Đón xuân tươi vui, ấm áp trong những ngôi nhà Nhân ái
(Dân trí) - "Nhờ bạn đọc Dân trí mà mẹ con tôi thoát cảnh ở lều nát, ngủ võng và năm nay được đón xuân mới yên vui, ấm áp trong căn nhà kiên cố, tràn ngập tình yêu thương", chị Hường xúc động nói.
Mẹ con em như được tái sinh lần nữa nhờ bạn đọc Dân trí
Giữa năm 2021, Dân trí đã đăng tải bài viết "Nước mắt khẩn cầu của người mẹ đơn thân bị bệnh tật đọa đày" . Nhân vật chính trong bài viết là chị Nguyễn Thị Kim Hường (27 tuổi, ngụ ở xã Đại Hòa Lộc, Bình Đại, Bến Tre).
Chị Hường lấy chồng năm 18 tuổi, một năm sau thì sinh con gái đầu lòng. Khi con gái chưa tròn một tuổi, sức khỏe chị Hường sa sút nhanh chóng, người bỗng gầy rộc, da khô khốc, đen sạm, đi khám thì được bác sĩ xác định suy thận giai đoạn cuối.
Đau xót hơn, trong thời khắc người phụ nữ cần chỗ dựa nhất thì chồng chị đã bỏ lại 2 mẹ con rồi đi biệt tích. Mang bệnh, lại ôm theo con nhỏ nhưng chị Hường vẫn phải đi làm mướn để kiếm cơm sống qua ngày.
Cho đến một hôm, chị Hường đổ gục khi đang lột vỏ điều mướn. Số phận lại vùi dập người phụ nữ khốn khổ thêm lần nữa khi bác sĩ kết luận chị bị bệnh tim, không thể tiếp tục làm việc. Kể từ đó chị chỉ biết nuôi con bằng cơm cháo mà xã hội thương tình.
Xót thương hoàn cảnh, chính quyền địa phương cùng mọi người trong ấp đã quyên góp được một ít tiền, san nền và dựng một túp lều lá dừa rộng chừng 6m2 cho mẹ con chị Hường che mưa, trốn nắng.
Túp lều quá bé để có thể kê một chiếc giường, một chiếc võng mắc chéo trên 2 cái cọc tre là chỗ ngủ suốt bao nhiêu năm của 2 con người khốn khổ. Trong túp lều cũng gần như không có đồ vật gì đáng giá.
Phóng viên cùng cán bộ xã ghé thăm lúc gần trưa, chứng kiến bữa ăn của mẹ con chị Hường chỉ có cơm với rau dại. Người phụ nữ đã sạm khô như que củi cháy dở, đôi mắt lờ đờ vô hồn, động tác chậm chạp, yếu ớt.
Vừa tâm sự vừa thở dốc, chị Hường chẳng cầu xin gì cho bản thân mình. "Em tự biết em yếu lắm rồi, chẳng biết chết đi lúc nào. Con em còn nhỏ quá. Em cầu xin mọi người thương xót lấy con em với…", chị Hường từng khẩn cầu trong nước mắt.
May mắn hiếm hoi trong cuộc đời người phụ nữ này là khi hoàn cảnh được bạn đọc Dân trí biết đến. Chỉ một ngày sau khi bài báo đăng, nhiều đoàn mạnh thường quân đã tìm đến tận nơi, hỗ trợ trực tiếp tới mẹ con chị Hường hơn 120 triệu đồng.
Sau đợt kêu gọi, tổng số tiền mẹ con chị Hường được hỗ trợ là trên 300 triệu đồng. Cùng với đó, một mạnh thường quân đã trao tặng một chiếc xe máy, một người khác cũng hứa tặng một ngôi nhà. Do đại dịch ập đến nên mới đây ngôi nhà mới được xây dựng xong.
Ngôi nhà được xây gạch, đổ trụ bê tông cao 3m, rộng 3m và dài 12m. Sau 7 năm phải ở lều, ngủ võng, tết năm nay mẹ con chị Hường đã lần đầu tiên được ở trong một ngôi nhà kiên cố, nằm trên một chiếc giường tử tế.
"Trước đây vì không có xe và cũng không có sức ngồi xe buýt nên mỗi tuần em đều phải 2 lần nhờ người chở lên bệnh viện để lọc máu. Lần đó có tiền hỗ trợ, em mua hơn 20 triệu tiền thuốc bổ như bác sĩ kê, nhờ đó mà khỏe lên rõ rệt, lại được cho một chiếc xe máy nên em tự chạy xe đi lọc máu được, tiện hơn rất nhiều", chị Hường chia sẻ.
Chị Hường cũng cho biết, từ số tiền được hỗ trợ, sau khi mua thuốc, trả 60 triệu đồng tiền nợ cộng dồn từ trước và trừ đi 20 triệu mua nội thất sau khi được tặng nhà, đến nay trong sổ tiết kiệm vẫn còn hơn 170 triệu đồng. Hơn một năm qua, cuộc sống mẹ con chị Hường đã tốt lên rõ rệt.
