1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 284:

"Con xin lỗi hương hồn ba..."

(Dân trí) - Giảng dạy nơi đảo xa Lý Sơn nhưng chưa giây phút nào Lê Thị Kim Loan ngơi nghĩ về gia đình - nơi có bà nội, người mẹ lam lũ lúc tỉnh lúc mê và đứa em bị tâm thần. Những lúc ấy cô chỉ biết thầm nói lời xin lỗi hương hồn ba.

Cô giáo Lê Thị Kim Loan (SN 1984) dạy môn tiếng Anh trường THPT Lý Sơn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình cô giáo Loan hiện ngụ ở thôn Khánh Lạc, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Gia đình đại nạn.

Cô giáo có thân hình gầy gò, ốm yếu ấy vốn trưởng thành từ ngôi trường THPT Thu Xà (huyện Tư Nghĩa) trước khi bước vào ngưỡng cửa trường ĐH Nông Lâm TPHCM (khoa Ngoại ngữ). Chính nơi đây đã thắp sáng ước mơ của cô muốn giúp gia đình thoát nghèo. Thế nhưng, ước mơ ấy đã không trở thành hiện thực khi cô giáo Loan phải chăm sóc 3 người bệnh nan y và 2 đứa em trai đang tuổi đến trường.

"Con xin lỗi hương hồn ba..." - 1

Mẹ và bà của cô giáo Lê Thị Kim Loan

Nhắc đến gia đình nhỏ ấy, đôi mắt Loan lại rưng rưng, cô tâm sự: "Từ lúc em đi dạy ở đảo Lý Sơn, mẹ em mới phát bệnh. Gần 3 năm nay, ngày nào mẹ cũng bị ngất xỉu, lưng mẹ đau nhói mỗi khi cúi nhặt cỏ ngoài đồng. Em ở xa như thế này thì làm sao chăm sóc được mẹ".

Không chỉ lo lắng về bệnh tật cho mẹ, cô giáo Loan còn nặng gánh lo toan cho bà nội đã 78 tuổi và bốn em còn nhỏ dại. Trong đó em trai Lê Minh Phụng (27 tuổi) bị bệnh tâm thần, em gái Lê Thị Thu Kiều (SN 1988) hiện là thợ làm tóc ở TPHCM, em trai Lê Minh Hoanh (SN 1990, sinh viên trường ĐH Nông lâm TPHCM) bị bệnh động kinh và Lê Minh Hiệu (học sinh lớp 12 trường THPT Thu Xà, Tư Nghĩa).
 
Vừa đảm nhiệm vai trò là chị cả, vừa làm bố dạy bảo đàn em, vừa gánh vác mưu sinh cả gia đình, tất cả đều dồn lên đôi vai mảnh mai của Loan.
 
"Con xin lỗi hương hồn ba..." - 2

Cô giáo Lê Thị Kim Loan chưa lúc nào ngơi nghĩ về gia đình

Bà Đặng Thị Hồng Ngọc (52 tuổi, mẹ cô giáo Loan) kể về em Lê Minh Phụng: "Khổ cho thằng Ba, nó bị bệnh như vậy cũng vì gia đình quá nghèo khổ. Mùa hè năm lớp 6, Phụng theo người quen ở Mộ Đức đi vào Sài Gòn bán hủ tiếu, làm được vài ngày thì bị tai nạn. Thế nhưng chủ quán hủ tiếu giấu gia đình, để Phụng nằm viện hơn 1 tháng trời, tới khi sức khỏe bình phục thì họ mới đưa về nhà và cho biết sự thật. Song từ đó đến nay, Phụng như người bị tâm thần vậy, lúc tỉnh lúc mê".

Đúng là hình như sự trớ trêu cứ đeo bám mãi gia đình nghèo nàn, khốn khổ này. Tuổi thơ của Loan đã chịu nhiều thiệt thòi khi mất đi người cha thân yêu lúc cô mới học lớp 8.

"Con xin lỗi hương hồn ba..." - 3

Nhớ về cha, Loan ngậm ngùi kể: "Một mình ba nuôi cả gia đình 7 người, cả ngày ba cứ quần quật hết ruộng đồng lại đi làm thuê, em thương ba quá. Khi cả nhà phát hiện ba bị bệnh ung thư gan và đau lưng, thì ba chỉ còn cầm cự được một thời gian..."

Chồng vĩnh viễn ra đi, bỏ lại mái ấm nhỏ với mẹ già, người vợ tần tảo, 5 đứa con thơ nheo nhóc và gánh nợ tiền chạy thuốc thang. Để cứu vãn gia đình, đặc biệt là chuyện học của tụi nhỏ, bà Hồng Ngọc phải lặng lội vào TPHCM bán chè dạo, làm thuê bất kể công việc gì. "Dù có nghèo khổ như thế nào, tôi cũng cố làm chỉ mong con cái học đến nơi đến chốn", bà Ngọc nói.

Thoát cửa tử thần.

Câu chuyện về cô giáo Lê Thị Kim Loan ở đảo Lý Sơn được các bác sĩ nơi đất đảo thực hiện thành công ca mổ ruột thừa, là chuyện có lẽ đã được cả nước biết đến.

