1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Em sinh viên nhập trường trong nước mắt đã trở thành cử nhân

(Dân trí) - 4 năm trước, Phan Thị Ngọc Anh khăn gói đi TPHCM nhập học mà lòng ngổn ngang lo lắng. Làm sao theo đuổi việc học ở Sài thành đắt đỏ, khi người mẹ ở quê đẩy xe đậu hủ nuôi cả gia đình?

>> Mẹ, con nhập trường trong nước mắt rưng rưng

>> Trao tặng xe đạp cho sinh viên Phan Thị Ngọc Anh

Sinh ra tại thị trấn nghèo An Lộc (huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước), em mồ côi cha khi mới 4 tuổi, mẹ bán đậu phụ dọc đường nuôi 4 chị em. Thế nhưng Phan Thị Ngọc Anh đã vượt qua khó khăn để trở thành sinh viên khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM.

“Đêm biết mình đậu đại học, em không sao ngủ được. Nghiêng mình qua, thấy mẹ đang nằm vắt tay lên trán. Nước mắt bỗng trào ra…” - cô tân sinh viên Ngọc Anh, nhập học trong ngổn ngang lo lắng…
 
Em sinh viên nhập trường trong nước mắt đã trở thành cử nhân
Cả cuộc đời kiên cường gánh bao lo toan, thế mà mẹ không cầm được nước mắt khi con gái tần ngần trước bao khoản chi đầu năm học mới (Ảnh: Công Quang)

Những ngày đến với giảng đường, Ngọc Anh đã phải tằn tiện từng đồng của mẹ gửi để vừa đảm bảo cuộc sống sinh viên, vừa mua đủ tài liệu học tập. Ngọc Anh cho biết: “Quy định của ký túc xá không cho nấu ăn. Vì thế em phải nhờ mẹ làm thức ăn khô rồi mỗi bữa mua thêm 3000đ cơm trắng. Bữa nào thèm rau quá thì mua rau về lén nấu thật nhanh”.

Mỗi lần đến giảng đường mất nửa tiếng đồng hồ đi bộ nên Ngọc Anh thầm mong có chiếc xe đạp để đến trường. Niềm ước mong ấy đã thành hiện thực khi bạn đọc báo Dân trí tặng em một chiếc xe đạp cũ, đồng thời Quỹ Khuyến học của báo Khuyến học & Dân trí cũng tặng em 2.000.000 đồng để vượt qua những khó khăn ban đầu.
 
Ngọc Anh nhận chiếc xe đạp do bạn đọc Dân trí tặng (Ảnh: Hoài Lương)
Ngọc Anh nhận chiếc xe đạp do bạn đọc Dân trí tặng (Ảnh: Hoài Lương)
 
Ngọc Anh nhận chiếc xe đạp do bạn đọc Dân trí tặng (Ảnh: Hoài Lương)
Không chỉ chăm học, Ngọc Anh còn năng nổ tham gia các hoạt động xã hội. Em đi lượm rác bán lấy tiền giúp người nghèo, chăm sóc các em nhỏ tại mái ấm tình thương, tham gia tiếp sức mùa thi…

Những ngày đầu vất vả dần trôi qua sau những nỗ lực hết mình của cô sinh viên “bé hạt tiêu”. Tháng 6 năm nay, Phan Thị Ngọc Anh đã trở thành cử nhân Xã hội học với tấm bằng loại khá và được làm lễ tốt nghiệp vào ngày 10/6.

Phan Ngọc Châu, em trai của Ngọc Anh hết sức vui mừng khi được dự lễ tốt nghiệp của chị gái: “Ngày chị nhập học, gia đình vừa mừng vừa lo. Không biết làm sao chị có thể theo học ở thành phố, nơi mà chi phí sinh hoạt cái gì cũng mắc. Rất may là chị em đã được báo Dân trí và cộng đồng giúp đỡ. Cả nhà chỉ có 1 mình chị ấy học đến đại học nên hôm nay em vui lắm! Hiện giờ em đang đi làm, nhưng nhìn tấm gương của chị, em đang suy nghĩ tới việc tiếp tục con đường học tập của mình”.
 
Cô sinh viên bé hạt tiêu Phan Thị Ngọc Anh nay đã trở thành cử nhân ngành Xã hội học
Cô sinh viên "bé hạt tiêu" Phan Thị Ngọc Anh nay đã trở thành cử nhân ngành Xã hội học
 
Ngày khoác áo cử nhân với niềm vui tràn ngập nhưng vắng bóng người mẹ tảo tần, Ngọc Anh muốn nói với mẹ rằng: “Hôm nay, cánh cửa tương lai đã rộng mở đón con nhưng mẹ đã không có mặt như dự định vì công việc gia đình. Còn nhớ ngày nào như chú chim non nép sau lưng mẹ lên thành phố thi đại học, nay con đã là tân cử nhân rồi đó mẹ. 4 năm đại học thật nhiều chông gai nhưng con không nản chí vì bên cạnh lúc nào cũng có mẹ động viên”.
 
Vừa kết thúc lễ tốt nghiệp, Ngọc Anh đã vội vàng về Bình Dương để bán nước giải khát tại lễ hội trái cây Lái Thiêu. Đây là công việc tạm thời trong khi em tìm việc làm chính thức. Ngọc Anh hi vọng được làm việc tại một tổ chức từ thiện để vừa đảm bảo được cuộc sống của mình, vừa giúp đỡ được những mảnh đời bất hạnh: "Em đã được báo Dân trí và cộng đồng hỗ trợ trong những ngày đầu còn nhiều khó khăn. Đến lượt mình, em cũng muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác như một cách cảm ơn những gì cuộc sống đã mang lại cho em".

Hồng Nhung