"Trước đây em cứ nghĩ mình đã yếu lắm, sắp chết đến nơi, nhưng giờ sức khỏe đã cải thiện rất nhiều. Em sẽ cố sống thật tốt để lo cho con.
Giờ mẹ con em cũng có nhà, có xe, lại có sổ tiết kiệm nên rất an tâm. Con gái em nay học lớp 3, cháu ngoan, học cũng được. Nhờ có mạnh thường quân mà mẹ con em như được tái sinh lần nữa, em cảm ơn nhiều lắm", chị Hường xúc động nói.
Nếu không được giúp thì không khi nào 4 bà cháu có nhà kiên cố
Cũng như mẹ con chị Hường, năm nay bà Đặng thị Nguyệt (61 tuổi, ngụ ở xã Long Khánh, TX Cai Lậy, Tiền Giang) cùng 3 đứa cháu cũng đón tết trong ngôi nhà mới được xây dựng từ tiền bạn đọc Dân trí hỗ trợ.
Hoàn cảnh của gia đình bà Nguyệt được Dân trí đăng tải giữa năm 2022 trong bài viết "3 đứa trẻ mồ côi lả đi vì đói bên bà nội tâm thần". Bài báo đã kêu gọi được hơn 180 triệu đồng hỗ trợ đến gia đình bà Nguyệt.
Con trai bà Nguyệt bị mất do tai nạn, con dâu cũng bỏ đi để lại 3 đứa cháu. Bốn bà cháu ở trong một ngôi nhà tồi tàn, dột nát và phải chịu cảnh bữa đói bữa no.
Bà Nguyệt bị tâm thần, đứa cháu lớn nhất đã 12 tuổi nhưng cũng có biểu hiện không nhanh nhẹn, đặt đâu ngồi đó. Thường ngôi nhà chìm trong im lặng, lạnh lẽo và u tịch. Bà Nguyệt tuy còn tỉnh nhiều hơn mê nhưng mỗi khi bà lên cơn thì vì lý do nào đó mà trong ngôi nhà sẽ phát ra những tiếng gào rú liên hồi, có tiếng bà Nguyệt la, có tiếng mấy đứa trẻ khóc.
Những âm thanh ghê người chỉ dừng lại khi cả 4 bà cháu lả đi vì đói. Ngày thường đã chẳng mấy ai ghé thăm, những lúc như vậy lại càng không ai dám đến.
Hàng xóm bà Nguyệt cho biết, khổ nhất là những khi bà Nguyệt lên cơn đúng lúc trời mưa, trong nhà đã dột không chỗ trốn, vậy nhưng 4 bà cháu lại ra ngoài trời ngồi mỗi người một góc. Trong ấp mọi người có thương cũng chỉ dám ái ngại đứng theo dõi từ xa, ai có cho đồ ăn gì cũng để ở ngoài cổng chứ ít khi dám bước vào nhà.
Được hỗ trợ, dù sức khỏe bà Nguyệt vẫn vậy nhưng có một ngôi nhà sạch sẽ, cao ráo để ở và bữa ăn có cá, có rau, vẻ ngoài của bà trông đã tươi tỉnh lên nhiều. Được ở trong nhà mới, 3 đứa trẻ cũng không còn cảnh nhếch nhác bẩn thỉu như trước đây.
Ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, cao ráo, rộng hơn 50m2 và được lát gạch. Trong lễ cúng chính thức vào nhà mới, nhiều hàng xóm chứng kiến đã không giấu được sự vui mừng thay gia chủ.
"Được như vậy là quá mừng rồi, đổi đời thật em ạ. Nếu không được giúp thì không khi nào bà cháu có được cái nhà như vậy. Nhà này là đã quá kiên cố rồi, sau này mấy đứa nhỏ có gia đình thì vẫn còn ở được", chị Hà, một hàng xóm cả bà Nguyệt nói với phóng viên.
Không chỉ ngôi nhà của chị Hường, của bà Nguyệt mà mỗi năm qua chương trình Nhân ái của Dân trí lại có nhiều điểm trường được xây, nhiều cây cầu được bắc và nhiều ngôi nhà được dựng.
Nhờ bạn đọc Dân trí mà sự tử tế, hạnh phúc và yên vui cứ thế, được gieo xuống, nhân lên rồi lan tỏa như hương xuân theo gió.
Được trông thấy nụ cười trên những gương mặt đã từng tuyệt vọng khi rơi vào cảnh khốn cùng có lẽ là những khoảnh khắc xúc động nhất, hạnh phúc nhất của mạnh thường quân, bạn đọc và cả của những người làm báo, khi chúng ta đã cùng nhau góp phần làm nên những điều ý nghĩa.