Mã số 1779:
Bố ung thư giai đoạn cuối bất lực nhìn con phải nghỉ học giữa chừng
(Dân trí) - Thân hình gầy rộc, hốc hác với rặt những xương, người đàn ông ấy run lên bần bật trong những tiếng nấc nghẹn: “Bữa trước nó đã tự xin nghỉ học đến gần 1 tháng bởi nhà không có tiền đóng học, nghĩ đến nó tôi có chết cũng không nhắm mắt được…”
Anh đã nói vậy, sau rồi lại lả đi bởi kiệt sức. Hơn 1 năm kể từ khi nhận tin dữ mắc căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối, người đàn ông vốn là trụ cột xốc vác mọi việc trong gia đình trở nên yếu ớt, dặt dẹo với việc cầm cự hầu hết bằng những thứ thuốc nam bởi không có tiền đến viện. Vợ của anh, chị Phạm Thị Huệ vừa bơm cháo cho chồng qua ống xông, vừa nức nở: “Khoảng tháng 4, tháng 5 năm ngoái là anh có dấu hiệu đau ngực, khó chịu và không ăn được. Khi ấy lên bệnh viện khám bác sĩ cho biết luôn anh bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, mọi thứ như sụp đổ trước mắt, cả nhà đều chết điếng người không biết phải làm gì cả.
Thời gian đầu vì không vay được tiền, nên anh vẫn ở nhà cầm cự bằng những thứ thuốc nam người ta cho hay mách đi mua nhưng bệnh không thuyên giảm. Thấy tình thế nguy cấp quá, mỗi người lúc đó mới dồn cho anh chị vay được mấy triệu để lên bệnh viện Việt Đức mổ đặt ống xông, sau đó chuyển sang bệnh viện K2 để xạ trị và truyền hóa chất”.
Căn bệnh đầy đọa khiến anh cả ngày đau đớn, không thể tự ăn được gì nên hoàn toàn phải bơm qua ống xông. Bữa ăn cũng đạm bạc, đơn giản đến nao lòng bởi nó chỉ là chút cháo loãng lõng bõng nước. Anh bảo: “Nhiều lúc thèm lắm một chút sữa nhưng vợ con không có tiền nên cũng thôi không dám nói. Anh bị bệnh đã là gánh nặng cho mọi người rồi nên không dám đòi hỏi gì đâu em ạ”.
Vừa dứt lời, hai hàng nước mắt của anh lại trào ra, thương vợ, xót con, anh thương cho cả bản thân mình đã không còn đủ sức làm bất cứ việc gì mà trở thành gánh nặng. Nhớ lại quãng thời gian trước kia, chị Huệ bảo: “Trước anh đi làm thợ xây, cũng lăn lội đủ các nơi, vất vả, mồ hôi nhiều lắm nhưng lúc nào anh cũng vui bởi anh bảo là đàn ông lo được cho vợ con là một điều đáng tự hào. Rồi đánh đùng, anh mắc bệnh, một mình chị không biết phải làm sao nữa”.
Nỗi đau và sự bất lực của anh còn ở việc học của cậu con trai cả Nguyễn Văn Đức, bởi cách đây không lâu em đã tự xin nghỉ học đến gần 1 tháng với ý định sẽ đi làm kiếm tiền cho bố đến viện. Nhắc đến điều này, cô giáo Nguyễn Thị Yến - chủ nhiệm lớp 10A7, trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết: “Ban đầu em Đức xin nghỉ học cách ngày một nên cô giáo và các bạn chỉ nghĩ là em bị ốm, sau đó tìm hiểu mới biết bố của em đang bệnh rất nặng, nhà lại nghèo không có tiền đến viện nên em có ý định không đến trường nữa để đi làm.
Ở lớp Đức là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, lực học rất khá và luôn ở top đầu của lớp. Cá nhân em cũng là một người có lòng tự trọng rất cao nên xấu hổ không nói với cô, với bạn mà tự ý xin nghỉ. Đây là hành động rất vội vàng, chưa suy nghĩ chín chắn của Đức, tuy nhiên chúng tôi có thể hiểu được bởi vì em quá nôn nóng muốn đi làm ngay kiếm tiền chữa bệnh cho bố. Sau khi biết được sự việc ở nhà em, chúng tôi đã đến thăm, và động viên em quay lại lớp học, hiện tại Đức đã trở lại trường đi học bình thường, tuy nhiên khó khăn trước mắt thì còn rất nhiều, nhất là trong giai đoạn này khi mà bố của em, người trụ cột trong gia đình lại đang nằm đó”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đăng Thắng- đội trưởng đội 10, xã Yên Chính tỏ ra vô cùng ái ngại trước hoàn cảnh éo le của gia đình chị Huệ: “Gia đình cô Huệ vào dạng đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn xã bởi người làm thì không có mà tiền phải tiêu tốn nhiều vào việc chữa bệnh. Hai vợ chồng cô chú là người thuần nông, không có thu nhập gì mà lại vướng vào căn bệnh hiểm nghèo này, đúng là đến cái ăn cũng lo không nổi chứ nghĩ gì đến việc được đi chữa trị”.
Chia tay gia đình, tôi cứ nhớ mãi cái dáng nằm dặt dẹo, khổ sở của anh với những lời tâm sự mong muốn các con được yên tâm đến trường học cái chữ thì dù có nhắm mắt xuôi tay anh cũng yên lòng. Còn căn bệnh quái ác, dẫu vẫn biết phải đến viện tiếp tục chữa trị nhưng anh tuyệt nhiên không một lời xin giúp đỡ bởi anh bảo: “Các cháu đi học cần tiền hơn em ạ, còn cái đau anh chịu được, anh sẽ không sao cả”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1779: Anh Nguyễn Văn Thật và chị Phạm Thị Huệ (Đội 10, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) Số ĐT: 0972.025.602 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Thiên Ân