Mã số 1531:
Bố mẹ già 80 oằn lưng chăm sóc con trai 51 tuổi liệt giường
(Dân trí) - Từ cây cầu Ngói Thanh Toàn nổi tiếng, hỏi đường đến nhà ông Chế Quang Di (Thôn Vân Thê, cụm 2, xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy) không ai là không biết.
Không có tiền đành phải về nhà điều trị
“À, nhà ni cực lắm, ông mệ Di ni trên 80 tuổi đầu rồi mà đã được nghỉ chi mô. Khổ, có thằng con trai để nhờ thì hơn năm ni hắn nằm 1 chỗ, hơn cả con nít”. Người chỉ đường nói tiếp, nhà ổng đầu đường đó, cứ chạy thẳng là tới.
Ngôi nhà toàn người lớn thế nhưng lại toàn những tả, khăn giấy và thoảng mùi nước tiểu như có trẻ dại. Những đồ “con nít” ấy là của anh Chế Quang Hoài (51 tuổi) - con trai ông bà Di. Hơn một năm trước, anh Hoài bị tai biến.
Người mẹ già Nguyễn Thị Túc (80 tuổi), rớm rớm kể lại “Nấu cơm xong mệ mới vào thức nó dậy. ‘Răng sáng ni dậy trưa ri con’. Hắn mới nói ‘mạ ơi, chứ răng con bị liệt nửa người ni rồi’. Bác cùng ông phải nhờ bà con đỡ đưa đi viện, điều trị được tháng đỡ thì về nhà”.
Mẹ già Nguyễn Thị Túc chăm anh Hoài nằm liệt giường
Từ lúc bị tai biến về, dù không lao động lại được, nhưng ít ra anh Hoài vẫn có thể tự chăm sóc bản thân. “Anh vẫn đi dò dẫm, vẫn tự xúc ăn, nói chuyện, vệ sinh binh thường, chừ mà tái phát lại chịu luôn”. Chị Chế Thị Hạnh, em gái anh Hoài cho biết thêm.
Cuộc sống càng trở nên chật vật, khó khăn hơn đối với ông bà Di khi anh Hoài bị tái phát bệnh tai biến lần 2 vào giữa tháng 6/2014. Hai ông bà già lại phải vay mượn tiền bà con cho anh nhập viện. Bà Túc bùi ngùi: “Bữa đó tui cứ ham cơm cháo không để ý, hắn dậy thì vịn vịn tường ra rửa mặt. Không may thì bị té, không ai biết mà đỡ kịp. Lâu sau tui đi ra, thấy rứa mới la làng lên, lại nhờ xóm làng đưa đi viện dùm”.
Anh Hoài điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế được 21 ngày thì tỉnh lại, có đỡ hơn nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị. Chị Hạnh đưa tay lau nước dãi cho anh trai nói: “Từng nớ ngày may có được 10 triệu bà con thương ông mệ già nên họ vay mượn cho. Đến khi hết từng đó tiền, bác sĩ hỏi thật là gia đình có khả năng không để đưa anh qua bệnh viện điều trị tiếp.
Cả hai ông bà Di, Túc rất vất vả với con, nhà nghèo rớt mồng tơi không có tiền nên anh Hoài phải về lại nhà điều trị
Ba mẹ em chừ tiền ăn, tiền chăm anh còn không có lấy mô ra tiền cho anh điều trị nữa em. Thương lắm nhưng cũng phải đưa anh về, không điều trị nữa vì hết tiền. Anh Hoài cũng có bảo hiểm, nhưng 20% còn lại ba mẹ chị hoàn toàn bất lực. Ông bà già thế rồi, làm chi ra tiền nữa mà người ta dám cho mượn. Sống có tình lắm bà con mới cho được chừng đó, mà ai cũng có con cho có hạn thôi chứ cho mãi sao được” - chị Hạnh ngậm ngùi.
Đưa con về nhà, bà Túc trấn an chồng “Thôi con hắn nằm rứa cũng mừng, được ngày nào mừng ngày đó”. Hiện tại, anh Hoài nằm bất động một chỗ, hệ thần kinh nói không hoạt động. Mọi sinh hoạt, ăn uống, đại tiểu tiện đều ngay trên giường. 51 tuổi đầu anh không nói không rằng, khi đau khóc như đứa trẻ. Chừng ấy tuổi nhưng chưa có vợ con, nên mọi vất vả đang phải đổ dồn lên đôi vài gầy gò ông bà Di.
Cực khổ thay cha mẹ già rút sức chăm con bệnh
Vì anh không còn ý thức, việc ăn ông bà Di cũng phải căn giờ. Phải để ý từng chút để thay tã, thay quần cho anh. Mọi việc đều một tay ông bà lo hết. Buổi ngày ông bà còn thay nhau trông anh để chợp mắt. Về đêm, anh Hoài hay khóc, và đại tiểu tiện nhiều thì ông bà phải thức suốt để thay lau. “Mỗi ngày giặt không biết mấy lần đồ cả. Bữa ni nắng, chứ ít sau hồi mùa mưa không biết sao nữa”, bà Túc nói.
