Mã số 3258:
Gieo chữ ở độ cao hơn 1.000 mét, thầy cô mong ước hết cảnh “vừa đứng vừa ăn”
(Dân trí) - “Mùa mưa bão thầy cô nấu ăn vất vả lắm, củi nhóm khó cháy, cơm không ngon, canh không ngọt... Thầy cô mong ước có nguồn tài trợ xây một bếp ăn tốt hơn để yên tâm bám trường lớp, bám bản dạy chữ cho học sinh đồng bào”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Toàn bộc bạch.
Nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, An Toàn là xã vùng cao khó khăn nhất huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Nhiều năm qua, 18 cán bộ, giáo viên, đặc biệt là những nữ giáo viên trẻ của Trường Tiểu học An Toàn, đã vượt mọi gian khổ, quyết bám trường lớp, bám bản dạy con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na ở An Toàn.
Gian nan “cõng chữ” lên… trời!
Không sai khi người ta ví An Toàn như “cổng trời” ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Định. Sau 1h30’ vượt đèo dốc quanh co, có đoạn dốc sâu thăm thẳm, chiếc xe máy như muốn lao xuống vực, chúng tôi cũng đến được điểm trường chính của Trường Tiểu học An Toàn. Có đi mới cảm nhận được hành trình gian khổ của những thầy cô giáo đang và sẽ từng ngày thầm lặng “gieo chữ” nơi đại ngàn.
Thầy Võ Mười - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Toàn cho biết, so với 15 năm trước, học sinh phải học trong những phòng học tạm bợ, lụp xụp. Giờ đây, trường được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản nên điều kiện học tốt hơn rất nhiều. Dẫu vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là đường sá xa xôi, đèo dốc nguy hiểm là trở ngại với những thầy cô cắm bản, nhất là với nữ giáo viên.
“Thời tôi mới dạy trên này, xe máy chẳng có, đường đất đá lởm chởm đi bộ cũng mất cả ngày trời mới đến trường. Mùa mưa lũ, nếu sạt lở núi thì không thể đến trường dạy hoặc về xuôi được. Giờ đây, đường bê tông đã đến tận trường nhưng lại đèo dốc nguy hiểm nên so với giáo viên dạy ở miền xuôi, giáo viên trên này gian khổ hơn nhiều”, thầy Mười chia sẻ.
Đã 3 năm lên rừng “gieo chữ” cho học sinh đồng bào Ba Na ở Trường Tiểu học An Toàn, cô giáo trẻ Phan Thị Nga (xã An Hòa, huyện An Lão), chia sẻ: “So với ở đồng bằng, điều kiện dạy học trên này còn khó khăn hơn rất nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tôi dạy tin học mà chỉ có vài cái máy tính bàn, nhưng chẳng máy nào ra máy nào. Các trường dưới xuôi học sinh có nguyên cả phòng máy tính để học, còn trên này thiếu thốn đủ thứ…”.
Theo cô Nga, việc dạy học ở An Toàn không chỉ xa xôi mà đường đi khó khăn và nguy hiểm. Trong khi, mức lương thì ngang nhau vì cô vẫn còn giáo viên hợp đồng, đã vậy mỗi tháng cô còn tốn thêm 400 ngàn tiền xăng xe đi lại.
“Cực nhất vẫn là mùa mưa lũ, nhiều khi bị sạt lở núi rất nguy hiểm, đường bị chia cắt, điện cúp, điện thoại mất sóng, gần như bị cô lập nên thầy cô phải vào làng “xin” ăn. Bởi, mỗi tuần đi dạy các thầy cô chỉ mang thức ăn dự trữ đủ trong 1 tuần”, cô Nga bộc bạch.
“Vì học sinh, khổ mấy thầy cô cũng chịu”
Thâm niên gần 15 năm cắm bản “gieo chữ”, thầy Đinh Văn Hợi nói: “Cái thuận lợi thì ít mà cái khó thì nhiều. Thầy cô hầu hết ở dưới xuôi, hàng tuần phải đèo gạo, thịt, cá khô, trứng vịt…dự trữ ăn 1 tuần. Ngày trước, khi chưa có điện thầy cô nấu ăn bằng củi, nhà bếp thì che tạm bợ, mùa mưa củi ướt nhóm mãi chẳng cháy, có hôm cơm sống nhưng cố ăn cho qua bữa là chuyện thường”.
Thầy Hợi vốn người gốc huyện An Lão rồi lấy vợ sinh sống tại huyện Hoài Ân. Sau này, thầy lại trở về An Toàn đi dạy nên thường xuyên phải sống xa vợ con. “Tuy dạy trên này khó khăn nhưng tôi luôn được gia đình động viên. Quan trọng hơn, thầy cô đã gắn bó lâu năm với học trò trên này thì rất khó rời xa các em. Dù các em là người đồng bào, khả năng tiếp thu bài chậm so với học sinh dưới xuôi nhưng các em rất ngoan, nghe lời. Còn phụ huynh ở đây cũng quý thầy cô, có nắm rau cũng đưa các em mang đến cho thầy cô”, thầy Hợi bộc bạch.
Trong khi đó, cô giáo trẻ Võ Thị Phúc Nguyên - giáo viên hợp đồng phụ trách học sinh lớp mầm non, dù được những đồng nghiệp đi trước “cảnh báo” trước về những khó khăn. Thế nhưng, khi chính thức được phân công lên An Toàn giảng dạy cô vẫn không hết bỡ ngỡ.
