Anh Nguyễn Văn Đức bị viêm tụy cấp đã không còn

(Dân trí) - Những tưởng cơ hội sống sẽ mở ra với anh nhưng diễn biến bệnh xấu, người đàn ông đáng thương trong bài viết: “Nhà chẳng còn gì để bán, phải mang anh về để chết thôi” đã trút hơi thở cuối cùng ngay sau khi được đưa từ bệnh viện về nhà. Đau đớn vật vã và hẫng hụt, vợ và các con anh còn phải đối mặt với khoản nợ khoảng 250 triệu đồng đã vay cho việc chữa trị nhưng không biết đến bao giờ mới trả được.

Anh là người đàn ông đáng thương trong bài viết: “Nhà chẳng còn gì để bán, phải mang anh về để chết thôi” đăng trên báo điện tử Dân trí ngày 11/8/2016. Phát hiện bị viêm tụy cấp sau trận đau bụng dữ dội, anh Đức được đưa lên cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai hơn 2 tháng liền. Tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, anh Đức đã được mổ đi mổ lại đến 3, 4 lần. Sau mổ anh còn bị dò ống tiêu hóa làm phân xì ra ngoài gây viêm nhiễm. Anh có bảo hiểm nhưng mà vẫn rất tốn kém, vì phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh và kháng nấm. Có những loại thuốc kháng nấm lên đến 6 triệu đồng/ lọ/ ngày nhưng gia đình không có điều kiện để sử dụng.

Anh Đức phát hiện bị viêm tụy cấp sau trận đau bụng dữ dội và đã điều trị 2 tháng trong phòng Hồi sức cấp cứu - BV Bạch Mai.
Anh Đức phát hiện bị viêm tụy cấp sau trận đau bụng dữ dội và đã điều trị 2 tháng trong phòng Hồi sức cấp cứu - BV Bạch Mai.

Kiệt quệ vì không vay tiếp được tiền cứu chồng, ở bệnh viện chị Ngọc đã có ý định xin cho chồng về nhà nhưng lại không nỡ. Tuy nhiên vì diễn biến bệnh của anh quá nặng nên cầm cự đến ngày 14/8 thì gia đình đã đưa anh trở về nhà và sau hơn 1 giờ đồng hồ thì anh ra đi. Nghẹn giọng, chị Ngọc tâm sự:

“Chị cho anh về nhà được hơn 1 giờ sau thì anh cũng đi em ạ. Hai đứa con nó khóc thảm thiết gọi bố nhưng bố lịm rồi không tỉnh dậy nữa. Anh bỏ mẹ con chị ở lại thật rồi, anh không còn nữa rồi”.

Không giữ được anh ở lại, mẹ con chị Ngọc hẫng hụt và đau đớn không gì sánh được nhưng vẫn không quên gửi lời cám ơn đến bạn đọc Dân trí trong những ngày vừa qua đã có sự hỗ trợ kịp thời đến anh. Chị bảo những ngày cuối đời anh yếu đi trông thấy nhưng còn một chút hạnh phúc và may mắn vì được người nọ, người kia đến thăm nên cũng có phần an ủi. Bản thân chị và gia đình cũng vô cùng cảm động trước sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của mọi người. Số tiền khoảng hơn 40 triệu đồng chị nhận được trực tiếp chị cũng đã đóng viện phí cho anh.

Sau thời gian điều trị bệnh, anh đã qua đời vào ngày 14/8 tại gia đình.
Sau thời gian điều trị bệnh, anh đã qua đời vào ngày 14/8 tại gia đình.

Anh Đức không còn nhưng số tiền nợ 250 triệu đã vay cho việc chữa trị của anh khiến chị Ngọc vô cùng hoang mang. Công việc đồng áng, chị bảo giờ chỉ có một mình nên dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ đủ lo cái ăn, cái học cho 2 cháu, còn số nợ kia chắc phải để đợi đến lúc các cháu đi làm có tiền mới trả được. Nghe tâm sự của chị, chúng tôi ai cũng xót xa, thương anh không còn, thương cho cả chị và các cháu không biết sẽ xoay sở ra sao trong thời gian tới với khoản nợ khổng lồ đó.

Anh Đức ra đi, kết thúc những tháng ngày đau đớn nhưng lại bỏ lại một khoảng trống vô hình, hẫng hụt đối với vợ, với con. Không níu anh ở lại được nữa, phải chấp nhận rằng anh đã về thế giới bên kia, chúng tôi chỉ biết an ủi, động viên vợ con anh cố gắng. Nhớ lại lúc gặp anh trên viện, ánh mắt đau đáu trăn trở có lẽ anh cũng đã nghĩ nhiều lắm nhưng không ngờ thời gian còn lại của mình lại ngắn ngủi đến vậy. Thương cho anh, sống 1 kiếp người vất vả… Anh đi rồi, cầu cho chị và các cháu chân cứng đá mềm để vượt qua gian đoạn khó khăn, vất vả.

Phạm Oanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm