1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Có phải vợ chồng em đang mơ?”

(Dân trí) - Ba con người - Ba tấm thân tật bệnh đã liều mình bước vào “hành trình thấm đẫm nước mắt”. Họ phải lạy lục xin tình thương của đồng loại với một và chỉ một ước vọng duy nhất: biến giấc mơ “con lành bệnh” trở thành hiện thực.

“Có phải vợ chồng em đang mơ?” - 1

Đại diện báo điện tử Dân trí trao quà nhân ái cho gia đình chị Phạm Thị Thuỷ
 
Từ một xã vùng cao chốn núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị, cả gia đình chị Phạm Thị Thuỷ dắt díu nhau ra Hà Nội với hai bàn tay trắng cùng ước vọng có một điều kỳ diệu sẽ đến với con. Ba con người trong một mái nhà mang ba nỗi đau tật bệnh. Chị Phạm Thị Thuỷ  mắc chứng dị tật cột sống. Chồng chị - anh Hồ Văn Duần bị mù từ bé. Đứa con đầu lòng - cháu Hồ Văn Diệu mới 8 tháng tuổi lại mắc bệnh u máu. Khối u xuất hiện ở mắt cháu cần được phẫu thuật gấp. Nếu không, nó sẽ sẽ lớn dần lên, che lấp và khiến cháu bị mù.

Quyết tâm chữa lành bệnh cho con khiến đôi vợ chồng nghèo chấp nhận một hành trình “liều mạng”. Không đủ tiền đi xe ra Hà Thành, nhiều lần anh chị bị đuổi xuống giữa đường. Không những thế, hai vợ chồng thường xuyên sống trong cảnh đành bấm bụng chịu đói. Chỉ có cháu Hồ Văn Diệu được “ưu tiên” “gặm” chiếc bánh mỳ khô khốc. Để có tiền tiếp tục cuộc hành trình, cả nhà phải lê lết ăn xin. Đặt chân lên đất thủ đô, ba tấm thân trở nên bạc phếch vì đói và mệt.

Còn chút sức lực, vợ chồng chị Thuỷ gắng gượng ẵm con đi tìm việc làm thuê. Nhưng, “không ai đi thuê hai kẻ tàn tật” dẫu anh chị tìm đến chùn chân, đỏ mắt. Thế nên, cả nhà chị buộc phải sống bám vào nghề ăn xin. Anh chị lang thang khắp các nẻo đường xin từng đồng để chữa bệnh cho con. Bao giờ chị cũng ẵm con đi trước, anh Duần đặt tay lên vai vợ, rồi lần theo từng bước. Ba chiếc bóng như dật dờ hoà vào nhau làm một.

 

“Có phải vợ chồng em đang mơ?” - 2

Chính quyền địa phương và bà con thôn Tà Núc đến chia sẻ niềm vui cùng gia đình chị Thuỷ
Đã làm “nghề tận cùng của xã hội” mà anh chị vẫn chẳng yên thân. Không biết bao lần đôi vợ chồng kham khổ bị cướp giật, lừa đảo… đến trắng tay. Mỗi lúc như vậy, cả nhà chỉ còn nước ôm nhau mà khóc. Thế nhưng, hành trình “gom nhặt đồng” lại bắt đầu một cách vội vàng ngay sau đó. Gom được ít tiền, hai vợ chồng đem cháu vào Bệnh viện Nhi trung ương chữa bệnh. Mỗi tháng, cháu Diệu phải tiêm hai mũi thuốc, một mũi lên đến 700.000 đồng. Đó là chưa kể một danh mục dài các loại thuốc nhất thiết cháu phải dùng, chế độ ăn uống cần thiết của bệnh nhân...

Ngày ngày lang thang khắp nẻo đường thủ đô để “xin tình thương của đồng loại”, tối đến, ba tấm thân tật bệnh lại chui vào căn nhà trọ lụp xụp ám mùi mốc. Chỉ trong giấc mơ, chị Thuỷ mới thấy con lành bệnh. Hàng ngày, chị chẳng dám nghĩ đến “giấc mơ cao sang” ấy. Hai vợ chồng tật nguyền chỉ cung cúc vừa bán vừa xin mong gom đủ tiền để lo từng viên thuốc, mũi tiêm, cái bỏ bụng… cho cháu.

Thế rồi, “giấc mơ cao sang” của chị Thuỷ đã trở thành hiện thực. Hoàn cảnh của gia đình chị được phản ánh trên báo điện tử Dân trí. Bài viết “Hành trình đẫm nước mắt của bé 7 tháng tuổi bị u máu” lay động trái tim rất nhiều độc giả. Gần như lập tức, những tấm lòng nhân ái khắp bốn phương đã “đau cùng nỗi đau của gia đình chị”. Họ gom góp giúp ba tấm thân tật bệnh vượt qua chuỗi ngày “thấm đẫm nước mắt”.

Ngày 9/9, đại diện báo điện tử Dân trí đến ngôi nhà sàn lụp xụp của gia đình chị Phạm Thị Thuỷ ở thôn Tà Núc (xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) và trao số tiền 66.623.600 đồng. Cầm “món quà của những tấm lòng vàng” trên tay, hai dòng lệ bỗng dưng tuôn rơi từ khoé mắt chị Thuỷ. Người mẹ trẻ nghẹn ngào nói: “Em chảy nước mắt lại rồi. Em chảy nước mắt vì mừng cho con em. Cháu được cứu rồi. Em cũng chảy nước mắt cho vợ chồng em. Những ngày sắp tới, có lẽ vợ chồng em chẳng còn phải sống trong cảnh ngửa tay xin từng đồng nữa. Có phải vợ chồng em đang mơ?”.

 

Tân Tuấn Hiệp

Dòng sự kiện: Cháu bé bị u máu