1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cô bé mồ côi ước mơ thành bác sĩ

(Dân trí) - Mẹ mất khi em còn chưa bỏ bú, bố cũng bỏ nhà đi, ba anh em phải sống nhờ nhà cậu. Rồi em cũng được Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn Đà Nẵng làng Hy Vọng đưa về nuôi và cho ăn học. Vượt lên hoàn cảnh, em đã cố gắng rất nhiều và luôn đạt học sinh giỏi.

Đó là cô bé Trần Thị Họa Mi, học sinh lớp 10, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.Đà Nẵng).

Họa Mi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo quê ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống khó khăn nên bố mẹ em đã nhiều lần lục đục, lời ra tiếng vào với nhau. Mẹ em trong một lần quá phẫn uất đã tự tử bỏ lại ba đứa con thơ dại chưa biết làm gì để tự nuôi sống mình. Bố em cũng bỏ nhà ra đi không đoái hoài gì đến mấy đứa con mình đứt ruột đẻ ra.

Thương ba đứa cháu côi cút, cậu Họa Mi đưa ba anh em về nuôi. Thương các cháu nhưng nhà cậu mợ cũng nghèo, không có tiền cho cháu ăn học. Anh và chị của Họa Mi phải nghỉ học đi làm thuê. Họa Mi may mắn hơn được nhận vào làng Hy Vọng. Cũng vì thế mà mãi lên chín tuổi Họa Mi mới được học lớp 1. “Ngày đến mới về trung tâm đêm nào em cũng khóc vì nhớ cậu mợ, nhớ anh chị”, Họa Mi nhớ lại.

Tuổi thơ của Họa Mi là những tháng ngày buồn tủi. Em không biết bố mình là ai mẹ mình là ai. Em cứ nghĩ cậu mợ là bố mẹ mình nên cứ gọi cậu mợ là bố mẹ. Mợ thương em, ôm em vào lòng và bảo mợ không phải là mẹ con. Đừng gọi mợ là mẹ mà có tội với mẹ con.

“Bạn bè cùng lứa tuổi với em thường chọc ghẹo em là đồ không cha, đồ không mẹ. Nhiều khi em cũng tủi thân lắm chị ạ”, Họa Mi ứa nước mắt. “Nhưng đó cũng chính là nghị lực để em học tốt hơn”, Họa Mi cho biết.

Từ khi được vào trung tâm, được đi học, Họa Mi chăm học lắm. Năm nào em cũng đạt học sinh giỏi trường và có đi thi cấp thành phố. “Thực ra em không phải là người thông minh. Để đạt được kết quả đó em đã phải cố gắng rất nhiều. Phải học thật giỏi để mọi người không còn khinh mình”, Họa Mi tâm sự.

Ở trung tâm các cô, các chú, các bạn ai cũng yêu quý Họa Mi. “Họa Mi là đứa chăm chỉ, chịu khó, lại ngoan nữa nên mọi ngưòi ai cũng mến em”, anh Phan Thanh Vinh - giám đốc trung tâm cho biết. Các em trong trung tâm hễ gặp bài toán nào khó, bài lý nào chưa nghĩ ra cách giải… đều đến nhờ chị Họa Mi giải dùm. Những lúc như thế Họa Mi giảng giải nhiệt tình cặn kẽ như đang kèm bài cho đứa em mình ở nhà.

Cứ đến hè và tết Nguyên Đán như bao đứa trẻ khác tại trung tâm, Họa Mi lại được về nhà. Ngôi nhà cậu mợ vẫn là mái ấm của em mỗi khi em trở về quê. Dù cậu mợ không cho em làm những việc đồng áng chỉ làm những việc vặt trong nhà thôi nhưng em không chịu. Hễ có dịp là Họa Mi lại xắn tay lên ra đồng làm cùng cậu mợ. “Cậu mợ chính là bố mẹ của em. Làm được gì đỡ đần cho cậu mợ thì em làm vậy thôi”, Họa Mi nhìn ra như đang ngóng về quê nhà.

Khi hỏi tôi hỏi em đã có ước mơ hay dự định gì cho tương lai chưa? Họa Mi nói với giọng quyết tâm: “Em muốn sau này trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cậu em và những người nghèo như gia đình em. Cậu em bị thương khi đi chiến tranh, mỗi khi lên cơn đau em thấy cậu vật vả tội lắm.  Em sẽ cố gắng và quyết tâm để ước mơ đó trở thành hiện thực”.

Khánh Hồng