1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chuyện tiếp về hai ông bà cụ “không chốn nương thân”

(Dân trí) - Cả hai ông bà cụ cứ luôn miệng nhắc tới nhắc lui, ví mình như chuối chín trên cây, rụng ngày nào chẳng biết. Nhưng hai ông bà một mực nhất quyết không chịu về ở với những đứa con trai bất hiếu - những đứa con mà ông bà đã kỳ vọng rất nhiều…

Câu chuyện về hai ông bà cụ ở tuổi gần đất xa trời, có 7 đứa con nhưng vẫn phải ở nương nhờ đình làng khiến chúng tôi không khỏi xốn xang, lập tức tìm đến thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngay trong sáng sớm. Vẫn như thường lệ, gặp khách lạ, cụ ông lẫn cụ bà đều xưng “cháu” với khách dù tuổi của hai người đều ở ngưỡng trên của thượng thọ.

7 năm nương nhờ cửa đình

Cụ ông Nguyễn Văn Quý năm nay đã 82 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng xem ra vẫn còn tinh nhanh lắm. Cụ bà Nguyễn Thị Chén kém cụ ông 4 tuổi, tuy đi lại không được hoạt bát như cụ ông nhưng mắt vẫn tinh, tai vẫn thính, miệng liên tục xưng cháu với tôi khiến tôi cứ ngài ngại trước lối xưng hô ngược đời của hai ông bà.

Ngồi nói chuyện với hai ông bà một hồi lâu, rồi tôi cũng dần hiểu vì sao từ ngày ra ở nương nhờ đình làng, ông bà gặp ai cũng xưng cháu dù tuổi của hai người gấp mấy lần khách. Nỗi lo lắng chẳng may mình có gì không phải sẽ bị người ta không cho ở nhờ trong đình làng là nguyên nhân sâu xa khiến ông bà phải khép mình trong khiêm nhường, pha chút sợ hãi.
 
Chuyện tiếp về hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 1

Cụ bà Nguyễn Thị Chén phân trần với mọi người về 7 năm nương nhờ ở đình làng, dù xung quanh cụ vẫn có những đứa con khá giả
Nhìn hai ông bà cụ ngồi co ro trong góc giường, tôi vừa thương vừa căm phẫn về những đứa con bất hiếu khi nhẫn tâm, cạn tình đẩy hai ông bà rơi vào cảnh của người vô gia cư. Ở cái tuổi lẽ ra được con cháu cơm bưng nước rót, phục vụ tuổi già thì ông bà phải dắt díu nhau ra ở nhờ trong căn phòng tăm tối, chật chội chỉ tầm 12m2 ở đình làng.
 
“Tuổi trẻ chúng tôi cực khổ gom góp để kiếm được miếng đất, làm được căn nhà, vậy mà cuối cùng lại bị chính những đứa con đẻ nó hắt hủi, giờ chẳng còn chốn nào mà dung thân”, cụ Quý đưa ánh mắt buồn nhìn qua cánh cửa hẹp, nói trong nỗi buồn trĩu nặng.
 
Cụ Quý và cụ Chén lấy nhau sinh được cả thảy 7 người con, 3 trai và 4 gái. Cuộc sống khó khăn, vất vả không làm ông bà nản chí, chỉ với hi vọng con cái nên người, có cuộc sống “khá hơn bố mẹ nó”.
 
Từ cảnh phải đi ở đợ, hai ông bà cũng gom góp kiếm được tiền mua đất, dựng nhà, có cả vườn rau ao cá làm kế sinh nhai. Những đứa con lần lượt lớn lên trong sự chắt chiu, cần mẫn của bố, của mẹ.

“Vậy mà lúc chúng nó khá nhất, chúng lại quay ra bạc đãi mình. Thuở đời nhà ai lại có con kề dao vào cổ bố, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vào mẹ. 7 năm nay ngoại trừ đứa con gái út, chẳng có đứa nào còn biết bố mẹ chúng sống chết ra sao nữa”, cụ Chén ngậm ngùi kể.

Người con trai trưởng của hai cụ tên là Nguyễn Văn Trượng, năm nay tầm 50 tuổi, cũng là đứa con trai tệ bạc nhất trong 7 đứa con.
 
“Tôi nuôi nấng nó từ nhỏ, cũng thương nó nhất nhà. Có đồng nào tằn tiện được cũng đưa cho nó hết, nào có tiếc cái gì đâu. Vậy mà…”, cụ Quý thở dài nói về đứa con trai cả của mình.
 
