1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bạn đọc giúp hai bố con bệnh xương thủy tinh hơn 10 triệu đồng

(Dân trí) - Gặp lại bố con anh Nguyễn Hữu Chung trong bài viết “Hai cha con lúc nào cũng chực gãy chân, gãy tay” chúng tôi đã không khỏi lo lắng bởi tình cảnh hiện tại của gia đình quá khó khăn. Bản thân anh Trung vừa trải qua ca cấp cứu tại bệnh viện bởi chứng sốt xuất huyết.

Đi sâu vào con ngõ nhỏ của xóm Mới, thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương, Hà Nội chúng tôi hỏi thăm đến căn nhà tuềnh toàng của anh Chung. Vừa đi viện về sau ca cấp cứu nên anh còn yếu không đi đâu được, vì thế bé Chính cũng chỉ đùa nghịch trong ngõ trên chiếc xe cút kít phòng khi bố gọi có việc nhờ. Vốn không đi lại được bình thường mà phải nhích từng bước nhờ sự hỗ trợ của hai chiếc ghế trông anh càng vất vả hơn để di chuyển sau khi ốm dậy.
 
Gương mặt sạm đen, bộ quần áo cũ sờn và ánh mắt buồn đến não nuột anh tâm sự: “Là người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng tôi mắc bệnh này nên không làm những việc nặng được, tất cả công việc đều đến tay vợ nên cô ấy vất vả lắm. Chiều nào cũng đi lấy hàng từ 2,3 giờ rồi sáng sớm lại dậy đi từ 4 giờ sáng. Công việc bận bịu nên đôi lúc như cái nhà chưa kịp quét hay bữa ăn sáng của con không kịp chuẩn bị, bố con tôi cũng không kêu ca gì cả chỉ thấy thương nhà tôi nhiều hơn”

Bé Chính có chiếc xe là đồ chơi duy nhất trong nhà

Bé Chính có chiếc xe là đồ chơi duy nhất trong nhà

Căn nhà anh ở rỗng tuếch tuềnh toàng không một vật đáng giá. Mọi thứ lộn xộn được phủ một lớp bụi mờ như đã từ lâu lắm rồi không có ai chăm sóc. Nhà có 3 người thì hai bố con không đi lại được nên những công việc tưởng chừng đơn giản thế anh cũng đành chịu, còn chị thì đầu tắt mặt tối cả ngày lao ra đường kiếm tiền lo bữa ăn cho cả nhà nên không thể trách. Cuộc sống vất vả, hai bố con lại phải lên viện thường xuyên nên đôi vai gầy của người vợ càng thêm nặng xuống. Thương vợ, xót con nhưng không thể thay đổi được hoàn cảnh, anh Chung ngẫm trách bản thân mình đã làm vợ khổ và không phải là chỗ dựa vững chắc cho con.

Hàng ngày không tham gia lao động được anh Chung nhận trách nhiệm đưa con đến trường trên chiếc xe dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên chiếc xe từ ngày xưa quá bé không đủ chỗ cho hai người ngồi nên anh muốn lắm xin được chiếc xe rộng hơn để bé Chính được ngồi thoải mái đến trường. Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ nên Chính ngoan lắm không bao giờ dám đòi hỏi điều gì cho dù thích lắm. Em thích được có một con chim để nuôi trong lồng nhưng biết bố không có tiền nên chỉ dám len lén nhìn mỗi khi qua cửa hàng bán chim với ánh mắt thèm thuồng của một đứa trẻ. Anh Chung biết con thích từ lâu rồi nhưng hàng tháng hai bố con được trợ cấp 700.000 đồng phải dồn vào việc đi viện còn chưa đủ nghĩ gì đến mua cái này cái kia cho con.

Hai cha con anh Chung nhận quà bạn đọc Dân trí

Hai cha con anh Chung nhận quà bạn đọc Dân trí

Lần về thăm này chúng tôi cũng gửi đến gia đình anh số tiền 10.650.000 đồng của bạn đọc Dân trí giúp đỡ trong thời gian vừa qua. Nhận số tiền quá lớn mà anh chưa bao giờ nghĩ đến, anh Chung xúc động nói lời cám ơn đến những nhà hảo tâm đã chia sẻ khó khăn với gia đình. Đồng thời anh cũng cho biết sẽ cất số tiền này đi để dành cho Chính bởi cũng sắp đến kì phải lên bệnh viện.

Tạm biệt gia đình anh Chung ra về trong lòng chúng tôi vẫn ngổn ngang nhiều mối lo. Trong ánh mắt khắc khổ của người đàn ông tội nghiệp ấy tôi biết rằng dù có thiếu ăn anh vẫn bòn mót dành dụm từng đồng lo cho con bởi “Cả đời tôi, tôi phải sống vì vợ vì con bởi tôi mang bệnh nên mới sinh ra bé Chính khiến nó phải khổ cả đời như vậy. Đó là lỗi của tôi và tôi phải có trách nhiệm với con” – anh Chung tâm sự.

Phạm Oanh