Cụ bà 85 tuổi, mùa đông năm nay không sợ rét nữa rồi!
(Dân trí) - Cụ Lê Thị Hòa (85 tuổi) chưa bao giờ biết đến một mùa đông ấm áp. Cụ sinh được 3 người con thì đều bị tật nguyền do di truyền từ người cha nhiễm chất độc da cam. Chồng cùng 2 người con đã qua đời. Cụ một mình nuôi người con tật nguyền còn lại trong ngôi nhà rách nát, giờ được bạn đọc Dân trí xây tặng ngôi nhà, cụ mừng lắm!
Khi những cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông năm nay tràn về, cũng là thời điểm chúng tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo: “Năm nay hai mẹ con bà ấm áp lắm rồi con ạ!”. Thông tin ngắn gọn về hoàn cảnh cụ Lê Thị Hòa được bạn đọc Dân trí cùng các nhà hảo tâm chung tay xây tặng cụ căn nhà mà lòng chúng tôi cảm thấy dâng trào một niềm hành phúc.
Cụ Hoà là nhân vật trong bài viết: “Chan bát cơm đầy nước mắt, mẹ già 85 tuổi nghẹn ngào chăm con trai bị chất độc da cam”. Đã ở độ tuổi 85 nhưng cả cuộc đời cụ chưa bao giờ được nghe một tiếng gọi “mẹ ơi!” bởi các con của cụ sinh ra đều bị tật nguyền do di truyền từ người cha nhiễm chất độc da cam.
Cụ sinh tất cả được 3 người con nhưng 2 người đã mất. Chồng của cụ qua đời vào năm 2002, chỉ còn anh Đỗ Văn Sáng tật nguyền là còn ở lại với mẹ.
Anh Sáng sinh ra không được bình thường như bao người khác nên suốt mấy chục năm qua một tay cụ chăm bẵm con từ miếng ăn, giấc ngủ.
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề bởi mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào những đồng trợ cấp ít ỏi nên việc sửa sang lại mái nhà đã dột hay mua thêm tấm chăn ấm mỗi khi gió lạnh về, cụ đều không có tiền lo được.
“Nếu không có mọi người giúp đỡ, thì giờ làm sao 2 mẹ con có ngôi nhà mới này. Bà còn có cả giường mới, nệm mới và chăn ấm nữa. Mùa đông năm nay, bà không còn sợ gió lùa nữa rồi”- Cụ Hòa phấn khởi đón chúng tôi về thăm và dẫn đi vòng quanh thăm ngôi nhà mới xây.
Ngôi nhà của cụ Hòa có thiết kế đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh nên khá thuận tiện cho sinh hoạt của hai mẹ con. Vẫn dáng ngồi quen thuộc ở cửa nhà, anh Sáng lê la chỗ nọ, chỗ kia với chân tay co quắp nhưng ở ngôi nhà mới sạch sẽ nên nhìn anh không còn cảnh lấm lem bùn đất như ngày nào.
Cụ Hòa cho biết, từ ngày được mọi người giúp đỡ, sức khỏe của hai mẹ con cũng tốt lên vì ngoài đủ cơm ăn, cụ có tiền mua thuốc và mua cả sữa uống hàng ngày.
Nhớ lại quãng thời gian trước kia, khi mẹ con còn sống trong căn nhà cũ lụp xụp, cụ nghẹn ngào: “Cả cuộc đời bà ở đó, rồi thằng Sáng ở đó. Bà nghĩ sau này bà chết rồi cũng làm ma ở đó mà thôi, chứ có bao giờ mơ có nhà mới thế này đâu. Bà cũng không hiểu nhiều biết nhiều về hoạt động nhân ái của báo Dân trí, nhưng khi các cô về thăm thì sau đó rất nhiều người về nữa. Các anh các chị gọi bà là “mẹ”, và gửi thuốc, gửi sữa về cho bà…”. Kể đến đây, cụ nghẹn lại, sự xúc động hằn in lên đôi mắt đã già nua và nhăn nheo theo năm tháng.
Với cụ, những tình cảm quý báu ấy thật sự thiêng liêng và phần nào đó đã bù đắp được cho cụ. Không được nghe gọi tiếng “mẹ ơi!” trực tiếp từ đứa con dứt ruột đẻ ra nhưng cụ có thêm nhiều những người con khác. Chỉ cần nghĩ đến điều này thôi cũng đủ làm cụ vui và ấm lòng trong cái lạnh của mùa đông năm nay.
Câu chuyện cứ thế miên man với những kỉ niệm mà cụ nhớ như in trong đầu, từ việc có anh ở trên Hà Nội về mang tặng cụ chai dầu ăn, chai nước mắm, lọ thuốc… hay có chị ở Ninh Bình đã chở các con về thăm cụ rồi biếu chiếc áo ấm.
Lũ trẻ về, chúng gọi cụ là “bà ngoại” khiến cụ rưng rưng, hạnh phúc. Những lần về thăm ấy, cụ nhớ mãi không thôi và kể đi kể lại trong niềm vui giản dị của tuổi già.
Gửi lời cám ơn đến bạn đọc báo Dân trí, cụ bảo “biết ơn nhiều lắm lắm!” vì đã cho hai mẹ con cụ một cuộc sống mới đủ đầy hơn, sung túc hơn.
Mùa đông về rồi, đây là năm đầu tiên cụ mới thật sự cảm thấy ấm áp không chỉ bởi có chăn ấm, nệm êm mà trong lòng cụ vui bởi tình cảm của mọi người dành cho cụ. Cụ bảo sẽ cố gắng sống khỏe mạnh bởi Tết này còn có các con ở xã về với cụ nữa. Cụ mong lắm...!
Phạm Oanh