Quảng Ngãi:
Chuyến đi biển định mệnh đẫm nước mắt
(Dân trí) - “Ba có biết bơi đâu, vậy mà ba cũng cố đi biển. Chuyến biển lần này là lần cuối cùng em mãi vắng bóng ba. Nếu có điều ước mong thời gian quay ngược trở lại, em sẽ năn nỉ ba không đi mãi như thế…”
Trong căn nhà cấp 4 ẩm mốc, dòng người quê nhà lần lượt đến viếng tang, thắp nén hương tiễn đưa ngư dân xấu số Trần Xuân Dương (50 tuổi). Ông Lê Khuân – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn) nói: “Ở xóm làng, chúng tôi hay gọi là Đông, còn trong giấy tờ tên là Trần Xuân Dương. Về hoàn cảnh gia đình, anh Dương có số phận không trọn vẹn khi vợ cùng 3 con ra ở riêng. Dương sống cùng mẹ già 75 tuổi, sức khỏe đang dần yếu đi”.
Mặc dù không biết bơi, ngư dân Trần Xuân Dương vẫn dũng cảm bám biển khơi xa. Trong chuyến đi lần cuối, tàu cá QNg 96180-TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm rất nhanh, kéo theo anh Dương xuống đáy đại dương trên biển Đông.UBND xã và Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh hỗ trợ gia đình ngư dân Trần Xuân Dương.
Ông Lê Khuân khẳng định: “Cho đến sáng ngày hôm nay (29/5), mọi nỗ lực tìm kiếm xác anh Dương vẫn bế tắc. Đồng thời, Dương không biết bơi nên khả năng tử vong rất cao. Từ ngày hôm kia, gia đình đã lập bàn thờ rồi”.
Trong 3 người con (2 trai và 1 gái), ngư dân Dương luôn dành sự quan tâm, yêu thương đến cô con gái duy nhất – em Trần Thị Ái Vy (21 tuổi), mặc dù Vy ở riêng cùng mẹ nhưng em vẫn luôn bên cạnh chăm sóc ba cùng bà nội.
“Ba có biết bơi đâu, vậy mà ba cũng cố đi biển. Chuyến biển lần này là lần cuối cùng em mãi vắng bóng ba. Nếu có điều ước mong thời gian quay ngược trở lại, em sẽ năn nỉ ba không đi mãi như thế nữa. Chúng con đang cố gắng hàn gắn tình cảm giữa mẹ và ba, khi gần thuận lòng thì ba mãi mãi không trở về bên gia đình”, đôi mắt Vy dần đỏ hoe và tuôn trào nước mắt khi kể về người cha luôn hết lòng yêu thương mình.
Hiện nay, em Trần Thị Ái Vy đang là sinh viên năm 1, Khoa Kinh tế thuộc trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). Còn anh trai lớn Trần Quân Hoa (27 tuổi) đang làm việc ở Quy Nhơn (Bình Định), em trai Trần Quân Nhật (17 tuổi) đang học lớp 10 trường THPT Lý Sơn. Là người dân trên đảo Lý Sơn, bà Nguyễn Thị Sử (51 tuổi) – mẹ em Vy không mưu sinh nhờ ruộng tỏi, hành bấp bênh mà mở quán bán tạp hóa, đây chính là nguồn thu nhập chính lo cho các con anh Dương ăn học.
Từ lúc nghe hung tin, bà Nguyễn Thị Xê (75 tuổi) – mẹ ngư dân Dương luôn thẫn thờ nhìn ra biển, rồi bà rưng rưng đôi mắt ở tuổi xế chiều. Khi PV Dân trí đến nhà thăm và viếng tang vào ngày 28/5, bà Xê chỉ biết úp mặt vào gối thút thít và nằm mãi trên giường vì sức khỏe suy giảm.
Cũng trên chuyến biển định mệnh đó, gia đình ngư dân Đặng Dùm (56 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, Lý Sơn) gánh chịu nỗi mất mát rất lớn, khi ông Dùm tử vong trên vòng tay các ngư dân đi cùng và chiếc tàu cá QNg 96180-TS chìm xuống biển.