Cứ vậy, ông bà cứ phải túc trực, canh chừng anh Hoài từng chút, chợ đò cũng phải nhờ hàng xóm hết. Bà Túc lấy lon Coca Cola bỏ đá vào, treo cạnh tường để anh muốn gì thì lắc gọi mẹ gọi ba. Thế nhưng, với một người lúc tỉnh lúc mê, biết mình cần gì đâu để lắc, nên buồn tay cũng lắc vui. Có lần đang nấu cháo nghe lắc bà lật đật chạy lên, hóa ra anh lắc cho vui.
Cái lon là vật liên lạc với cha mẹ, thi thoảng không biết gì anh Hoài vẫn lắc
Sức già tay yếu, mỗi lần thay đồ, cho anh Hoài ăn, phải hai ông bà cùng đỡ. “Ngày thường ông mệ sống hiền, hàng xóm họ cũng thương. Lâu lâu mấy nhà gần họ tạt sang ngó anh, rồi đỡ hộ ông kẻo sợ té”. Chị Hạnh nói tiếp. Tuy thương anh lắm, nhưng chị cũng còn con phải nuôi, đi phụ thợ nề cả ngày tranh thủ được buổi sớm hay tối muộn về nấu nước chè, để lau chỗ kín cho anh đỡ hôi hám.
Hiện ở nhà, anh Hoài vẫn tiếp tục uống thuốc theo đơn bác sĩ, và tập các động tác nhẹ để duy trì cơ năng. Cứ 10 ngày, chị Hạnh lại mượn 500.000đ đưa sang cho mẹ mua thuốc, giấy tã. Rồi lại lấy tiền công phụ hồ về bù lại tiền mượn mua thuốc trước.
Ở cái tuổi đáng được nghỉ cho con cháu phụng dưỡng ấy, nhưng giờ đây ông bà Di vẫn phải gồng mình làm 4 sào ruộng nuôi con. Sức yếu, phải thuê người cày gieo hộ, thấy tội họ cũng cho luôn tiền công để mua ăn. Mà trông chờ hết vào chừng ấy lúa, mới hôm rồi ông ham tát nước cả trưa nên bị tăng huyết áp, phải nằm ở Bệnh viện Giao thông vận tải mấy ngày mới về.
Anh Dương Văn Thành, hàng xóm ông bà cho biết: “Ông bà và cả anh Hoài sống hiền lành, không mất lòng làng xóm. Thế mà giờ già cả thế vẫn chưa được nghỉ, làm mãi cũng chẳng khá. E rồi phải chăm anh Hoài hết đời mất”.
Được biết ngoài anh Hoài, ông bà Di có 2 người con nữa. Anh đầu đi bộ đội, bị cụt hai bàn chân nhưng may mắn có nhà, có vợ chăm sóc nên ông bà cũng đỡ lo lắng. Chị Hạnh là con gái út, lấy chồng xa, chồng cũng bị bệnh thận, 2 cháu đang học đại học đều một tay chị lo. Nói như chị thì “Chị chỉ có công, không có của” để phụ giúp ông bà.
Bà Túc sắp lại đống tả của con trai 51 tuổi mà òa khóc
Ông bà Di cho biết, khi con bị tái phát bệnh, hoàn cảnh khó khăn thì xã có thăm hỏi và đang xem xét cấp hộ nghèo cho ông bà trong thời gian tới. Ngoài 4 sào ruộng, và lâu lâu bà con thương cho vài chục ngàn hay nải chuối thì ba miệng ăn dựa hết vào 180.000 đ tiền người cao tuổi của bà Túc (mới nhận được 3 tháng nay, còn ông Di cũng 80 nhưng phải tới tháng 10 mới đúng tuổi theo giấy tờ để nhận).
Nhìn quanh, căn nhà ông bà trống hổng những vết rạn nứt của thời gian. Đồ đạc chẳng mấy thứ giá trị. “Tivi nớ là anh con bác sợ em hắn nằm mãi, không chuyện trò rồi mất hết ý thức. Anh mới ôm sang, cả ghế rồi dây điện bắt cho em xem”.
Ông Di xúc động chỉ tay về chiếc phản gỗ mục nát mình ngồi nói tiếp , “Trước khi tái phát Hoài nó nằm cái phản này. Có người cháu sang nhà, sợ Hoài không nói không rằng té lại, mới cho 1 triệu đưa con Hạnh mua giường mới chừ hắn nằm ni đây. Rồi hai cái quạt kia là cũng đứa cháu thấy anh nằm nóng nên đưa sang cho ông mượn đó”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Mã số 1531: Chị Chế Thị Hạnh (em của anh Hoài). Địa chỉ: Thôn Vân Thê, cụm 2, xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế ĐT bàn nhà chị Hạnh (chị Hạnh không có di động, nhà bố mẹ cũng không có điện thoại): 054-6265580 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Hoàng Diệu – Đại Dương