1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chuyện về cô thí sinh nghèo có bố bị tai nạn

(Dân trí) - Ngày thi đại học cuối cùng, cũng là ngày người bố đưa con gái đi thi bị tai nạn bất ngờ. Với cô bé Trần Thị Bảo Yến, lần đầu tiên đi xa trong đời lại trải qua những giây phút khủng hoảng nhất...

Đôi mắt thâm quầng, môi khô nẻ, người phờ phạc vì suốt 3 ngày không được nghỉ ngơi. Bình thường đi xe đã bị say, ấy vậy mà 3 hôm nay Yến phải 4 lần chuyển viện cùng người bố bị tai nạn. Túc trực bên ngoài phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, cô học sinh 18 tuổi ấy dõi mắt theo đầy nỗi lo lắng. Lần đầu tiên em đi xa như vậy, hồi còn ở quê nơi đi xa nhất của em chỉ là TP Vinh (Nghệ An) cách nhà 100 km. Thế mà…

 

Yến rơm rớm kể lại: “Khi hay tin, các anh chị sinh viên đưa xuống bệnh viện, bác sĩ báo một trong hai người đã chết. Lúc ấy em thật sự hoảng loạn. Tội nhất là con chú Toàn, khi hay chú mất, bé cứ nhìn lên núi mà bảo rằng “bố em đang ở trên đó”. Nhà chú vào đây làm kinh tế mới cũng nghèo lắm, mọi người phải quyên góp tiền để đưa chú ấy về quê (Nghệ An)”.

 

Quê Yến ở tận Tân Kỳ, một huyện miền núi khô cằn của tỉnh Nghệ An. Gia đình có 5 miệng ăn nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Bố Yến từ mấy năm trước sức khỏe đã yếu, nên ít làm việc nặng thế nên mọi việc trong nhà đều gánh lên đôi vai của mẹ. 3 sào ruộng, mỗi năm làm được chỉ 2 vụ ấy vậy mà không phải lúc nào cũng được mùa. Lúc khá nhất cũng chỉ thu hoạch được 1 tấn thóc còn khi mất mùa cũng chỉ được 7 tạ. Nhiều lúc túng thiếu, cũng bán đi hết, không dành được bao nhiêu thóc trong nhà.

 

Chuyện về cô thí sinh nghèo có bố bị tai nạn   - 1

Yến bần thần khi biết tin bố gặp tai nạn.
 
Những lúc nông nhàn, mẹ Yến tranh thủ đi làm thuê, trồng cây, cuốc cỏ cho người ta mỗi ngày cũng được 50.000 đồng, nhưng việc làm cũng chỉ được buổi đực buổi cái. Là chị lớn trong nhà, thấy bố mẹ vất vả nên hồi học cấp 2, cứ một buổi đến trường xong Yến lại cắp giỏ ra chợ bán. Khi thì ít quả trong vườn, chục măng, quả bầu, bí kiếm đồng ra đồng vào phụ mẹ. Lên cấp 3 thì những buổi ra chợ thưa hẳn vì lịch học dày quá, chỉ lúc gần tết là đi bán thêm được, nhưng cũng chỉ kiếm được một ít mấy ngày tết.

 

Mẹ là lao động chính trong nhà nên đợt thi rồi, bố được dành phần đưa em đi thi. Trước ngày vào đây, mẹ chạy vạy mãi mới vay được 2 triệu đồng của người bà con. Tiền vé xe khách vào Lâm Đồng cũng mất hết 640.000 đồng. Hai bố con cứ tưởng nhà xe bao ăn không ngờ cứ mỗi buổi ăn quán tính đến 30.000 đồng/người. Khi vào tới nơi, tiền xe cộ, đi lại, ăn uống mất hết 900.000 đồng. Còn lại 1,1 triệu, bố giữ 500.000 còn lại đưa em hết. Em may mắn được giới thiệu vào ở trọ cùng một chị sinh viên với giá 50.000 đồng/ngày. Ngày đầu vào, hai cha con đi chợ mua đồ về nấu ăn cho rẻ nên cũng không tốn nhiều. Sau đó, bố về Lâm Hà ở chỗ chú Toàn để hỏi xem chuyến xe về Vinh vì nghe nói rẻ hơn đến gần 200.000 đồng. 

 

Còn nhớ trước lúc đi mẹ cứ động viên và dặn: “Khi đi thi nhớ cẩn trọng và cố gắng làm bài tốt”. Không ngờ tai nạn lại bất ngờ thế.

 

Lúc tai nạn, trong ví bố còn 500.000 sau này công an trả ví lại mới có tiền đóng viện phí cho bố ở Bệnh viện Đức Trọng (Lâm Đồng). Số tiền em còn giữ lúc chuyển lên Bệnh viện Đà Lạt cũng hết sạch. Ở trên ấy bác sĩ cho biết bố bị nát xương đùi khá phức tạp phải chuyển xuống bệnh viện ở TPHCM. Rồi các anh phóng viên ở trên Đà Lạt biết hoàn cảnh đã liên hệ làm thủ tục nên không mất đồng nào. 

 

Nhưng khi chuyển xuống bệnh viện ở TPHCM chắc cũng tốn nhiều tiền, các anh chị sinh viên quyên góp một ít cũng được 750.000 đồng. Cũng may trong lúc hoạn nạn cũng có nhiều người tốt giúp đỡ khi nghe tình cảnh của em. Số tiền các mạnh thường quân giúp đỡ cũng được khoảng 4 triệu. Thủ tục nhập viện vào BV Chấn thương chỉnh hình cũng đã ngốn gần hết số tiền ấy, giờ họ lại chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy vì phát hiện trong bụng bố bị chấn thương khá nặng.

 

Tiền được hỗ trợ thì cũng gần hết, ngoài quê mẹ em nghe tin đã bắt xe vào đây. Ruộng ở nhà thì mới sang vụ hè thu làm gì còn thóc để bán. Ở ngoài quê, xoay xở được 7-10 triệu là nhiều lắm rồi nhưng không biết bấy nhiêu đó có đủ phí phẫu thuật cho bố không nữa.
 
Nhà khó khăn là vậy nhưng mấy chị em nhà Yến đều cố gắng học. Khi học cấp 2, năm nào em cũng được học sinh tiên tiến. Đáng nhớ nhất là năm lớp 9, được trường cử đi thi học sinh giỏi môn sử cấp huyện. Từ nhỏ em mơ ước trở thành cô giáo nhưng kể từ khi lên cấp 3, em thấy ở quê có nhiều vụ kiện tụng mà nhiều người dân bị tổn thất. Kể từ đó, em quyết học luật để tìm hiểu luật pháp. 
 

Nhà em nghèo nên em nghĩ nếu vào đại học thì sẽ vay thêm tiền nhà nước hỗ trợ cho sinh viên nghèo, rồi kiếm việc gì đó làm thêm. Chắc là sẽ đỡ phần nào chi phí của bố mẹ. Hôm thi rồi em nhẩm tính chắc cũng được 15,16 điểm (năm ngoái điểm chuẩn ngành Luật của ĐH Đà Lạt chỉ 14 điểm), cứ định khi gặp bố sẽ khoe ấy vậy mà…

 

 Phương