1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 5165

Cuộc đời tái sinh của người phụ nữ bệnh tim từng "xin về nhà chờ chết"

Hương Hồng

(Dân trí) - Căn bệnh tim tái phát những tưởng chị Dung đã không chống lại được số phận nghiệt ngã. Bằng tất cả tình yêu thương, các y, bác sỹ và bạn đọc Dân trí đã tái sinh cuộc đời chị.

Cảm động câu chuyện người phụ nữ cô đơn trở về từ cõi chết

Người phụ nữ nghèo khó mang trái tim lỗi nhịp

Một ngày cuối tháng 5, tôi đến thăm chị Trần thị Dung (SN 1964, trú tại Thanh Chương, Nghệ An), ngay sau khi biết tin các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã phẫu thuật tim thành công, giúp chị tìm lại cuộc sống.

Sau những ngày điều trị, sức khỏe chị Dung dần ổn định, trên khuôn mặt chị toát lên ánh mắt rạng ngời, chị Dung hồ hởi khoe: "Chị sống rồi em ơi. Giờ chị có thể đi bộ hàng giờ, làm việc mà không thấy mệt như trước. Bác sĩ bảo, các chỉ số sinh tồn của chị rất tốt. Chị đang làm thủ tục xuất viện và 1 tháng sau sẽ quay lại bệnh viện tái khám".

Nhìn vẻ mặt và nụ cười tươi rói của chị Dung, không ai nghĩ chỉ 1 tháng trước đây thôi chị đã phải đối diện với tử thần.

Cuộc đời tái sinh của người phụ nữ bệnh tim từng xin về nhà chờ chết - 1

Đại diện phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội thay mặt trao số tiền bạn đọc Dân trí giúp đỡ tới gia đình chị Trần Thị Dung (Ảnh: Hương Hồng).

Chị Dung mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh nên cuộc đời chị từ thuở ấu thơ cho đến những năm tháng thanh xuân chỉ là những chuỗi ngày ốm đau quặt quẹo, triền miên…

Ở tuổi ngoài 50, chị Dung vẫn chưa lập gia đình. Không chồng, không con, người phụ nữ cô đơn mang trái tim lỗi nhịp sống lay lắt trong căn nhà nhỏ được chính quyền địa phương và bà con hàng xóm chung tay dựng lên.

Khoảng 2 tháng trước, nhiều lúc người phụ nữ cô đơn tưởng chừng không thể thở nổi với những cơn ho như xé họng kéo dài, cơ thể ngày một gầy yếu, gương mặt xanh xao, vàng vọt đã phát phù nề.

Dù đoán biết căn bệnh tim đã đến giai đoạn quá nặng, nhưng trong nhà không có nổi một đồng nên chị Dung đành cắn răng chịu đựng…, phó mặc mạng sống của mình cho số phận.

Chỉ đến khi chị đã kiệt sức ngất lịm đi, anh em, làng xóm xúm lại mỗi người một ít, cộng với tiền bán mấy chục cân thóc trước đó, tất cả được hơn 4 triệu đồng, người em trai ruột khẩn cấp đưa chị ra Hà Nội.

Cuộc đời tái sinh của người phụ nữ bệnh tim từng xin về nhà chờ chết - 2

Xoay xở đủ cách, anh em, họ hàng của chị Dung cũng chỉ lo được hơn 10 triệu đồng cứu người thân, nhưng số tiền cho ca phẫu thuật lên tới 80 triệu đồng (Ảnh: Hương Hồng).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Thế Kiên, khoa Nội 5, Bệnh viện Tim Hà Nội, khi đó cho biết, chị Dung bị hẹp van 2 lá khít, hở van 2 lá nhiều, hẹp khít 3 thân động mạch vành, rối loạn mỡ máu, suy tim.

Tình trạng của chị Dung lúc vào viện trong tình trạng rất nặng, đã suy tim, nếu không được phẫu thuật sớm sẽ có nguy cơ đột tử. Các bác sĩ hội chẩn, chị Dung cần phẫu thuật thay van tim (2 lá van) và bắc cầu chủ vành (cầu nối động mạch chủ và động mạch vành). Kinh phí dự kiến cho ca mổ tim của chị Dung vào khoảng 80 triệu đồng.

Từ sự tận tâm của đội ngũ y tế, từ sự chung tay của bạn đọc Dân trí, cuộc đời chị Dung được tái sinh

Ths.Bs Đinh Tiến Dũng, phụ trách phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, ngay sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết "Không có 80 triệu đồng mổ tim, người phụ nữ cô đơn xin về nhà chờ chết" , đã có rất nhiều người gọi điện chia sẻ, nhiều người đến bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân.