Do đường sá xa xôi đi lại khó khăn, hơn nữa là con gái nên cô phải chọn cách ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà ở dưới xuôi. “Ở đây, mình tôi là giáo viên mầm non nhưng may là được ở cùng với các thầy cô trường tiểu học nên cũng đỡ buồn hơn. Hàng ngày, thầy cô lên rừng kiếm củi rồi về góp gạo thổi cơm chung. Còn học sinh trên này thì các em rất ngoan, nghe lời nên dù gắn bó với các em chưa lâu nhưng tôi rất yêu quý các em. Nếu được tuyển vào biên chế thì dù khó khăn mấy tôi vẫn cố gắng bám bản dạy cái chữ cho các em”, cô Nguyên tâm sự.
Thầy cô mong ước có một bếp ăn tử tế
Một lần công tác ở xã vùng cao An Toàn, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định, chứng kiến cảnh thầy cô ở Trường Tiểu học An Toàn “chổng mông” thổi lửa nấu cơm. Bữa ăn toàn đồ ăn khô. Bếp ăn che tạm bợ, diện tích chỉ đủ kê 1 bộ bàn ghế cho vài người ngồi ăn, còn lại thầy cô khác phải đứng ăn cơm.
Đem những trăn trở về xuôi, sau chuyến công tác đó bà Bình đã kêu gọi các nhà hảo tâm với mong muốn giúp đỡ học sinh nghèo nơi đây. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ số tiền khoảng gần 140 triệu đồng, trong đó Tổng lãnh sự quán Canada tại TP. HCM tặng máy lọc nước 17 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đó trường thiếu thốn đủ, không nước, không nhà vệ sinh. Vậy nên nhà trường ưu tiên làm các công trình phục vụ cho học sinh, còn thầy cô gắng khắc phục chờ nguồn tài trợ khác. Nhưng đến nay, kinh phí vẫn chưa có để thầy cô có chỗ ăn uống đàng hoàng.
Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, tình cờ bà Bình gặp và tiếp Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn vào công tác tại Bình Định. Có lẽ là “fan” hâm mộ của báo, theo dõi có nhiều công trình xây dựng trường học cho học sinh vùng sâu vùng xa, xây cầu dân sinh … do báo thực hiện. Do vậy, bà mong muốn báo “ra tay” làm cầu nối đến các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để trường làm một bếp ăn đàng hoàng, giúp thầy cô yên tâm bám trường, bám bản.
Thầy giáo Võ Mười - Hiệu trưởng Tiểu học An Toàn cho biết, trường có 110 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, với 18 cán bộ giáo viên và bảo vệ. Trong đó, điểm trường ở thôn 2 có 43 học sinh; thôn 1 (36 học sinh) và ở điểm trường thôn 3 (31 học sinh). Các thầy cô hầu hết là người dưới xuôi, điều kiện đi lại khó khăn nên phải cắm bản dạy học.
Theo thầy Mười, hiện nay cơ sở vật chất nhà trường đã đầu tư cơ bản đầy đủ. Năm 2018, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ thông qua Hội Khuyến học huyện An Lão đã đầu tư được công trình nhà vệ sinh, nước sạch cho trường.
“Giờ đây, các thầy cô giáo của trường chỉ mong ước có nguồn hỗ trợ xây một bếp ăn tốt hơn để thầy cô yên tâm bám trường, bám bản dạy chữ cho học sinh đồng bào”, thầy Mười mong mỏi.
Thầy Mười cho biết, nếu có kinh phí tài trợ nhà trường sẽ xây nhà ăn cấp 4, lợp mái tôn, rộng chừng 30 m2, có chỗ nấu ăn. Dự trù kinh phí khoảng 130 - 150 triệu đồng, bởi tiền vật liệu và chi phí vận chuyển vật liệu rất cao vì đường sá xa xôi và khó khăn.
“Hiện, tường rào, cổng ngõ của trường vẫn chưa xây dựng vì trường không có kinh phí. Trong khi, kinh phí của Phòng Giáo dục huyện càng khó khăn nên kinh phí xây dựng nhà ăn cho thầy cô chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Nếu được báo Dân trí cùng nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, thầy cô giáo nhà trường vô cùng phấn khởi”, thầy Mười nói.
Gieo chữ ở độ cao hơn 1.000 mét: Thầy cô mong ước hết cảnh “vừa đứng vừa ăn”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 3258 : Hỗ trợ bếp ăn giúp Trường Tiểu học An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định).
ĐT: 0977.800.367 - Thầy Võ Mười - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Toàn
2. Báo điện tử Dân trí.Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490
Email: nhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 0451000476889
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Dien tu Dan tri
Account Number: 0451370477371
Swift Code: BFTV VNVX 045
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 129 0000 61096
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VND tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Tên Tài khoản : Báo Điện tử Dân trí
Số Tài khoản : 2611 000 3366 882
Tại : Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam– Chi nhánh Tràng An
Địa chỉ : Số 11 phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; ĐT: 0436869656.
* Tài khoản USD tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Account Name : Bao Dien tu Dan tri
Account Number : 2611 037 3366 886
Swift Code : BIDVVNVX261
Bank Name : Bank for Investment and Development of Vietnam JSC,Trang An Branch
Address : No 11 Cua Bac Str.,Ba Dinh Dist.,Hanoi, Vietnam; Tel: (84-4)3686 9656.
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 0721101010006
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Bao Dien tu Dan tri
Số TK: 0721101011002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:
- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí
- Số tài khoản VND: 1400206034036
- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 0239.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0236. 3653 725
VP TPHCM: số 294 - 296 đường Trường Sa, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 028. 3517 6331 (Trong giờ Hành chánh) hoặc số hotline 0974567567
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0292.3.733.269
Doãn Công