Ấy là vào tháng 11/2010, sau giờ lên lớp, Loan về căn phòng trọ sinh hoạt như mọi ngày. Khoảng 5h sáng ngày 16/11, Loan bỗng đau bụng dữ dội, những giáo viên cùng nơi trọ đưa Loan đến trạm xá. Bác sĩ nói phải mổ gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nhà trường thuê tàu cao tốc (10 triệu đồng vcho chuyến đi 1 chiều) để đưa Loan vào đất liền mổ gấp. Chuẩn bị lên tàu thì thời tiết trở gió bão dữ dội, lực lượng Biên phòng không cho tàu xuất bến.

Loan nhớ lại: "Lúc đó, em nghĩ chắc chết mất. Em chết thì còn ai lo cho bà nội, mẹ và 4 đứa em nhỏ dại. Trong cơn đau dữ dội đó, em chỉ biết cắn răng chịu đựng và thầm cầu trời".

Tình thế quá cấp bách và không còn sự lựa chọn khác, huyện đảo Lý Sơn quyết định thực hiện ca phẫu thuật tại Trung tâm y tế huyện. Rất may, ca phẫu thuật thành công, cô giáo "gieo chữ" trên đất đảo đã thoát cửa tử thần trong gang tấc.

Nhắc đến ngày nghe tin Loan phải mổ ở ngoài đảo Lý Sơn, mẹ Loan vẫn còn chảy nước mắt. Cụ Nguyễn Thị Ít (bà nội Loan) cũng tiếp chuyện: "Tôi già quá rồi, không thể đi đâu được. Khi nghe tin cháu Loan mổ ruột thừa, cả gia đình như nhốn nháo. Hay tin ban đầu, cháu Loan chuyển vào đất liền mổ, mẹ nó mặc áo mưa chạy lên bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Nhưng vì thời tiết, cháu Loan phải mổ ở ngoài đảo. Cháu thực hiện ca mổ, ruột gan tôi nhói đau, còn mẹ nó đội áo mưa chạy ngược chạy xuôi đến ngất xỉu nhiều lần. Cả gia đình chỉ biết cầu trời phù hộ thôi. May có hàng xóm giúp đỡ, chứ không mẹ nó cũng nguy".

Ông hàng xóm Đặng Quế than trời: "Gia đình con bé Loan thật tội quá, hết chuyện này đến chuyện nọ. Mà cả gia đình sống rất có tình có nghĩa ở xóm, ai cũng thương và giúp đỡ. Nói vậy chứ hàng xóm đâu có thể giúp đỡ cả đời được. Giá như cháu Loan được sống gần nhà thì gia đình sẽ an toàn và đỡ nhọc nhằn hơn".

Mái ấm cần trụ cột

"Trong các học trò, em Loan là học trò khiến tôi phải suy nghĩ và khâm phục nghị lực. Khi dạy em Loan ở trường THPT Thù Xà, tôi thấy em không bao giờ cười hay đùa giỡn với các bạn trong lớp. Em thường tranh thủ thời gian giải lao để học bài ngay tại lớp. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, tôi mới hay cuộc sống em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gánh chịu nỗi đau sớm mất cha. Đến ngày cầm giấy báo trúng tuyển đại học, gia đình vẫn không biết phải lấy gì cho em học. Và rồi, nghị lực đã thắp sáng niềm tin cho em như ngày hôm này. Nếu em Loan về dạy ở ngôi trường mà em đã từng học thì sẽ tốt cho cả nhà trường, gia đình và bản thân em ", thầy Lê Đình Trọng - giáo viên dạy môn Toán trường THPT Thu Xà tâm sự.

Nói đến cuộc sống của cô giáo Loan, đúng là khó có thể kể hết những chặng đường vượt khó của một cô gái ốm yếu, gầy mòn và thuộc gia đình nghèo nhất xã Nghĩa Hà. Để có thể thắp sáng hy vọng cho mái ấm không may mắn này, trong chặng đường còn lại của cuộc đời, Loan rất cần được tiếp thêm sức mạnh giúp cô nâng đỡ tinh thần, nghị lực. 
 
Phải gồng gánh trên vai trọng trách là trụ cột của gia đình, thế nhưng khoảng cách địa lý không thể làm cô giáo Loan yên tâm công tác. Vừa dạy vừa lo cho bệnh tình mẹ, vừa lo cho bệnh già của bà nội, vừa lo cho đứa em tâm thần, vừa lo cho việc học và dạy bảo đàn em nhỏ. Cuộc sống Loan đang vô cùng khó khăn như thế.
 
Hiện cô giáo Lê Thị Kim Loan đã giảng dạy hơn 3 năm tại đảo Lý Sơn, thuộc biên chế của Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi. Nếu không thể theo nghề giáo viên mà Loan yêu thích và cũng theo như tâm nguyện của ba, chắc em đành  xin lỗi hương hồn ba lần nữa! 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Cô giáo Lê Thị Kim Loan (SN 1984) hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh thuộc trường THPT Lý Sơn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

                                                                                      Hồng Long