Chỉ sau 1 ngày bài viết được lên trang, tại bệnh viện chị Dung nhận được trực tiếp hơn 40 triệu đồng từ bạn đọc Dân trí. Ngày 9/4 chị Dung được phẫu thuật tim, ca mổ được đánh giá rất khó khăn do bệnh tình đã quá nặng. Nhưng nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công.

Cuộc đời tái sinh của người phụ nữ bệnh tim từng xin về nhà chờ chết - 4

Chị Dung cho biết giờ chị có thể đi bộ hàng giờ, làm việc mà không thấy mệt như trước (Ảnh: Hương Hồng).

Vui mừng đón nhận số tiền 219.778.815 đồng bạn đọc Dân trí giúp đỡ, anh Trần Tử Nhàn (SN 1968, em trai ruột chị Dung) nghẹn ngào nói:

"Gia đình em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn báo Dân trí và các bạn đọc, cảm ơn các y, bác sĩ, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã cứu sống chị gái em…".

Bạn đọc Dân trí chung tay tạo sinh kế lâu dài cho chị Dung

Ths.Bs Đinh Tiến Dũng chia sẻ thêm, với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như chị Dung, sự giúp đỡ kịp thời từ bạn đọc Dân trí là vô cùng quý báu. Chị Dung không những đủ tiền cho ca phẫu thuật, mà còn lại một khoản tiền đáng kể để tạo sinh kế sau này.

"Tính đến thời điểm hiện tại, bạn đọc Dân trí đã hỗ trợ chị Dung hơn 250 triệu đồng. Khoản tiền còn lại sau khi sau khi thanh toán viện phí, chúng tôi hướng dẫn chị chia làm 3 phần, 2 phần gửi tiết kiệm phục vụ việc thuốc men sau này, 1 phần dành phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống", Ths. Bs Đinh Tiến Dũng nói.

Cuộc đời tái sinh của người phụ nữ bệnh tim từng xin về nhà chờ chết - 5

"Bạn đọc Dân trí và bác sĩ đã tái sinh cuộc đời tôi", chị Dung xúc động nói (Ảnh: Hương Hồng).

Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Dung cho biết, chị sẽ nghe theo lời tư vấn của phòng Công tác xã hội. Số tiền bạn đọc Dân trí giúp đỡ chị sẽ dành phần lớn gửi tiết kiệm để phòng lúc ốm đau, cũng như duy trì việc khám lấy thuốc sau này.

"Chị sẽ dành 1 phần để mua đôi bò giống, việc chăm sóc bò nhẹ nhàng không quá vất vả phù hợp với sức khỏe của chị. Cặp bò sẽ sinh bê con, lúc đó chị cũng có thêm một khoản để cải thiện cuộc sống…", ánh mắt hấp háy, chị Dung vui mừng nói.

Tại sự kiện "Gala Nhân ái 2024: Hành trình 20 năm sẻ chia hy vọng, nâng bước tương lai", thông tin những đổi mới của Chương trình Nhân ái trong chặng đường sắp tới, Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh, cho biết, báo Dân trí mong muốn triển khai ngày càng nhiều hơn nữa những dự án mang tính chất cộng đồng cũng như mang lại giá trị bền vững.

Báo Dân trí luôn quan niệm hai hoạt động chính của Quỹ Nhân ái đều rất cần được chú trọng. Hai hoạt động này nếu nói một cách nôm na như nhiều người vẫn nói là cung cấp "con cá" và cung cấp "cần câu".

"Chúng tôi quan niệm cả hai khía cạnh "cần câu" và "con cá" đều quan trọng, không cái nào ít hơn. Một số người hay nói cung cấp "cần câu" sẽ tốt hơn nhưng chúng tôi cho rằng những hoàn cảnh đã quá cấp bách, quá nguy kịch, khẩn cấp về tính mạng, sức khỏe mà không được hỗ trợ, giúp đỡ thì có nêu vấn đề "cần câu" với họ cũng vô nghĩa", ông nói.

Thực tế cho thấy, báo Dân trí đã giúp đỡ được hơn 5.000 hoàn cảnh khó khăn như vậy và có thể nói rằng đã giúp họ đổi đời. Nhiều người đã vươn lên từ những sự giúp đỡ đó, trở thành người có ích cho xã hội nên ông Tuấn Anh cho rằng không chỉ khái quát bằng khái niệm "con cá", "cần câu". Cùng với đó, báo Dân trí không bao giờ xem nhẹ những dự án mang giá trị bền vững, giá trị cộng đồng, điều này cũng rất cần thiết.