Năm 2006, sau khi được cụ Quý sang tên sổ đỏ, Trượng trở mặt hắt hủi hai người. Vợ chồng Trượng hết đay nghiến đến đánh đập, dùng đủ mọi cách để khiến ông bà thấy căn nhà mình đang ở không khác gì tù ngục, buộc phải dứt áo ra đi.
 
“Chúng tôi lánh nạn sang đứa con trai út là Nguyễn Văn Đại thì chỉ được mấy hôm nó cũng kiếm cớ đuổi chúng tôi đi. Nó bảo tại tôi không chia tài sản gì cho nó, nên nó cũng chẳng có việc gì phải… nuôi chúng tôi”, ông Quý phân tình.

Ông bà Quý còn một người con trai nữa, nhưng đi làm ăn kinh tế xa lại có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nên xem như không nhờ vả được. Bốn cô con gái của ông bà Quý thì hai cô đi lấy chồng xa, hai cô còn lại ở gần làng dù thương bố mẹ nhưng lực bất tòng tâm khi chạy cơm từng bữa còn chưa đủ no.

Chắc số chúng tôi do trời phạt

Ấy vậy mà cũng đã 7 năm, kể từ khi ông bà ra nương nhờ trong căn phòng nhỏ hẹp của đình làng. Ở lâu đến nỗi, dân làng thậm chí cứ đinh ninh đình làng Đồng Lư chính là nhà của hai ông bà cụ, nếu như không thi thoảng đi ngang ngôi nhà của các con trai mà ông bà rứt ruột đẻ ra.
 
Có điều, 7 năm qua chưa một lần những đứa con trai hay con gái (ngoại trừ cô con út nghèo khó nhất) đặt chân vào xem căn phòng mà đấng sinh thành đang ở tạm.
 
Lúc này, tôi mới để mắt nhìn những vật dụng trong phòng hai ông bà cụ. Một chiếc quạt máy đã bay mất nắp, mỗi lần chạy thì kêu rè rè như anh chàng ca sỹ bị viêm họng. Một chiếc tivi đen trắng bé như bàn tay với những nét hình giật liên hồi. Vài cái nồi nhỏ để nấu ăn kê trong góc cùng, phía trên là cái sào tre có chức năng như một cái tủ cất quần áo.
 
Chuyện tiếp về hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 2

Góc bếp lạnh lẽo vì hai cụ vẫn có thói quen nhịn bữa ăn sáng

Nghe tôi hỏi “thế hai cụ nấu cơm ở đâu ?”, cụ Chén lại lọ mọ nhổm khỏi giường dẫn tôi ra cái bếp được quây bằng những thanh nứa. “Còn tắm giặt thì chúng tôi ra ngoài vườn. Khổ, già rồi thì có ăn mấy đâu, tắm mấy đâu”, cụ Chén cười bảo. Nụ cười của cụ pha chút chua chát, lại pha chút mằn mặn. Và ắt hẳn không thiếu cả vị đắng cay.

Cụ Quý và cụ Chén mỗi ngày chỉ ăn có hai bữa là trưa và tối, còn bữa sáng thì nhịn. Chất lượng bữa cơm cũng phiêu diêu tùy theo việc đánh bắt cá ngoài đồng của cụ ông, hoặc việc trồng rau, nuôi gà của cụ bà. Được cái, 7 năm qua dù ở tuổi 80 nhưng cụ Quý không một lần đau ốm, thậm chí còn khỏe hơn cả đám thanh niên công tử.
 
Chuyện tiếp về hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 3

Hai ông bà cụ hàng ngày giải trí bằng cái tivi cũ mèm, bé như bàn tay
 
“Mỗt ngày tôi quẩy hai thùng nước đi một cây số để tắm giặt, nặng cũng gần 40 cân ý chứ. Giờ tôi cũng yếu đi rồi, chứ thời trai trẻ chẳng mấy ai bằng được đâu”, cụ Quý vui vẻ khoe sức khỏe của mình.
 
Tôi biết điều cụ nói không hề ngoa, bởi chỉ riêng mình cụ lo cho 7 miệng ăn, lo việc nhà cửa cho những đứa con trai, không phải chỉ có nghị lực mà còn cả sức khỏe dẻo dai.
 
“Nhưng mà cứ ở thế này mãi sao được hả cụ ? Rồi mùa đông rét mướt sắp đến, rồi lúc trái gió trở trời, mình hai cụ ở trong phòng này nhỡ may có chuyện gì biết kêu ai ?’, tôi hỏi trong lo lắng.
 
Phải một lúc lâu, cụ Quý mới trả lời tôi bằng cái câu quen thuộc: “Tuổi già như chuối chín trên cây, biết khi nào rụng hả anh. Có lẽ số tôi với bà nó là do trời phạt, anh à’.

