1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bốn phận đời bi kịch

(Dân trí) - Được hỏi về tương lai ba đứa trẻ, chị Hồng chỉ lặng thinh nhìn căn nhà mái bằng to đẹp của bà Ủy, rồi lại ngước nhìn tấm bạt trên đầu đang tung rần rật giữa cơn nam quái (gió nam Lào) của đất Quảng Bình.

Một tay nuôi 3 đứa con dại do chồng bỏ nhà đi ăn ở với người đàn bà khác, tai ương vẫn không buông cho chị Phạm Thị Hồng (Tiểu khu 8 Bắc Nghĩa - Đồng Hới - Quảng Bình) khi một ngày chị đi làm về mới biết căn nhà của 4 mẹ con đã bị đập phá tan tành. “Thủ phạm” không ai khác là gia đình chồng…

Nỗi lòng người đàn bà bất hạnh

Chúng tôi đến với chị Hồng từ một lá đơn đẫm nước mắt. Không thể nhận ra đó là một phụ nữ tuổi 37 bởi cái dáng khắc khổ, gương mặt đen sạm nắng gió với những vết hằn cơ cực.

Ngồi bên cạnh bức tường tạm gọi là căn nhà cùng 3 đứa con đang tròn xoe mắt, chị tức tưởi kể về câu chuyện đời, một khoảng đời đã trải qua quá nhiều biến cố kể từ cuộc hôn nhân 15 năm trước. Những giọt nước mắt đục ngầu và tiếng chửi đổng của bà mẹ chồng ở nhà bên làm câu chuyện ngắt quãng.

Chị và anh Trần Ngọc Sửu (SN 1971, ở Tiểu khu 8, phường Bắc Nghĩa) cưới nhau năm 1994, đến nay đã có 3 mặt con. Anh làm thợ xây, chị làm gốm với nguồn thu hạn hẹp nên cảnh “ăn trước, trả sau” đã trở thành một điều bình thường trong đời sống gia đình chị.
 
Bốn phận đời bi kịch - 1

Căn nhà của chị Hồng và 3 đứa trẻ đã bị đập nát để mẹ chồng bán đất cho người khác.

Sống với cái nghèo, cái khổ tưởng thành quen, nhưng bi kịch ập đến sau khi chị sinh đứa con thứ 3 là cháu Trần Thị Thanh Huyền. Anh Sửu không chịu được cảnh nợ nần, túng quẫn đã bỏ nhà đi rồi ăn ở với một người đàn bà khác, quay đi quay lại cũng đã 8 năm nay.

Ban đầu, anh Sửu còn gửi cho vợ con ít đồng đóng học phí, nhưng từ đầu năm nay, khoản “nghĩa vụ của người cha” đó cũng không còn nữa, chị thắt lưng buộc bụng đủ đường để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn với đồng lương 1 triệu đồng/tháng từ một xưởng gốm tư nhân.

Đưa bàn tay chai sạn che đôi mắt quầng sâu, chị Hồng thở thượt: “Nhiều lần đã định chết quách cho xong, nhưng nhìn ba đứa con lại không chết được. Sống tiếp, nên nợ tiếp, khổ tiếp, đau đớn tiếp”. Cái Huyền có vẻ chẳng hiểu cho nỗi khổ của mẹ nó, cứ cạ đầu vào vai chị cười rúc rích. Chị cả nó, cái Thu, phải mắng mới chịu thôi.

Cái đau đớn mà chị nhắc đến bắt đầu từ năm 2005, khi mẹ chồng chị - bà Đặng Thị Ủy - quyết định bán mảnh đất trong đó có một phần nhà mà 4 mẹ con chị đang ở cho người khác để lấy tiền xây nhà mới. Đất bán xong, nhà mới cất xong khang trang, bà Ủy ở một mình vì anh Sửu bỏ đi biền biệt đã lâu. Mẹ con chị Hồng không những không được ở nhà mới mà còn bị đuổi cổ ra khỏi nhà cũ bởi căn nhà đó đã nằm trên đất của người khác. Không có nơi nào để đi, chị ôm con ở liều trong căn bếp nhà cũ.
 
