Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ

(Dân trí) - Bạn đọc hẳn chưa quên hàng trăm em học sinh Bắc Giang ngày ngày ùa xuống bến đò, tay vác mái chèo. Hành trình vượt hồ tìm chữ của các em từ nay đã bớt nhọc nhằn hơn nhờ những nghĩa cử không thể diễn tả hết bằng lời của các nhà hảo tâm.

(Video: Vận hành thử thuyền chở các em học sinh qua sông)
 
Những tấm lòng nhân ái chưa kịp nhận lời cảm ơn!
 
Sáng 17/4, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng Ban tuyên truyền Hội Khuyến học Việt Nam thay mặt bạn đọc quỹ “Tấm lòng nhân ái” báo điện tử Dân trí đã trao tặng các em học sinh trường Tiểu học Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) một con thuyền máy chống lật trị giá 80 triệu đồng và 20 chiếc cặp phao.
 
Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ - 1

Đại diện báo điện tử Dân trí trao tặng con thuyền máy chống lật cho trường tiểu học Sơn Hải. (Ảnh: H. Ngân)

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ hẹp của trường Tiểu học Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Thanh Sơn cho biết, sau khi báo điện tử Dân trí có bài phản ánh về tình hình các em học sinh của trường cấp 1, 2 xã Sơn Hải vượt hồ tìm chữ rất nguy hiểm, nhà trường đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Sở GD-ĐT cũng đã trao 20 chiếc giường cho các em học sinh để các em có điều kiện học bán trú tại trường, giảm bớt phần nào chuyện các em tự đi học bằng những con thuyền cũ nát, tránh những rủi ro đáng tiếc.

Được biết, ngày 15/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đăng Khoa cũng đã trao tặng cho các em học sinh và các thày, cô giáo trong trường Sơn Hải 8 tạ gạo.
 
Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ - 2

Các em học sinh trường tiểu học Sơn Hải vui mừng đón nhận con thuyền máy bằng một làn điệu hát Then của người Tày. (Ảnh: H. Ngân)

Thày giáo Nghệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hải, bùi ngùi nói: “Vừa qua các em học sinh trường cấp 1, 2 đã nhận được hơn 1 nghìn áo phao, cặp phao của các nhà hảo tâm trao tặng. Có rất nhiều người đi xe máy từ Hà Nội lên trao quà, họ mang theo những chiếc bánh mì, cơm nắm làm đồ ăn dọc đường. Khi chúng tôi còn đang loay hoay chưa kịp mời nhau được một hớp nước họ đã vội vã chào về, cũng không để lại địa chỉ”.

Thày giáo Nghệ áy náy muốn thông qua báo Dân trí xin gửi tới các nhà hảo tâm lời cảm ơn chân thành nhất.

Hạnh phúc vỗ theo từng nhịp sóng

Tiếp nhận con thuyền máy chống lật của quỹ “Tấm lòng nhân ái” báo điện tử Dân trí trao tặng, tất cả các em học sinh trường tiểu học Sơn Hải như vỡ òa trong niềm hạnh phúc - ước mơ có một con thuyền máy đưa các em học sinh đi học của thày và trò trường tiểu học Sơn Hải giờ đã trở thành hiện thực.
 
Chắp cánh ước mơ vượt hồ tìm chữ - 3

Chuyến đò đầu tiên chở các em học sinh trường tiểu Sơn Hải trong niềm vui sướng. (Ảnh: H. Ngân)
 
Chuyến đò máy đầu tiên cành cạch rẽ sóng, nhưng mỗi chuyến đò cũng chỉ đủ để đưa hai chục em học sinh trường Sơn Hải về với gia đình buổi trưa nay. Ở Sơn Hải vẫn còn hơn 200 em học sinh khác ngày ngày vẫn phải chèo lái những còn đò độc mộc tiếp tục vượt hồ tìm chữ, trong lòng nặng trĩu ước mơ làm chủ nhân đất nước trong tương lai.

Nếu ai đó một lần đặt chân tới khu vực lòng hồ Cấm Sơn của xã Sơn Hải thì phần nào sẽ hiểu được câu chuyện, vì sao nhiều năm qua các em học sinh nơi đây phải chia từng nhóm nhỏ để chèo đò vượt hồ mà không tập trung lại một bến, vừa bớt thời gian, lại có thể hỗ trợ được nhau trong lúc khó khăn. Và vì sao một con thuyền máy tặng cho các em thật sự là đáng quý nhưng vẫn là chưa đủ? Đó là câu hỏi mà lâu nay lãnh đạo huyện Lục Ngạn trăn trở chưa tìm ra lời giải, khi nghe phóng viên Dân trí đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phân trần, hồ Cấm Sơn là hồ trên núi rộng trên 30km2, có cấu tạo địa hình phức tạp, với nhiều luồng lạch men theo từng dãy núi. Người dân trong các thôn bản ở cách xa nhau, có khi một quả đồi rộng vài hecta mới có một gia đình sinh sống. Vì vậy, các em học sinh xưa nay vẫn phải tập trung ở nhiều bến khác nhau trong những sườn núi, việc tập trung tại cùng một bến là rất khó khăn.

Chính quyền địa phương nơi đây nhiều lần tính đến phương án, gom các em học sinh tại một bến để cho thuyền đưa đón nhưng không thể thực hiện được. Hơn nữa một con thuyền máy, đưa các em học sinh cập bến tới trường rồi quay lại đón lượt khác mất tới 1 tiếng đồng hồ, như vậy chuyến sau sẽ muộn học.

“Nhu cầu đi lại bằng thuyền của các em học sinh ở đây là rất lớn, hàng trăm em trong xã vẫn ngày hai buổi tới trường, cho dù phải vượt hồ rất nguy hiểm nhưng không có em học sinh nào bỏ học. Điều kiện kinh tế của bà con nơi đây thực sự rất khó khăn, cái ăn còn chưa đủ, muốn có một con thuyền chắc chắn chứ mấy ai dám mơ đến một con thuyền máy tốt như thế này”, ông Tuyến nói.

Rời Sơn Hải, chúng tôi về Hà Nội trong cái nắng ấm áp của một buổi chiều cuối xuân để lại phía sau sự vương vấn về một Sơn Hải đầy khó khăn, và vẫn còn đó những em nhỏ ngày ngày chèo thuyền vượt hồ tìm chữ.

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm