Căn nhà tàn và nỗi đau mang tên da cam

(Dân trí) - “Mẹ đi đâu Phước? Thằng bé chống bàn tay xuống giường cố rướn người trả lời nhưng giọng nói ngọng nghịu chẳng nghe rõ ra là nó nói gì. Bên cạnh, người anh trai đã 21 tuổi Lê Thanh Tuấn nằm cười ngô nghê”...

Căn nhà tàn và nỗi đau mang tên da cam - 1
Vợ chồng anh Thu bên cạnh hai đứa con tật nguyền
 
Sinh năm 1964 trong một gia đình có 7 anh em tại xã Hưng Mỹ, (Hưng Nguyên, Nghệ An), 17 tuổi Lê Đình Thu lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong ký ức của anh đó là những tháng ngày kinh hoàng khôn xiết khi mà các anh phải đóng trên một chiếc bốt cao. Tiến thì gặp địch, lùi thì gặp mìn. Mỗi lần xuống sông tắm đều thấy xác quân Pôn Pốt rắc đầy dòng sông kinh hãi.

8 năm tham gia chiến đấu tại nước bạn anh bị thương ba lần. Lần nặng nhất là vào năm 1983, được đưa về Việt Nam dưỡng thương. Mấy tháng sau hồi phục anh quay trở lại chiến trường cùng anh em chiến đấu. Có những thời kỳ căn bệnh sốt rét hoành hành đến nỗi mọi người chỉ còn da bọc xương, người xanh như tàu lá. Năm 1988 sức khỏe yếu anh xin xuất ngũ trở về địa phương rồi lập gia đình với chị Hồ Thị Trâm, người cùng xã.

Một năm sau ngày cưới, anh chị mừng vui đón đứa con đầu lòng, niềm vui chưa trọn thì nỗi đâu ập đến, khi cậu con trai vừa lọt lòng mẹ đã mềm oặt như không sự sống. Hai vợ chồng vay mượn bế con chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng đành bất lực vì căn bệnh teo cơ bại liệt. Cầu mong một đứa con an lành, sáu năm sau anh chị sinh đứa thứ hai là một cô con gái hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Vợ chồng anh em, bà con xóm làng mừng rỡ.

Tuy nhiên, đến lần sinh đứa con thứ 3 lại giống hệt như anh trai mình, vẫn những biểu hiện ấy, căn bệnh ấy. Hết vào Sài Gòn lại ra Hà Nội, nợ chồng chất nợ nhưng ở đâu cũng đành bó tay.

Chị Nguyễn Thị Giang cạnh nhà anh Thu kể: “Giai đoạn đầu nhìn anh Thu như người mất hồn, còn chị Trâm suốt ngày khóc lóc. Không ai hỏi đến thì thôi, cứ hỏi thăm thì lại khóc. Nhà người ta chỉ một đứa con tật nguyền đã đau lòng, đằng này anh chị có đến hai cậu con trai chỉ biết nằm một chỗ. Một đứa năm nay 20 tuổi, một đứa 15 tuổi bao nhiêu năm không biết đến niềm vui của tuổi thơ là gì, chúng chẳng có một chút ý niệm gì về quá khứ, hiện tại và tương lai...”.

Gia đình anh cho biết, cô con gái thứ hai nhìn bề ngoài có vẻ khỏe mạnh nhưng không được nhanh nhẹn như bạn bè cùng trang lứa, sức khỏe cũng yếu lắm, năm nay cô bé lên lớp 10. Với gia đình anh hiện nay đang mang cái kiếp nghèo thì việc để con tiếp tục theo học là cả một vấn đề. Nhưng bắt cháu nghỉ học thì thương lắm, hai cậu con trai như vậy đã đành...

Nhiều đêm thức trắng đặt tay lên trán anh Thu nghĩ: “Tại sao bất hạnh lại ập đến gia đình mình vậy? Mình có làm gì nên tội đâu, sao ông trời lại nỡ bắt mình chịu đắng cay thế này....”.

Được biết, chị Hồ Thị Trâm là con gái độc nhất một gia đình liệt sĩ, bố chị tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh năm 1969 tại Gia Lai. Cái chất độc ác nghiệt ấy lặn vào trong chị đến đời các con chị mới tác oai tác quái.
 
Căn nhà tàn và nỗi đau mang tên da cam - 2
Hai anh em Lê Thanh Tuấn và Lê Đình Phước

“Cũng may mà có cái nhà Đại đoàn kết để ở. Còn không thì gia đình tôi giờ chẳng biết đến khi nào có nhà thế này mà kê lưng cả...”, anh Thu cho biết.

Từ chiến trường trở về, thân hình tiều tụy, những vết thương vẫn còn đó và nỗi đau vẫn luôn hành hạ anh lúc trái trời, trở gió... Sức khỏe lại yếu đi cho nên không cho phép anh bươn chải được như những người đàn ông khác.

Cuộc sống vốn cơ cực chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng, năm nào cũng mất mùa trong khi đó thuốc men cho hai đứa con vẫn phải thường xuyên... Kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ thêm bởi phải vay nợ quanh năm.

Nhiều dịp lễ, tết may còn có bà con, xóm làng người cho miếng thịt, cân gạo, lon nếp... Năm 2007, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong chuyến về thăm Nghệ An đã ghé vào thăm gia đình anh chị, nhìn thấy gia cảnh khó khăn, Phó chủ tịch nước cảm động hỏi han, tặng quà và động viên anh chị cố gắng vượt qua những khó khăn để chăm lo cho các con.

Vất vả cực khổ anh chị chẳng nề hà, nhưng mỗi lần nhìn các bạn cùng trang lứa với con mình chạy nhảy chơi đùa, ríu ran gọi nhau đến lớp... Vợ chồng anh lại tự ôm nhau mà khóc.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Lê Đình Thu, xóm 7, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 
 Giang Ly