1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bé Nghĩa xuất viện với sức khỏe ổn định

(Dân trí) - Sau hơn một tuần phẫu thuật tại Viện Nhi Leningrad, cu Nghĩa đã được các bác sĩ cho xuất viện. Tình hình sức khỏe của em sau phẫu thuật khá tốt, ổn định. Tuy nhiên, mắt của Nghĩa vẫn phải chờ ít nhất một đến hai năm nữa mới phục hồi.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Việt Tiến, hiện đang sinh sống tại Nga cho biết, đến nay em Trần Phúc Nghĩa đã được làm thủ tục xuất viện tại khoa Vi Phẫu thuật mắt Viện nhi Leningrad sau một tuần nằm điều trị và phẫu thuật mắt tại đây. Tình hình sức khỏe của Nghĩa được đánh giá tốt, ổn định.

Trong tuần qua, bé Nghĩa đã được bác sĩ Diskalenko Oleg Vitalevich, Trưởng khoa Vi Phẫu thuật mắt nhận phẫu thuật, với mục đích giữ cơ quan, xử lý và phòng chống các biến chứng, vì mắt của Nghĩa bị ROP độ 5 nên tiên lượng về thị giác tương đối dè dặt. Các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết như điện tim, chụp phim...
 
Bé Nghĩa xuất viện với sức khỏe ổn định - 1

Trần Phúc Nghĩa đã được xuất viện với sức khỏe ổn định

Theo bác sĩ Diskalenko, trường hợp cháu Trần Phúc Nghĩa cần phải phẫu thuật và tiến hành ở mức độ toàn diện, lấy thủy tinh thể (là nguyên nhân gây hẹp tiền phòng và thoái hóa giác mạc), cắt thể kính cùng xơ co kéo, tách võng mạc bị kéo thành hình nón khép kín.

Cả hai mắt Nghĩa bị bong võng mạc toàn phần với tăng sinh thể kính, võng mạc bị xơ co kéo gây bong, có nhiều điểm dính làm rách võng mạc. Một số vùng khác cơ còn lại nhưng cũng bị ảnh hưởng đốt cháy của laser nên chức năng cảm nhận ánh sáng giảm.

Ngày 22/12, bác sĩ Diskalenko trực tiếp mổ cho Nghĩa cả hai mắt, thời gian ca mổ kéo dài gấp đôi so với bình thường vì trường hợp của Nghĩa khá nặng và khó khăn. Sau khi phẫu thuật xong, Nghĩa đã ổn định về sức khỏe, không quấy khóc nhiều. Tuy nhiên, thời gian để hoàn thiện thị giác của trẻ được đánh giá sau 7 tuổi, mà Nghĩa chỉ mới được 2 tuổi nên em cần có thời gian để võng mạc và trung mạc thị giác phục hồi ít nhất một đến hai năm nữa. “Khi một người có đôi mắt hoàn toàn bình thường nhưng bị bịt kín trong một tháng, thì sau khi mở mắt ra thì cần một năm mới phục hồi lại được thị giác như ban đầu”, bác sĩ Diskalenko cho biết.

Cũng trong quá trình phẫu thuật mắt cho cháu Trần Phúc Nghĩa, các bác sĩ của Nga lưu ý việc bắn tia laser của các bệnh viện Việt Nam đều bắn ở cường độ quá mức, trong nhiều trường hợp khi không cứu vãn được vẫn tiếp tục bắn, đặc biệt là cả vùng gần trung tâm, là vùng quan trọng nhất, làm cho cơ hội điều trị tiếp theo không còn.

“Phương pháp này chỉ áp dụng cho 15 năm trước khi chưa có các phương pháp điều trị mới. Tôi được biết cả Hà Nội và TPHCM đều có cách bắn giống hệt nhau, nhiều bác sĩ không phân biệt được là phẫu thuật ở đâu nên việc điều trị ROP không hiệu quả là vì vậy”, bác sĩ Diskalenko khuyến cáo.
 
Sông Lam