May mắn hơn hoàn cảnh ngư dân Trần Xuân Dương, 6 người con trai của ngư dân Đặng Dùm đã dần trưởng thành. Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần lại đè lên vai vợ cùng các con, khi bị mất toàn bộ con tàu, tài sản (ngư lưới cụ và trang thiết bị), phí tổn ước khoảng 700 triệu đồng và khoản nợ trước đó.Chính quyền và Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh đến viếng tang ngư dân Đặng Dùm.
Anh Đặng Phê – con trai trưởng của ngư dân Đặng Dùm, cho biết: “Ba mất rồi, cả gia đình như mất tất cả theo ba. Mấy anh em đã có gia đình riêng, ba mẹ không còn lo lắng nhiều cho con cái nữa. Thấy ba đã lớn tuổi rồi, anh em chúng tôi khuyên ba nghỉ nghề biển, ở nhà buôn bán cùng mẹ cho khỏe, rồi con cái phụ giúp hàng tháng để an dưỡng tuổi già. Khuyên mãi thì ba bảo đi 1 năm nữa rồi nghỉ, giao lại cho con cái. Đây là chuyến biển cuối cùng mà ba đã “sinh nghề tử nghiệp” với nghề biển”.
Qua trao đổi với gia đình bên bàn thờ ngư dân Đặng Dùm, PV Dân trí mới xác định chắc chắn, người con đi cùng ông Dùm khi xảy ra sự việc bị đâm chìm tàu cá, đó là anh Đặng Lễ - em kế sau anh Đặng Phê.
Ngư dân Đặng Lễ bày tỏ: “Sau khi lo mai táng ba hoàn thành, tôi cố gắng vay mượn tiền để sắm mới tàu và tiếp tục theo nghiệp ba đã dạy bảo tôi lâu nay. Cầu mong linh hồn ba phù hộ, tôi hi vọng sớm kiếm tiền trả hết nợ nần cho gia đình”, dứt lời anh lại đến bên bàn thờ lạy đáp lễ khách đến viếng tang.
Trước nỗi đau mất mát của gia đình ngư dân Đặng Dùm và Trần Xuân Dương, trong ngày 28/5, PV Dân trí trực tiếp đến nhà gia đình 2 ngư dân trên, kịp thời hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng từ Quỹ "Tiếp sức ngư dân bám biển" do bạn đọc ủng hộ qua Báo Dân trí để lo mai táng và vượt qua khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, chính quyền và Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh cũng đã đến viếng tang, hỗ trợ đến gia đình 2 ngư dân trên.Ông Lê Khuân - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (bìa trái) thay mặt địa phương trao quà hỗ trợ của Báo Dân trí đến anh Đặng Phê - con ngư dân Đặng Dùm.
Với nguồn hỗ trợ do bạn đọc ủng hộ qua Báo Dân trí, phần nào giúp gia đình ngư dân Trần Xuân Dương vượt qua khó khăn trước mắt.
Cũng trong ngày 28/5, thay mặt Báo Dân trí, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp trao tặng 20 triệu đồng đến gia đình chị Lê Thị Mai (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có chồng và 2 con trai bị mất tích từ ngày 13/10/2013 đến nay, khi gặp cơn bão số 11 trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
Đại diện Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi (phải) trao 20 triệu đồng đến chị Lê Thị Mai.
Hai ngư dân trên đã bỏ mạng trên biển, vì tàu Trung Quốc đe dọa và đâm chìm là sự việc điển hình với hành động “vô nhân tính”. Nỗi mất mát cả người lẫn tài sản, không thể nguôi ngoa khi lòng căm phẫn đang “dậy sóng” vì hành vi ngang ngược, hung hăng từ phía các tàu Trung Quốc thời gian qua. Đằng sau nỗi đau, gia đình những ngư dân rất cần sự động viên, giúp đỡ để thế hệ sau tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.