Mã số 1826:
Bé trai dân tộc Cơ Tu nguy kịch vì trèo cột điện lấy tổ chim
(Dân trí) - Vào những ngày đầu tháng 5/2015, trong một lần vui chơi cùng bạn bè, em Hồ Văn Ánh (13 tuổi, ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh TT-Huế) đã không may bị điện giật, bỏng nặng do leo cột điện 10m gần nhà chỉ để lấy tổ chim.
Nằm viện hơn 1 tháng trời vì lấy tổ chim
Đến nay đã gần 1 tháng, trải qua nhiều lần phẫu thuật, Ánh vẫn phải nằm tại Phòng cấp cứu (Khoa Bỏng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình – Bệnh viện Trung ương Huế) để tiếp tục điều trị bởi những vết bỏng trên cơ thể vẫn chưa hồi phục.
Bố của Ánh là anh Hồ Văn Chiến (40 tuổi) kể lại rằng :"Đang làm rẫy thì nghe mọi người báo tin thằng Ánh bị điện giật do trèo cột điện, tôi hoảng hốt quá ! Vừa chạy đến, tôi thấy con mình với bộ tóc cháy đen, phần da ở bụng thì bị lột ra rất nhiều. Lúc đó hắn vẫn còn bị treo lơ lửng trên cột điện nên gia đình đã nhờ người dân xung quanh đưa xuống và chuyển vào bệnh viện gấp ".
Theo Th.S–BS Lê Đình Phong, Phó Trưởng Khoa bỏng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, em Ánh bị bỏng điện độ 2, 3, 4 với diện tích bỏng khoảng 30%, đồng thời còn lộ sọ, khuyết hỏng phần mềm vùng đầu, mặt, cổ, ngực, tay …. Với độ bỏng và đa chấn thương như vậy thì cần phải phẫu thuật cắt lọc, ghép da nhiều lần nữa mới có thể hồi phục.
Sau nhiều lần phẫu thuật, tình trạng của Ánh được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, việc ăn uống của em lại gặp nhiều khó khăn vì khi ăn, vùng bụng bị thương khiến em rất đau. Do đó mà cơ thể em ngày càng ốm dần vì mỗi lần ăn chỉ được một bát cơm nhỏ. Hơn nữa, bé trai dân tộc Cơ Tu còn chịu nhiều đau đớn đến phát khóc và giãy dụa rất mạnh mỗi lần các điều dưỡng tiến hành thay băng hay tiêm truyền.
Chị Hồ Thị Phọc (33 tuổi, mẹ của Ánh) cho biết : "Ăn uống khó khăn đã đành, việc vệ sinh cá nhân còn khó khăn hơn do phải dùng những tấm tã lót ở dưới để nó tiểu tiện, đại tiện ngay trên đó chứ không ngồi dậy được. Từ ngày nhập viện chỉ có nằm thôi !".
Trường hợp của em Hồ Văn Ánh khá đặc biệt nên các bác sĩ, điều dưỡng luôn quan tâm, giúp đỡ và động viên để em nhanh chóng hồi phục. Hơn hết, vì biết gia đình ở vùng núi xa xôi, khó khăn nên các bệnh nhân phòng bên cũng hay cho em sữa, quà bánh,… và hy vọng em sẽ có thêm sức lực để chiến đấu với những vết thương đau đớn do tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Người làm rẫy, người chăm con...
Không có công ăn việc làm nên cả hai vợ chồng đều làm rẫy kiếm sống với đồng lương ít ỏi khoảng 2 triệu đồng/tháng. Giờ con trai bị thế này nên cả gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Dưới Ánh còn có em gái nhỏ (10 tuổi) phải nhờ ông bà nội chăm lo khi bố mẹ vào viện.
Đường xá xa xôi, phương tiện đi lại là xe buýt nên hai vợ chồng cứ thay phiên nhau chăm sóc con. Chồng ở bệnh viện thì vợ lại lặn lội về nhà làm rẫy, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Ở nhà còn có 3 sào ruộng, nhưng phải nhờ anh em họ hàng làm giúp để lấy tiền chữa bệnh cho con chứ "tiền phẫu thuật, thuốc thang đắt quá!" anh Chiến nói với giọng trầm, buồn bã.
Chi phí cho mỗi lần phẫu thuật khoảng từ 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có bảo hiểm y tế miễn giảm 100% nên đã giúp đỡ gia đình được phần nào. "Kể ra từ lúc nhập viện đến giờ, tiền phẫu thuật đã lên đến 9 triệu chưa kể các chi phí sinh hoạt hằng ngày khác như tiền mua thức ăn, mua tã lót,… rất may là được bệnh viện phát cơm miễn phí nên chỉ lo phần thức ăn. Tiền không có nên chỉ biết mượn người quen hay anh em trong nhà. Có hôm phải nộp viện phí mà trong túi chỉ có mấy chục ngàn nên vợ tôi phải bắt xe buýt về nhà để chạy ngược xuôi mượn tiền" anh Chiến chia sẻ.
Cũng vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà Ánh chỉ học đến lớp 5 thì phải nghỉ học. Bữa cơm hằng ngày của gia đình có mỗi rau và cá. "Chỉ cần mua 2 con cá nục hoặc 1 con cá ngừ với bó rau là ăn no được cả ngày, chứ không có tiền để mua thịt đâu, đắt lắm !". Đối với gia đình Ánh, có một cuộc sống đơn giản như thế là đã hạnh phúc lắm rồi chứ chẳng nghĩ đến chuyện ăn no mặc ấm.
Nhập viện gần 1 tháng nay, Ánh vẫn phải nằm trong phòng cấp cứu để truyền dịch và được bố mẹ chăm sóc từ việc ăn uống cho đến sinh hoạt cá nhân. Với thân hình gầy guộc, gương mặt hốc hác, cậu bé dân tộc Cơ Tu lại khiến tôi chạnh lòng bởi em còn quá nhỏ để chống lại với những vết thương trên khắp cơ thể. Nhiều lúc chỉ cần một cơn ho nhẹ cũng đủ làm em chau mày vì đau đớn.
Hai vợ chồng anh Chiến, chị Phọc vẫn luôn bên cạnh, chăm sóc từng ly từng tí với mong muốn con sẽ sớm bình thường trở lại. Hình ảnh người cha chạy đôn chạy đáo lo tiền viện phí, hình ảnh dùng tấm khăn lau mặt cho con thật tỉ mỉ của người mẹ hy vọng em khỏi bệnh thật cảm động. Cầu mong em sẽ bình phục sớm trở về với gia đình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1826: Anh Hồ Văn Chiến (cha cháu Hồ Văn Ánh) – Phòng cấp cứu (Khoa Bỏng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình – Bệnh viện Trung ương Huế) ĐT: 0166-826-5311 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Quốc Nhật – Đại Dương