Ngày 12/2/2009, khi chị đang đi làm còn 3 đứa trẻ đi học thì chị bỗng nhận được tin hàng xóm báo: “Mày về gấp, nhà mày bị người ta đập nát rồi”. Chị chạy về đến nơi thì căn nhà nhỏ của 4 mẹ con chị đã bị đập tan tành, còn trơ lại đúng hai bức tường dựa vuông góc vào nhau.
 
Bốn phận đời bi kịch - 2

4 mẹ con đang dựa vào nhau trong cảnh màn trời chiếu đất. "Ngôi nhà" của họ là 2 bức tường nát và tấm bạt làm mái.

“Cháu về nhà chỉ thấy mẹ ngồi khóc một mình bên đống xỉ vụn. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cháu nhìn vào thùng gạo thì thấy gạo trong thùng trộn lẫn với gạch vỡ, cát đá. Tủ sách học tập của 3 đứa cháu cũng nằm trong đống đổ nát” - cháu Thu buồn rầu kể lại.

Căn nhà của chị bị phá nát không phải dưới bàn tay côn đồ, mà chính là chồng và những người nhà chồng chị. Trước đó, bà Ủy đã nhiều lần tuyên bố đuổi 4 mẹ con chị đi để đón anh Sửu cùng người đàn bà kia về ở trong căn nhà khang trang bà mới cất.
 
Bốn phận đời bi kịch - 3
Ngôi nhà khang trang bên trái là nơi bà nội của 3 đứa trẻ ở một mình, còn ngôi nhà bên phải vừa cất lên sau khi căn nhà cũ của mẹ con chị Hồng bị đập nát. 

Hiện mẹ con chị đành căng tạm tấm bạt lên trên 2 bức tường còn sót lại để kê giường ở tạm trong sự ghẻ lạnh và những trận chửi bới của bà Ủy. Và nơi căn nhà của chị bị đập, một ngôi nhà khang trang khác đã xây lên bít cả lối đi ra của mẹ con chị Hồng.

Cửa ngõ bước ra đường của 4 mẹ con chị Hồng cũng bế tắc như tiền đồ của họ vậy.

Về đâu 3 kiếp trẻ thơ?

Năm 2008, sau 7 năm trời níu kéo cuộc hôn nhân bi kịch, chị Hồng quyết định chia tay với người chồng, người cha của 3 đứa trẻ. Nhưng sau những lần hòa giải, 2 đứa con lớn không ai bảo ai viết đơn gửi tòa bày tỏ khao khát được sống chung dưới một mái nhà nên chị đành dang tay ôm cả 3 đứa vào lòng quay về sống tiếp cảnh “có chồng hờ hững cũng như không”.

Sau lần hòa giải đó, cuộc sống gia đình vẫn không cải thiện, ngược lại bà Ủy đột nhiên nhượng toàn bộ đất trong đó có mảnh đất nơi 4 mẹ con chị Hồng đang ở cho người chị gái của anh Sửu, vốn đã có nhà ở tiểu khu khác.

Những ngày tháng nặng nề trôi đi, mức lương 1 triệu đồng/tháng trở nên quá nhỏ nhoi trong thời buổi đồng tiền bát gạo đua nhau lên giá. Con không đủ no, học không đủ tiền nộp, chị Hồng lại cắn răng vay giật thêm rồi trả dần. Chị kể: “Con đói thì phải nợ tiền đong gạo, trả không hết thì người ta đến đòi. Ấy thế mà mỗi khi có người đến đòi nợ, tui vừa xin khất được thì bà nội là qua chửi, chửi cả tui chửi cả người đòi nợ”.

