1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Bao giờ cho hết khổ đau...”

(Dân trí) - Trong cái nắng oi ả của ngày hè đầu tháng 6, chúng tôi tìm đến thăm cụ Trần Thị Thiềm (75 tuổi, ở Minh Tân, Vụ Bản, Nam Định). Ở cái tuổi gần đất xa trời, hàng ngày cụ Thiềm vẫn phải một mình chăm nuôi con, cháu mắc bệnh tâm thần.

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo của xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, ngay từ khi lọt lòng cụ Thiềm đã mồ côi cha mẹ. Cụ lớn lên nhờ sự đùm bọc, chăm sóc của các anh chị, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo đói không có đủ cái ăn, thương em sợ em khổ nên các anh chị đã gả em gái (cụ Thiềm) về làm dâu nhà ông Vũ Tiến Hảo, từ khi còn chăn trâu cắt cỏ. 
 

“Bao giờ cho hết khổ đau...” - 1

Đã nhiều năm nay, tấm lưng còng của Cụ Thiềm gánh vác cả một gia đình với 4 người điên dại.


Thành thân với ông Hảo, cụ Thiềm sinh được 4 người con 2 trai, 2 gái. Hạnh phúc tưởng chừng sẽ mỉm cười với ông bà khi “nếp tẻ ” đều đủ cả. Thế nhưng các con của ông bà cứ lần lượt mắc bệnh, kẻ ra đi mãi mãi, người sống thì cũng trở nên điên dại. Không những các con của ông bà mắc bệnh tâm thần mà các cháu của ông bà cứ đến tuổi trưởng thành là mắc bệnh thần kinh.

 

Người con trai cả của cụ Thiềm là anh Vũ Tiến Hiền (sinh năm 1952) sinh ra lớn lên, tiếp bước người cha đi chiến trường. Sau chiến tranh trở về anh Hiền lấy vợ và có 3 người con: hai gái, một trai, trông đứa nào cũng bụ bẫm, đáng yêu. Chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn khi vợ anh sinh con gái thứ 3 thì anh bị đột tử và ra đi trong một buổi trưa hè khi mới 37 tuổi. Một năm sau khi anh Hiền mất, vợ anh bị bệnh ung thư rồi qua đời. Nỗi đau dồn đến tận cùng khi chỉ trong vòng một năm ông bà mất 2 người con, còn những đứa cháu của ông bà Thiềm thì trở thành những đứa trẻ mồ côi.

 

Thương con, thương cháu ông bà Thiềm gạt nỗi đau sang một bên để tiếp tục lo cho những đứa con anh Hiền được ăn học, gánh nặng đè lên tấm lưng còng của đôi vợ chồng già kể từ đó. Một thời gian sau người con trai thứ 2 của ông bà là anh Vũ Tiến Hùng đang làm công an, thì bị bệnh thần kinh, anh bỏ việc và thường xuyên đi lang thang, mỗi lần về nhà là lại phá phách. Có lần, anh trèo lên mái nhà đập từng viên ngói, đánh đuổi mọi người. Bệnh tật nhưng anh Hùng cũng không trụ được lâu và cũng mất sau anh trai mấy năm.

 

Chỉ trong vòng mấy năm ông bà Thiềm đã phải tiễn 3 người con xuống mồ, kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, nén nỗi đau trong lòng, ông bà giờ chỉ trông vào hai cô con gái và cháu. Nhưng nào ngờ 2 con gái của ông bà một lành lặn thì cũng lấy chổng ở xa, điều kiện khó khăn, còn cô út là Vũ Thị Hằng năm nay 39 tuổi nhưng cũng bị tâm thần từ nhỏ.

 

Cách đây 8 năm sau khi lo cho các con mồ yêm mả đẹp, ông Thảo chồng bà Thiềm cũng ra đi, bỏ lại bà Thiềm với gánh nặng con cháu ốm đau, bệnh tật. Cả cuộc đời bà từ khi sinh ra như lá rụng về cội nhưng chưa lúc nào bà được hưởng niềm vui trọn vẹn, chưa khi nào có một ngày thảnh thơi.

 

Trong căn nhà ngói 2 gian rộng chưa đầy 40m2 là nơi ở của bà cùng 2 người cháu nội, khi bình thường không sao nhưng cứ mỗi lần cô con gái út của bà và cháu Doãn lên cơn đánh nhau thì người khổ đầu tiên là bà, bà phải vào can ngăn mà thân già nhiều khi bị chúng nó đẩy ngã cũng đành chịu. Câu chuyện bị ngắt nửa chừng bởi một lúc bà Thiềm lại kéo tay áo lên thấm nước mắt. Bà nói: “Đời tôi chịu khổ quen rồi, nhưng các cháu còn trẻ quá, mà lại phải sống lúc tỉnh, lúc điên. Không hi vọng chúng nó khỏi bệnh chỉ mong chúng nó sống khoẻ và đỡ bệnh đi là tốt rồi. Bây giờ nhà còn thằng Thương (con anh Hiền) là không bị bệnh tâm thần, nhưng tôi lo nó sống trong môi trường này, lại chịu khổ quá, sợ nó quẫn trí mà phát bệnh lắm”.

 

Thương là một đứa cháu ngoan ngoãn và học giỏi từng theo học Cao đẳng sư phạm kỹ thuật Nam Định, nhưng vì nhà nghèo, thương bà vất vả cậu đã nghỉ học đi làm để đỡ đần cho bà. Cách đây một năm khi cậu bị tai nạn giao thông xe máy ở trên Bắc Cạn, may mắn sống sót nhưng lại bị thương khá nặng, bị mổ chân tay rồi bị đóng đinh. Tuy nhiên hiện giờ vẫn chưa có tiền nên chưa đi viện tháo đinh được. Bây giờ cơ thể bị thương không làm được những việc nặng nhọc nên Thương đang theo học liên thông lên Đại Học sư phạm với mong muốn sau này sẽ giúp bà và gia đình từ việc học của mình.

 

Nhà có mấy sào ruộng nhưng tuổi già, sức yếu, con cháu ốm đau bệnh tật không làm được bà đành cho người ta cấy. Đến vụ người ta trả gạo bằng nào thì ăn bằng đó. Hàng tháng gia đình cụ được tiền trợ cấp nhưng số tiền ít ỏi đó không đủ lo cho 5 miệng ăn. Để Thương được đến trường, hàng tháng cụ Thiềm chắt chiu, vay mượn từng đồng gửi lên trường cho cháu.
 
Chia tay cụ Thiềm, câu nói của cụ cứ văng vẳng bên tai chúng tôi suốt quãng đường dài: “Mong ước lớn nhất của tôi trước khi nhắm mắt là cháu Thương được học hành trọn vẹn, có thế sau này cháu mới gánh được gia đình toàn người tâm thần thế này”. 

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Cụ Trần Thị Thiềm - thôn Thượng, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, Nam Định. 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) 

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội  

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam  


3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331

 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Phạm Phương - Thu Hà