1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chòng chành vượt hồ tìm chữ

(Dân trí) - Hàng trăm học sinh cấp 1, 2 ùa xuống bến đò, tay cầm sẵn mái chèo. 5-6 em cùng lên một đò, một em có nhiệm vụ chèo, các em còn lại ra sức tát nước. Hành trình tới trường của các em chòng chành theo từng nhịp sóng.

Từ “ốc đảo” vào đất liền kiếm cái chữ 

 

Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên vụ đắm đò tại bến đò Cà Tang (Quảng Nam) xảy ra hồi tháng 5/2003 làm chết 18 em học sinh. Nỗi đau ấy được “nhắc lại” trong vụ lật đò tại bến đò Chôm Lôm (Nghệ An) sáng 7/10/2006, cướp đi sinh mạng của 19 em học sinh khi đang trên đường đến trường.

 

Mang theo những nỗi niềm trăn trở, vượt hàng trăm cây số, chúng tôi tìm về xã miền núi Sơn Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang). Để kiếm cho mình cái chữ, hàng trăm em học sinh cấp 1 và cấp 2 trường Sơn Hải hàng ngày vẫn phải tự mình chèo đò vượt qua lòng hồ Cấm Sơn, chỗ nước sâu nhất hơn 80m, để tới trường.  

 

7h sáng ngày 13/2/2009, chúng tôi đã “phục sẵn” tại bến đò Cấm Sơn, nơi mà hàng ngày hơn 400 học sinh tiểu học và THCS của 5 thôn, thôn Đấp, Tam Chẽ, Đồng Mậm, Cầu Sắt, Cổ Vài (xã Sơn Hải) sẽ đến lớp qua bến đò này.

 

Không nhìn thấy nhau dù chỉ cách vài ba mét, nhưng từ xa, lẫn trong màn sương sớm đặc quánh trên mặt hồ, những tiếng cười nói của các em, lẫn với tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ đã vang lên.
 
Chòng chành vượt hồ tìm chữ - 1

Cả mặt hồ mênh mông chỉ toàn bóng áo trắng học trò. Con đường đến trường của các em chòng chành theo từng nhịp sóng.

 

Cách đó không xa, ở bên kia sườn núi là trường Tiểu học và THCS Sơn Hải. Em Ngọc Văn Sơn (thôn Đấp), học sinh lớp 9C, kể ngày nào em cũng dậy từ 5h30 sáng, ăn lót dạ rồi tất tả tới trường. Quãng đường từ nhà đến trường dài không biết bao nhiêu cây số, Sơn chỉ biết là đi đò hết hơn 1giờ đồng hồ.

 

Thầy giáo Diêm Công Quyền tâm sự: “Ở dưới xuôi hay các vùng khác, khi các cháu lớn lên là cha mẹ dậy đi xe đạp, còn ở vùng lòng hồ Cấm Sơn này, lớn lên là các em phải được học bơi, học chèo đò. Dân ở đây gian nan vất vả, nhà cũng chẳng có, cái ăn còn phải chạy từng bữa, nhưng 5 năm nay chưa có một cháu nào trong xã bỏ học...”.

 

“Có những hôm hơn 9 giờ mới thấy các em cắp cặp đến lớp, hỏi sao các em đi muộn, hóa ra trời hôm đó sương mù dày đặc trên mặt hồ nên các em chèo đò bị lạc đường”, thầy Quyền ngậm ngùi: “Nói dại các em biết bơi thế nếu lỡ gặp nạn ở trên mặt hồ không chết đuối thì cũng chết rét. Hôm nào trước khi vào lớp học chúng tôi cũng phải điểm danh rất cẩn thận...”.
 
Chòng chành vượt hồ tìm chữ - 2

Đò cập bến mới tin các em được an toàn

 

Mơ một con thuyền máy

 

Phó Chủ tịch xã Sơn Hải, ông Vi Văn Sáo cho hay, xã Sơn Hải có 5 thôn với gần 3.800 nhân khẩu sống trong lòng hồ Cấm Sơn (hồ có diện tích rộng 30km2, chỗ sâu nhất khoảng 80m), trong đó 85% số dân là người dân tộc Nùng. Tỉ lệ hộ nghèo trong xã là trên 60%.

 

Cuộc sống mưu sinh của người dân trong xã chủ yếu là làm nông nghiệp, nhưng cũng rất khó khăn trong việc canh tác, lúa cấy xuống có khi không được thu hoạch vì chỉ một trận mưa, nước dâng lên trong lòng hồ là lúa ngập.

 

Cái nghèo đeo bám nên đã bao năm nay, chính quyền địa phương, nhà trường và các hộ gia đình đều mong có một chiếc thuyền máy đưa các em tới trường mà chưa được.

 

11h30 tan học, hàng trăm em học sinh cấp 1 và 2 của trường Sơn Hải lại ùa xuống bến đò, vai khoác cặp, tay cầm sẵn mái chèo. Xuống tới bến đò, nhiệm vụ đầu tiên của các em là tát cạn nước trong đò, rồi 5-6 em lên một đò, bắt đầu hành trình trở về nhà. Những con đò nhỏ chênh vênh, mép đò “hôn” sát mặt hồ, một em chèo đò, những em còn lại thi nhau tát nước. 
 
Chòng chành vượt hồ tìm chữ - 3

Một em chèo đò, các em còn lại để ý tát nước ra. Hình ảnh ấy khiến những người dù đã ở đây mấy chục năm cũng phải chảy nước mắt.

 

19 năm giảng dạy tại đây, thầy hiệu trưởng trường THCS Sơn Hải Nguyễn Văn Tiến vẫn không sao bắt mình quen được với hình ảnh đó. Ngày nào cũng vậy, bao nhiêu bận các em lên đò qua hồ là bấy nhiêu bận thầy mong “các em vững tay chèo và trời đừng nổi gió”.

 

Nhìn bờ hồ Cấm Sơn xa ngút ngàn giữa mênh mông một mầu nước xanh biếc, toàn một màu áo trắng học trò trên những con đò nhỏ, chúng tôi cũng thắt lòng: Liệu các em được cập bến an toàn?

 

Hồng Ngân