Những câu hỏi không lời giải đáp

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, cụ ông Nguyễn Văn Quý và cụ bà Nguyễn Thị Chén trong suốt 7 năm nương nhờ ở đình làng được trả công 20 kg thóc/tháng, tương đương khoảng 70.000 đồng. “Ngoài ra hai cụ còn được chế độ dành cho người cao tuổi 250.000 đồng/tháng, xã cũng tạo điều kiện cho hai ông bà ở đây, và cũng đã bao nhiêu lần vận động, hòa giải mối mâu thuẫn giữa con cái với hai ông bà cụ mà bất lực rồi ý chứ”, chị Nguyễn Thị Khanh, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang chia sẻ khi cùng chúng tôi ghé thăm hoàn cảnh hai cụ.

Trưởng thôn Đồng Lư Vương Duy Hùng cũng lắc đầu ngần ngại khi nói về những lần vận động, hòa giải mối mâu thuẫn gia đình của ông bà Quý. “Tôi chưa thấy ai sống khép kín như anh Trượng, con cả của cụ Quý. Ở cái làng này anh chẳng chơi với ai, cửa khi nào cũng đóng im ỉm. Có lần anh kéo máy tuốt lúa lên triền đê, dù nặng vậy nhưng anh cũng một mình dích dắc kéo, chẳng mở miệng nhờ ai kéo giúp. Anh cũng cấm tiệt vợ con được tiếp xúc với ông bà, nên mối mâu thuẫn gia đình ngày càng lớn”, anh Hùng cho hay.
 
Chuyện tiếp về hai ông bà cụ “không chốn nương thân” - 4

Đại diện lãnh đạo xã Đồng Quang trao số tiền 2.000.000 đồng do bạn đọc Dân trí ủng hộ cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén

Cũng theo anh Hùng, anh Nguyễn Văn Đại, con trai út của hai ông bà Quý thì lấy lý do ông bà “bỏ rơi” anh, không chia tài sản cho anh mà cho hết con cả, lại bị đưa ra khỏi họ tộc nên trách nhiệm với ông bà cũng không khác gì người dưng nước lã. “Thế ai mang nặng đẻ đau, thế ai nuôi khôn lớn, thế ai dựng vợ gả chồng ?”, tự dưng tôi cay cay mà thốt lên. Đáp lại câu nói của tôi là nụ cười méo xệch của ông bà Quý. “Có cha mẹ nào nuôi con mà kể công đâu hả anh ?”, anh Hùng đáp.

Ngày 6/10, trước hoàn cảnh đáng thương của hai cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén, Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã đến thăm và tặng phần quà gồm 50 cân gạo, một thùng mì tôm, các vật dụng chăn màn cần thiết để hai cụ “ấm áp” hơn khi mùa đông đã cận kề. Ngoài ra, một bạn đọc Báo điện tử Dân trí đã ủng hộ hai cụ số tiền 2.000.000 đồng để vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt.

Chị Nguyễn Thị Khanh, Chủ tịch UBND xã lúc này mới đặt vấn đề, rằng nếu những đứa con chấp nhận đón bố mẹ về ở thì hai ông bà có đồng ý không. “Dù sao cũng nước mắt chảy xuôi, đừng để mâu thuẫn gia đình ngày càng lớn cụ à, thôi thì hai cụ bỏ quá cho chúng nó mà sum vầy về với gia đình”, chị Khanh nói.

“Nào chúng tôi có phải chấp nhặt đâu, đã bao lần chúng tôi trở về rồi ấy chứ, mà chỉ được có ba bảy hăm mốt ngày rồi phải sống trong cảnh nơm nớp lo bị con đánh, bị dao kề cổ, bị chửi rủa thậm tệ. Thôi thì cứ cho chúng tôi nương nhờ ở đây, chúng tôi già rồi rụng ngày nào chẳng hay. Nếu có chết xin hãy chôn chúng tôi trong cái quan tài làm bằng gỗ lấy từ cái bàn này”, cụ Quý nói rồi đưa tay chỉ vào cái bàn gỗ ở góc phòng. Dường như đó là gia tài duy nhất cụ còn lại để tự lo cho mình, mà nói như cụ ngộ nhỡ có chết cũng không phải “quấn manh chiếu rách chôn chay ngoài đồng”.
 
Xem thêm về hình ảnh hai ông bà Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén đang sống nương nhờ ở đình làng thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội:
 
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Bà Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén (đang sống nương nhờ ở đình làng): thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0451 001 944 487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Sông Lam