1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hậu Giang:

Đi bằng hai tay, nuôi chồng bệnh tật

(Dân trí) - Bị cụt cả hai chân từ năm 24 tuổi, 5 năm qua một mình bà nuôi người chồng bệnh tật. Cái nghèo cứ nghèo, còn bản thân bà thì luôn gắng chịu trong mình một nỗi đau bom đạn khó nguôi ngoai.

Khi đến ấp Phú Đông hỏi “vợ thằng Đậu” đi bằng đôi tay thì ai cũng biết đó là hoàn cảnh thương tâm của bà Nguyễn Thị Ái, 59 tuổi, ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành. Hàng xóm gọi vui là “ vợ thằng Đậu” vì chồng bà Ái tên Lê Văn Đậu (62 tuổi). Đã hơn 5 năm nay, bà Ái một mình nuôi người chồng bệnh tật trong căn nhà nhỏ cạnh bờ sông Phú Đông buồn tẻ.

 

Chúng tôi cũng lần dò tìm đến nhà của bà Ái sau khi hỏi thăm một số người quen vào một buổi sáng giữa tháng 3. Đến nhà nhưng không thấy ai ngoài căn nhà nhỏ trống trơn, 2 bên vách đã bị rách tả tơi nhiều chỗ. Một chị hàng xóm cho biết, bà Ái đi làm từ sáng sớm, còn ông Đậu thì cũng nhích từng bước đi chích thuốc ở trạm y tế gần đó cho căn bệnh của mình.

 

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Văn Nậu cách đó chừng hơn 1km để tìm bà Ái vì bà đang làm mướn ở đây. Gặp được bà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, với chiều cao chừng hơn 0,5m ngồi lọt thỏm sau mấy cây bưởi.

 

Bà xót xa kể lại về đời mình: gia đình bà trước đây đều sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Năm 24 tuổi, trong 1 lần bà đi làm thuê cách nhà chừng 1km thì chẳng may một quả bom phát nổ làm bà đứt lìa cả 2 chân. Ông Nguyễn Văn Nậu, người đã kịp thời cứu bà Ái nhớ lại: “Lúc đó khoảng 8h sáng tháng 1/1974, tôi nghe 1 tiếng nổ lớn thì chạy ra phát hiện bà Ái nằm bất động, thân thể bê bết máu, quần áo rách nát, 2 chân thì không thấy đâu nữa. Tôi gọi người đưa bà đi cấp cứu và bà ấy sống cho đến giờ”.
 
Đi bằng hai tay, nuôi chồng bệnh tật - 1

Đôi chân không còn nhưng nỗi đau bom đạn vẫn còn đó

 

Sau khi nằm viện hơn 1 tháng, bà Ái về nhà, mấy năm sau đó bà vẫn ở trên giường vì đôi chân không còn nên không di chuyển được. Ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều do một tay mẹ của bà chăm lo. Lúc này ông Đậu chưa bị bệnh tật gì nên cũng đi làm thuê kiếm tiền phụ mẹ lo kiếm cái ăn cho gia đình.

 

Sau một thời gian lành lặn, bà Ái tự mình tập đi bằng đôi tay, phải mất thời gian khá lâu bà mới quen kiểu di chuyển bằng tay này. Điều “kỳ diệu” là dù chỉ còn có đôi tay nhưng bà có thể đi cầu khỉ, leo dừa, trèo hái bưởi, lội sông để cùng tìm kế mưu sinh cùng với gia đình.

 

Những hành động trên được nhiều người dân ở ấp Phú Đông xác nhận cho chúng tôi biết. Bà Nguyễn Thị Nghiệp, một người hàng xóm nhận định: “Bà Ái rất “nổi tiếng” ở ấp Phú Đông này khi đi bằng hai tay và làm những việc tưởng chừng không thể như kể trên. Có thể do cuộc sống khó khăn quá nên khiến người ta phải có nghị lực để thích ứng với cuộc sống đó, và bà Ái cũng vậy, tôi nghĩ rằng bà Ái là người phụ nữ rất có nghị lực”. Bà Ái tiếp lời: “Thời đó còn trẻ, còn sức khỏe nên trèo cao được, giờ yếu rồi nên không làm nổi nữa. Đi làm ở đâu xa thì người ta lại rước mình đi, còn ở gần thì tôi có thể chống tay đi được”.

 

Cách đây khoảng 5 năm, bỗng dưng ông Đậu bị bệnh, ông bị bệnh đau khớp, chân teo lại di chuyển rất khó khăn. Thêm vào đó, ông bị bệnh phổi nên sức khỏe ngày càng yếu. Trong 5 năm qua, ông Đậu không làm gì được, chỉ có thể ngồi một chỗ, hoặc chỉ nhích từng bước chân đi lòng vòng xung quanh nhà. 

 

Bà Ái bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình kiếm tiền nuôi mẹ già và chồng bệnh tật. Mẹ của bà cũng vừa mất cách đây 2 năm, giờ chỉ còn 2 vợ chồng bà Ái sống trong căn nhà nhỏ. Bà Ái đau lòng cho biết, sau khi chết, mẹ bà có chia 1 công đất cho bà nhưng người anh ruột của bà giành lấy hết. Hiện nền nhà chừng 10m2 mà bà đang ở cũng của người anh “ban tặng” chứ cũng chẳng phải của bà. Căn nhà thì do chính quyền xã cất cho bà dưới dạng nhà tình thương.
 
Đi bằng hai tay, nuôi chồng bệnh tật - 2

Căn nhà đơn sơ che mưa nắng của vợ chồng bà Ái

 

Cuộc sống của bà Ái bây giờ chỉ trông chờ vào tấm lòng của bà con hàng xóm. Mỗi năm đến mùa lá thì bà Ái đi chầm lá mỗi ngày kiếm chừng 25.000 đồng để mua gạo và tiền cho chồng đi chích thuốc.

 

Nhưng mùa chầm lá cũng chỉ khoảng hơn 1 tháng chứ không kéo dài hơn. Khi chúng tôi hỏi hết mùa lá thì bà làm gì, bà Ái thở dài: “Hết thì ở nhà rồi ai kêu gì làm nấy, chặt củi, hái trái cây…Vất vả nhưng cũng gắng làm chứ không làm thì lấy gì nuôi mình, nuôi chồng. Nhiều khi không ai kêu thì đi xin gạo của bà con để ăn”. 

 

Đôi tay của bà Ái giờ không còn biết đau vì đã bị chai sần cả lên. Bởi mấy chục năm nay bà dùng hai bàn tay để chống dưới đất mà di chuyển người đi, nhìn bà di chuyển cũng chẳng khác người ta đi bằng 2 chân của mình. Trên một bàn tay vẫn còn một mảnh bom chưa gắp ra được hiện đang sưng mủ và rất đau.

 

Bà cho biết: “Định hết mùa lá này gắng giành ít tiền để đi mổ nhưng giờ gạo còn không có ăn thì biết làm sao”. Không chỉ thế, đoạn chân bị cắt lìa của bà vẫn còn rất nhiều miểng bom chưa lấy ra nên luôn gây đau nhức cho bà những khi trái gió trở trời. Những lúc bị đau nhức bà cho biết chỉ có thể nằm một chỗ gắng chịu vì “có đồng nào đâu mà mua thuốc uống hả chú”, bà Ái nghẹn ngào.

 

Ông Trần Văn Ru Y - Trưởng ấp Phú Đông cho chúng tôi biết: “Hoàn cảnh của bà Ái là hoàn cảnh khó khăn nhất ở trong ấp. Về phía địa phương thì cũng không giúp gì nhiều, chủ yếu do bà con hàng xóm thương tình đỡ đần. Chúng tôi cũng đã làm đơn để cấp trên xem xét có thể trợ cấp cho bà thuộc diện người khuyết tật khó khăn nhưng vẫn chưa được phản hồi. Hiện chỉ mong các mạnh thường quân giúp đỡ, chia sẻ cho gia đình bà phần nào đó”.

 

 

Mọi sự chia sẻ, giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Bà Nguyễn Thị Ái - Ấp Phú Đông, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

 

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 24 Trương Quốc Dung, P8, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 08.6.294.3896


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 





 Huỳnh Hải