Niềm động viên duy nhất của chị là 3 đứa trẻ tuy thiếu bàn tay người cha nhưng ngoan và học tốt. Nhưng chúng càng học tốt, chị càng xót xa: “Giờ tiền không, chồng không, nhà cửa không tui biết làm gì để lo cho ba đứa nhỏ đây? Muốn nhờ cộng đồng giúp đỡ, nhưng đến máu mủ ruột rà còn ruồng rẫy chúng nó thì liệu có ai thèm giúp chúng nó không anh?” - chị hỏi, đôi mắt nhìn xa xăm, tuyệt vọng.

Chị biết chị chẳng có gì và chẳng thể đòi hỏi gì từ người chồng. Đã có lúc chồng chị “khuyên” rằng 4 mẹ con hãy ra ngoài thuê nhà trọ mà ở rồi anh sẽ trả tiền thuê trọ. Nhưng chị tự hỏi, nếu anh Sửu biết lo cho vợ con thì 8 năm nay liệu anh có sống như thế? Và chị sẽ phải làm gì nếu chị bỏ nhà ra thuê trọ, rồi lại phải trích từ cọc lương còm cõi để gánh thêm tiền thuê nhà?

Những đêm nằm giữa mưa ôm đàn con co quắp vì mưa xối vào người, những suy tư luôn giằng xé chị. Ly hôn ư? Chắc tòa sẽ đồng ý. Nhưng ly hôn rồi, thân chị chị lo được, còn đàn con ly tán sẽ ra sao? Bố nó bỏ mẹ con đi, bà nó đang tâm đuổi chúng nó ra khỏi nhà, liệu khi không có chị con chị sẽ được đối xử thế nào đây? Chị không tìm được câu trả lời, không đoán trước được câu trả lời nên lại đành ôm lấy đàn con sống trong tủi hổ.

Bác Hoàng Kiệm (74 tuổi), người hàng xóm nhà chị Hồng buồn bã: “Thằng Sửu nó theo gái, thả con bơ vơ bất vất lâu nay đã đành, nhưng việc nó về đập nhà cửa để đuổi vợ con ra đường thì khó luân lý nào dung. Nhiều đêm mưa to, mấy mẹ con Hồng kéo nhau lên nhà tui trú nhờ, tui thương quá cho nó tấm bạt che tạm cái lều mà ở. Các cơ quan đoàn thể bao nhiêu lần lên tiếng, nhưng cuối cùng cũng đành bất lực”.

Không chỉ bác Kiệm, làng trên xóm dưới ở phường Bắc Nghĩa ai ai cũng xót xa cho hoàn cảnh chị Hồng. Thương đám trẻ bao nhiêu, họ lại lên án việc làm của mẹ con anh Sửu bấy nhiêu. Đến một số người họ hàng của anh Sửu cũng lên tiếng chê trách cách đối xử của anh với mẹ con chị Hồng nhưng không thay đổi được tình hình.

Chị Đặng Hồng Vân - cán bộ chuyên trách UBDS - Bà mẹ trẻ em phường Bắc Nghĩa xác nhận: “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để các cháu có nơi ngủ, học. Hiện các cháu đang sống cảnh màn trời chiếu đất”.

Bản thân chị Hồng, sau khi gửi đơn đến các cơ quan hữu quan và đài, báo cũng chỉ dám hy vọng “gửi đơn để các ngành, các cấp giúp gia đình chồng hiểu ra sai lầm”.

Được hỏi về tương lai ba đứa trẻ, chị Hồng chỉ lặng thinh nhìn căn nhà mái bằng to đẹp của bà Ủy, rồi lại ngước nhìn tấm bạt trên đầu đang tung rần rật giữa cơn nam quái của đất Quảng Bình.
 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Chị Phạm Thị Hồng - Tiểu khu 8, phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới - Quảng Bình

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) 

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội  

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam  

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331

 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 
Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm