1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày

Đặng Dương

(Dân trí) - Mẹ đột ngột qua đời, bố bỏ đi lang thang nên 2 anh em Y Khang và Y Tuân được người chị họ cưu mang. Sự giúp đỡ kịp thời của mọi người giúp con đường đến trường của 2 đứa trẻ mồ côi ấm áp hơn.

Từng vui vì được ăn cơm với cà đắng, cá khô

Những ngày cuối năm, Y Khang B'Krông cùng mấy đứa trẻ đi bộ dọc các tuyến đường trong buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) để nhặt vỏ chai nhựa.

10h trưa ngày 29 Tết, cậu bé bất ngờ nhận được tin mẹ đang hấp hối. Y Khang bỏ dở công việc, chạy ngay về nhà.

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 1

Sau ngày mẹ mất, Y Khang (bên trái) và Y Tuân sống trong căn nhà cũ cô quạnh (Ảnh: Đặng Dương).

 Thế nhưng cậu bé người Ê đê không kịp về gặp mẹ khi người phụ nữ gần 40 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh ung thư gan.

Mẹ mất khi ngày Tết đã cận kề, Y Khang (12 tuổi) và Y Tuân (9 tuổi) trở thành trẻ mồ côi. Cuộc sống của 2 đứa trẻ vốn đã thiếu thốn, nay lại vô định vì không còn mẹ bên cạnh.

Sau ngày ấy, Y Khang và Y Tuân được một người chị họ cưu mang. Cả 2 đứa trẻ vẫn ở trong căn nhà cũ, rộng chừng 12m2, được xây tặng nhiều năm trước. Căn nhà không có tài sản nào giá trị nên di ảnh người mẹ quá cố cũng phải đặt ngay dưới nền đất vì không có bàn.

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 2

Bữa cơm của anh em hầu như chỉ có cá khô và cà đắng (Ảnh: Đặng Dương).

Hàng ngày, Y Khang và Y Tuân thay phiên nhau nấu cơm. Thức ăn thì do người chị họ mang qua cho. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chị cũng rất khó khăn, bữa cơm của anh em hầu như chỉ có cá khô và cà đắng.

Y Khang nhớ lại: "Nhà em không có rẫy. Bố thì bị bệnh, sống lang thang khắp nơi. Khi mẹ còn sống, có hôm chỉ ăn mì tôm nên những ngày được ăn cơm với cá khô, hai anh em vui lắm. Mỗi ngày đi nhặt ve chai được vài nghìn đồng, có nhiều lúc hai anh em cũng ước được ăn bữa cơm có thịt mà không đủ tiền để mua".

Được chính thức trở thành công dân

Đám tang của mẹ Y Khang được mọi người trong buôn Buôr và chính quyền xã Tâm Thắng chung tay hỗ trợ. Cũng trong thời gian này, mọi người mới biết anh em Y Khang chưa được khai sinh, dù lúc đó hai đứa trẻ đã quá tuổi vào lớp 1.

Nhắc về trường hợp của Y Khang và Y Tuân, cô giáo Mai Thị Ngọc Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập nói rằng, đây là hai học trò đặc biệt trong hàng chục năm đứng lớp của cô.

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 3

Các nhà hảo tâm tới tặng quà, động viên tinh thần 2 anh em Y Khang (Ảnh: Đặng Dương).

 "Nếu mẹ không mất, có lẽ Y Khang và Y Tuân vẫn chưa đến trường, bởi từ khi sinh ra đời, cả hai em chưa được khai sinh", cô Mai Thị Ngọc Hiền nhớ lại.

Ngày tiếp nhận học sinh vào lớp, cả hai đứa trẻ đen nhẻm, tóc đã dài quá mang tai. Dù cao lớn hơn những bạn cùng lớp, tuy nhiên Y Khang và Y Tuân lại rất bối rối khi bước chân vào môi trường này.

Theo cô Hiền, Y Khang khi ấy đã 12 tuổi. Do rất ít khi giao tiếp với người lạ nên vốn tiếng Việt của cậu bé rất hạn chế. Khi đó, Y Tuân (9 tuổi) trở thành "phiên dịch viên" cho chính anh trai của mình.

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 4

Đến nay Y Tuân đã biết đọc, biết viết và tự tin giao tiếp (Ảnh: Đặng Dương).

 Sau gần một năm được đi học, niềm vui đã hiện lên trên khuôn mặt của hai đứa trẻ người Ê đê. Đến nay cả hai anh em Y Khang đã biết đọc, biết viết và tự tin giao tiếp với mọi người.

Y Tuân nói: "Ngày mẹ còn sống, anh Khang đi nhặt ve chai hoặc mót cà phê, còn em ở nhà chăm sóc mẹ. Bữa đói, bữa no nhưng chúng em chưa từng nghĩ đến chuyện đến trường bởi vì "không ai cho đi học".

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 5

Cô Mai Thị Ngọc Hiền và học trò đặc biệt Y Khang (Ảnh: Đặng Dương).

Để có được kết quả như ngày hôm nay, cô Hiền cho biết, đó là sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt của nhà trường và chính quyền các cấp.

"Ngày mẹ còn sống, do đang ở nhờ trên đất của người khác nên gia đình không có hộ khẩu thường trú. Biết được hoàn cảnh của các em, chính quyền xã Tâm Thắng đã hoàn thiện các thủ tục để khai sinh và cấp mã số định danh cho 2 anh em. Có lẽ, ngày chính thức được công nhận là công dân sẽ là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của Y Khang và Y Tuân", cô Hiền cho biết thêm.

Vơi bớt gánh nặng tương lai

Ngay sau khi hoàn cảnh của Y Khang và Y Tuân được phản ánh, hàng ngàn độc giả trong và ngoài nước đã gọi điện động viên, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho 2 cậu bé người Ê đê.

Thời điểm đó, mỗi giờ, cô Mai Thị Ngọc Hiền, người đại điện tiếp nhận số tiền ủng hộ cho 2 học trò, đã nhận hàng chục cuộc gọi và tin nhắn của nhà hảo tâm. Có lúc, chiếc điện thoại của cô Hiền đã bị "treo" vì phải hoạt động quá tải.

Cô Hiền nhớ lại: "Chỉ vài phút sau khi bài viết được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện hỏi thăm, xác thực hoàn cảnh của 2 em. Mỗi người hỗ trợ một ít, chỉ trong một ngày, số tiền hỗ trợ thông qua tài khoản cá nhân của tôi đã gần 1 tỷ đồng".

Số tiền vượt ngoài tưởng tượng, thế nhưng điều khiến cô Hiền và các thầy cô Trường Tiểu học Hà Huy Tập xúc động đó chính là sự quan tâm, đồng cảm của mọi người.

Cuộc sống mới của 2 anh em mồ côi từng chỉ ăn cá khô và cà đắng qua ngày - 6

Sự giúp đỡ kịp thời của mọi người giúp con đường đến trường của 2 đứa trẻ người Ê đê ấm áp hơn (Ảnh: Đặng Dương).

 Có những nhà hảo tâm dù không thể đến tận nơi tặng quà, nhưng vẫn nhờ người mang sách vở, quần áo mới đến cho 2 anh em Y Khang và Y Tuân. Thậm chí, một nhà hảo tâm khuyết tật đã không quản ngại đường xa, tự mình đi mua tặng 2 anh em Y Khang và Y Tuân xe đạp mới, giúp con đường đến trường của 2 đứa trẻ mồ côi ấm áp và bằng phẳng hơn.

Gần 1 năm trở thành trẻ mồ côi, nỗi buồn khi mất mẹ vẫn hiện hữu trên đôi mắt của Y Khang và Y Tuân. Thế nhưng, cô Hiền và các thầy cô giáo trong Trường Tiểu học Hà Huy Tập tin rằng, tình cảm, sự quan tâm của các nhà hảo tâm trong thời gian qua, sẽ là động lực để 2 anh em cố gắng, tự tin đi về phía trước.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Y Tuân nói: "Bây giờ, mỗi ngày, chúng em đều được ăn cơm với thịt, cá nên không còn đói khổ như trước nữa. Em và anh trai sẽ đi học để biết chữ, để có cuộc sống tốt hơn khi không còn bố mẹ bên cạnh".

Theo thông báo từ cô Mai Thị Ngọc Hiền, tổng số tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ cho 2 anh em Y Khang là hơn 2 tỷ đồng. Hiện nhà trường cùng chính quyền địa phương đã lập thành 4 sổ tiết kiệm (trị giá 1,9 tỷ đồng) để 2 anh em có thể sử dụng khi đủ 18 tuổi.