Mã số 417:
Cảnh sống lay lắt của “hai ngọn đèn trước gió”
(Dân trí) – Hơn 80 tuổi nhưng ông Đỗ Văn Liêm chưa một lần biết đến bát cơm ngon, canh ngọt. Sống cùng người con bị tâm thần, suốt ngày lang thang xó chợ rồi đánh đập vợ con và người vợ bệnh nặng, mắt mù phải nằm liệt giường. Cuộc sống chỉ còn trông cậy vào ông.
Theo sự giới thiệu của UBND xã Thuần Lộc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Đỗ Văn Liêm (86 tuổi), trú tại thôn Lam Thương, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Bao nhiêu năm nay gia đình ông luôn sống trong cái đói, cái khổ cùng người con trai bị tâm thần, thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ con và người vợ bệnh tật.
Bước chân đến cửa nhà, một hình ảnh đển rơi nước mắt khiến chúng tôi không sao cầm đựơc lòng. Ông Liêm ngồi trên một chiếc ghế nhựa cũ đang bưng bát cơm, bên cạnh là người vợ mù lòa, nằm liệt giường đang cố gắng xúc từng miếng cơm nhão nhoét trong bát đưa vào miệng, xung quanh mâm là những hạt cơm rơi xuống chiếu.
Nhìn vào mâm cơm của hai ông bà, người con dâu khẽ giải thích: “Hôm nay ông bà ăn cơm với trứng, nhưng do không có hành, không rau thơm và không gia vị nên trứng mới trắng như vậy. Răng ông bà cũng yếu nên phải nấu nhão như cháo cho dể ăn. Thực ra, hôm nay ông bà có lương nên mới có trứng để ăn chứ còn nhiều hôm phải lấy muối trắng, nước mắm làm thức ăn thôi”.
“Lúc ấy đói lắm, khổ lắm, hạt gạo cũng không có để ăn, nhà lại đông con nên thường xuyên chịu cảnh nhịn đói qua ngày”... Đang nói bỗng dưng ông Liêm cúi gục mặt vẻ rầu rỉ, rồi ông nói tiếp: “Các con tôi cũng sinh ra vào thời kì đói khát, bệnh tật hành hạ nên chúng đã lần lượt bỏ chúng tôi, giờ chỉ còn cái Hương và cái Lưu thôi”.
Nhưng rồi sự bất hạnh lại đổ xuống đầu người con trai duy nhất của ông bà là anh Đỗ Văn Lưu. Càng lớn lên, anh Lưu càng có những biểu hiện không bình thường về tâm lý. Gia đình lo lắng, chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho anh nhưng không khỏi, bệnh anh ngày càng nặng thêm. Anh Lưu suốt ngày lang thang ngoài đường nhặt rác, lấy trái cây thối để ăn, nhiều hôm anh bỏ đi không về khiến cả nhà phải chạy khắp nơi đi tìm.
Kinh tế 4 miệng ăn của gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên đói khát, túng quẩn vô cùng, bữa cơm của gia đình hôm nào cũng chỉ được lưng bụng. Khổ quá, mẹ con, vợ chồng ông Liêm lăn lưng đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để trang trải thêm cuộc sống, mong có ngày sang sủa hơn.
Rồi người con gái lớn cũng đến tuổi lấy chồng, nhưng cuộc sống gia đình chồng cũng không khấm khá hơn nên vẫn chịu cảnh đói khát. Vài năm sau, anh Lưu cũng lập gia đình với chị Lê Thị Năm theo sự giới thiệu và làm mai của một người hàng xóm. Cuộc sống bần hàn, khó khăn nhưng vợ chồng đỡ đần lẫn nhau.
Từ ngày có con dâu, cuộc sống của ông bà Liêm cũng đỡ vất vả hơn vì có sự trợ giúp của người con dâu. “Bán mặt cho đất, bán lưng có trời” với hơn 2 sào ruộng, hết mùa, chị Năm lại đi làm thuê cho người ta kiếm thêm chút thu nhập nuôi cả nhà.
Còn sức, ông Liêm cũng cày bừa cấy hái, rồi làm thêm đủ việc để phụ giúp con dâu. Bà Mùi do bệnh phong hành hạ, nghèo quá không có tiền mua thuốc, bệnh phong tái phát khiến chân tay bà đau nhức, không thể đi lại hay làm việc nặng nhọc. Bệnh nặng quá đã di chứng lên mắt, khiến mắt bà bị mù lòa rồi nằm liệt giường gần 10 năm nay, cuộc sống càng trở nên khốn khó.
Tưởng lập gia đình cho con xong thì bệnh tình của anh Lưu sẽ thuyên giảm, ai dè bệnh anh càng thêm trầm trọng. Mỗi lúc lên cơn, anh thường xua đuổi, đánh đập vợ con rồi đốt hết quần áo… Chị Năm lao lực với công việc, an uống lại kham khổ rồi chồng con hành hạ nên sức khỏe yếu đi trông thấy, thêm vào đó là bệnh lao phổi phát sinh, bệnh đau cột sống hành hạ nên chị không làm được việc nặng. Mấy năm nay chị vào Nam làm thuê và sống cùng người con trai đầu, còn anh Lưu và nhà cửu để cho ông Liêm trông nom, chăm sóc.
Bữa cơm trứng hiếm hoi của vợ chồng ông Đỗ Văn Liêm
Năm nay hơn 80 tuổi, nhưng ông Liêm chưa một phút được nghỉ ngơi thanh thản, ông vẫn lăn lộn với cuộc sống miếng cơm manh áo để nuôi người vợ bệnh tật . Ông nói: “Con dâu vào Nam làm thuê, mọi công việc trong gia đình đều đến tay tôi, ngay cả đứa con trai điên dại cũng phải chăm sóc cho nó từng miếng cơm, bát nước hay tắm rửa, giăt giũ quần áo, không biết đến lúc nào mới hết khổ”.
Hiện nay, nguồn thu nhập duy nhất của hai ông bà là vài đồng lương chế độ dành cho người cao tuổi mất sức lao động. “Vậy nên bữa cơm chỉ có muối và nước mắm là chính thôi cô ạ”, ông Liêm bùi ngùi.
Ông Hoàng Văn Luận, phó Chủ tịch UBND xã Thuần Lộc tâm sự: “Gia đình ông Liêm là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Hai ông bà tuổi cao sức yếu ở cùng người con trai bị tâm thần nặng, tất cả đều không còn khả năng lao động nên kinh tế chỉ còn dựa vào mấy đồng lương trợ cấp. Hàng năm chúng tôi cũng hỗ trợ gạo, tiền cho gia đình vào mùa giáp hạt, lễ tết, rồi anh em, họ hang cũng giúp đỡ…nhưng cũng chẳng được là bao, đói rét triền miên”.
Hiện nay, ngôi nhà vợ chồng ông Liêm đang ở cũng do ông bà cố để lại, hàng chục năm nay nhà có nhiều chỗ hư hỏng nhưng ông cũng làm gì có tiền để sửa.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Ông Đỗ Văn Liêm, thôn Lam Thương, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
|
Lan Anh