Các Tổng giám đốc nối “Vòng tay đồng đội”
(Dân trí) - “Ai đã từng trải qua chiến tranh, mới thấy mình sống hôm nay là một hạnh phúc, mới hiểu giá trị sự hy sinh cao cả của đồng bào chiến sỹ...".
"Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng, là con liệt sỹ, là quân nhân, tôi hiểu nỗi đau của sự mất mát do chiến tranh. Nếu không có những người đã ngã xuống thì làm sao tôi có được ngày hôm nay. Vì vậy, tâm nguyện của tôi là còn sống được ngày nào, tôi cố gắng sống cho nhiều cuộc đời quanh tôi”.
Đó là tâm sự của ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cty Golf Long Thành - một doanh nhân nổi tiếng với tên gọi: “Cựu chiến binh giàu lòng nhân ái”. Ông đã được Chủ tịch nước trao tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng III; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc và đoạt cúp Doanh nhân Tâm Tài 2007.
Họ không bao giờ quên tình đồng đội...
Ông Lê Văn Kiểm đã ủng hộ rất nhiều gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các hộ thuộc diện chính sách, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, mổ mắt cho hàng ngàn người mù nghèo; mổ tim cứu sống hàng chục em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; tài trợ xây dựng hơn 700 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tôn tạo và xây dựng bia tưởng niệm tại các khu di tích cách mạng, xây dựng nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc; may hàng ngàn áo ấm tặng bộ đội biên phòng, hải đảo... với số tiền lên tới hơn 45 tỷ đồng...
“Tôi luôn nhớ về những kỷ niệm ngày còn sống trong chiến khu với mẹ khi ba tôi hi sinh những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy mẹ tôi làm việc trong Cục Quân giới, vì chỗ làm xa doanh trại nên sáng đi tối mới về. Hình ảnh các chú bộ đội ưu tiên dành cho tôi những hạt cơm nguyên chất được nhặt ra từ phần cơm độn ít ỏi của mỗi người để nấu cháo cho tôi ăn đã trở thành ký ức đẹp theo tôi suốt cuộc đời. Chúng tôi luôn coi việc làm từ thiện là một nghĩa cử "đền ơn đáp nghĩa" thể hiện tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" của tất cả các thành viên trong gia đình. Bởi thế, càng đi đến nhiều nơi, càng tham gia nhiều hoạt động từ thiện, càng cảm thấy chưa đủ. Không phải bất kỳ ai làm từ thiện cũng đều là người làm ra nhiều tiền, nhưng có nhiều tiền cũng là một điều kiện tốt để tham gia công tác từ thiện nhiều hơn...". Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cty Golf Long Thành Lê Văn Kiểm. |
Cũng cùng một tâm nguyện như vậy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty thương mại và hành khách Mai Linh từng xung phong gia nhập quân đội lúc còn chưa đủ tuổi. Những lúc vượt qua bom đạn, đối diện với gian khổ và ác liệt, chàng thanh niên Hồ Huy luôn tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ, để sống và tồn tại giữa pháo bầy và bom rơi.
Bản lĩnh của người lính đã tôi luyện và đã trở thành nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho nhà doanh nghiệp Hồ Huy hôm nay. Cũng theo ông Hồ Huy thì con đường của doanh nhân cũng như con đường của binh nghiệp thời chiến, dù làm gì cũng phải có vòng tay đồng đội. Doanh nhân phải là người có trách nhiệm với xã hội và với cộng đồng.
Khi xây dựng Quỹ “Vòng tay đồng đội”, với mục đích của Quỹ là hướng tới những gia đình quân nhân khó khăn và việc học hành của con cái họ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhắc nhiều đến tên họ và những cựu chiến binh thành đạt khác với một niềm hy vọng: “Tôi đã tiếp xúc với nhiều Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt trước đây từng là người lính, có người là thương binh như: Ông Hồ Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Câu lạc bộ Golf Long Thành - Đồng Nai... và nhiều người khác nữa. Điều dễ dàng nhận thấy là giờ đây tuy đã thành đạt, giàu có nhưng họ vẫn không quên quá khứ gian khổ, quên tình đồng đội năm xưa. Họ đã và đang tiếp tục đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.”
Cuộc đời còn nhiều lắm những chữ “tâm”
Chưa từng là một quân nhân mà chỉ được nghe kể về thời chiến qua những câu chuyện người cha, Tổng giám đốc công ty của công ty dệt may Hà nội (Hanosimex) Nguyễn Khánh Sơn vẫn có những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của những người lính Cụ Hồ. Ông Sơn bộc bạch: Mặc dù thường xuyên tiếp xúc với các Quỹ từ thiện khiến các doanh nghiệp đôi lúc mệt mỏi nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cân đối các khoản chi để đến với Quỹ “Vòng tay đồng đội” với mong muốn góp một phần công sức, chia sẻ khó khăn cùng những người lính và tạo điều kiện cho con em họ được học hành tốt hơn.
Hanosimex là một công ty nổi tiếng trong giới kinh doanh thời trang với những sản phẩm hàng dệt kim. Năm 2006, doanh số công ty ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 42 triệu USD. Đây là bước khởi đầu thuận lợi của công ty để đạt kế hoạch 2.000 tỷ đồng vào năm 2010.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vũ Đức Giang thì đã từng có thời kỳ trong quân ngũ. Khi nhắc đến Quỹ “Vòng tay đồng đội”, ông có cảm giác như trở lại thời trai trẻ của mình. Theo ý kiến của ông thì bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều có những hoạt động xã hội bởi vì họ sống trong xã hội và thực tế cho thấy rằng những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp phấn đấu vì mục tiêu lợi ích xã hội và khuyến học là một trong các hoạt động xã hội có ý nghĩa mà các doanh nghiệp cần tham gia.
Với ý nghĩa cao đẹp của khuyến học, nhất là khuyến học cho các gia đình quân nhân khó khăn thì ai cũng có thể làm được, dù ít dù nhiều và doanh nghiệp chính là những đơn vị có nhiều điều kiện nhất để thực hiện.
Dệt may là một ngành kinh tế lớn của Việt Nam với khoảng 200 doanh nghiệp, sử dụng 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu luôn đứng thứ hai sau dầu khí, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mục tiêu cụ thể của ngành là sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 10-12 tỷ USD vào năm 2010, 14-16 tỷ USD năm 2015 và 20-22 tỷ USD năm 2020.
TGĐ Habeco Nguyễn Văn Việt: Quỹ “Vòng tay đồng đội” sẽ là vòng tay nối dài để chúng tôi có cơ hội được cảm ơn những người đồng đội” |
Tổng giám đốc Tổng Công ty rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco), PGS.TS Nguyễn Văn Việt khi được hỏi về quan điểm của mình khi tham gia Quỹ “Vòng tay đồng đội” đã nhỏ nhẹ và điềm đạm trả lời: “Tôi nghĩ rằng tất cả các Quỹ từ thiện đều có ý nghĩa và Quỹ “Vòng tay đồng đội” thì có ý nghĩa chính trị rất lớn.
Tuổi trẻ của tôi được may mắn hơn những người bạn cùng trang lứa khi được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài và khi những người bạn của tôi đang cầm súng thì tôi đang ngồi trên giảng đường đại học. Tôi rất thấm thía về sự hy sinh đó của các anh và Quỹ “Vòng tay đồng đội” sẽ là vòng tay nối dài để chúng tôi có cơ hội được cảm ơn những người bạn, những người đồng đội của mình trên khắp mọi miền Tổ quốc.”
Đoàn Trần