị cũng chẳng biết đòi. Vì vậy, quanh năm bà Sáng chỉ dám nhận lời làm cỏ, chẻ củi… cho những người trong xóm, chẳng dám đi làm xa.

Thấy sức khỏe mình yếu bà Sáng rất lo lắng nếu bà nằm xuống thì không ai chăm sóc chị Loan

Thấy sức khỏe mình yếu bà Sáng rất lo lắng nếu bà nằm xuống thì không ai chăm sóc chị Loan

Nhìn căn nhà trống hoác từ trước đến sau, nhất là bộ cửa được che tạm bằng tấm nilon rách nát chúng tôi không khỏi lo lắng khi mùa gió nghịch về. Trước kia bà Sáng còn khỏe mạnh nên việc chăm sóc chị Là là chuyện bình thường nhưng hiện tại bà lớn tuổi, thường xuyên mắc những chứng bệnh viêm khớp, huyết áp cao, … nên việc chăm sóc và khoản nợ hơn 20 triệu đồng là điều bà Sáng lo lắng nhất. Bà sợ, một ngày bà về với ông bà thì không biết ai sẽ chăm sóc cho đứa con gái tội nghiệp của bà. Bà thở dài nhìn ra bờ sông như chờ đợi một điều gì đó.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy – hàng xóm với bà Sáng cho biết: “Bà con đây chỉ giúp được lon gạo, trái bí… nhưng làm sao người ta giúp hoài được. Trước kia hễ có việc là bà con ưu tiên cho bà Sáng làm, nhưng hiện tại bà bị tăng huyết áp, làm một chút là mệt, sợ bà có chuyện rồi không ai lo cho chị Loan nên bà con e ngại chẳng giám kêu bà làm nữa, vì thế cuộc sống của hai mẹ con bà Mai càng rơi vào cảnh khó khăn hơn!”

Hai người mẹ không quen biết nhau, khác nhau về địa giới nhưng họ có chung một tấm lòng thương con vô hạn. Dù biết con gái là gánh nặng cho mình, nhưng cả hai có thể hy sinh cái ăn, cái mặc và cả những điều lớn hơn nếu có thể để tiếp tục duy trì sự sống cho con. Họ ước gì tuổi mình chưa cao, không bệnh tật!

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Cụ Lê Thị Nhung - số nhà H41, KDC vượt lũ, Khóm 5, phường 8, TP. Vĩnh Long.

ĐT 0907.641.526 – người con thứ 2 của cụ Nhung.

2.Hà Thị Sáng - ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

ĐT Cô Thủy – hàng xóm: 0733.799.046

3. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

Ngô Nguyễn