1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bạc Liêu:

"Ám ảnh" những ánh mắt trẻ thơ bị bỏ rơi trong chùa Vĩnh Phước An

(Dân trí)- Hàng chục trẻ bị bỏ rơi, trong đó có nhiều trẻ mắc bệnh hiểm nghèo đang được chăm sóc tại Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi của chùa Vĩnh Phước An (phường 2, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu). Các cháu đang rất cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái.

Ngày 24/12, PV Dân trí đến thăm và trao quà hỗ trợ của bạn đọc cho các bé mắc bệnh bị bỏ rơi tại Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi thuộc chùa Vĩnh Phước An. Trong đó có 3 cháu Lâm Ngọc Hạnh, Lâm Ngọc Hoàng, Lâm Ngọc Huy mà báo Dân trí đã phản ánh qua bài Ba trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng bị bỏ rơi trên mục Sức khỏe của báo vào ngày 14/11/2013.

Bà Tạ Thị Cúc (bảo mẫu chăm sóc cho các bé) cho biết, sau khi nhà báo đến tìm hiểu và đăng bài về hoàn cảnh của 3 cháu Hạnh, Hoàng, Huy, bà đã nhận được nhiều lời thăm hỏi của bà con gần xa. Cũng theo bà Cúc, trong thời gian nằm viện, các bác sĩ đã tích cực điều trị bệnh cho các cháu. “Các cháu đã về lại chùa, sức khỏe cơ ổn định nhưng vẫn chưa khỏi hẳn”, bà Cúc cho hay.

Sau khi hỏi thăm, PV Dân trí đã trao 300.000 đồng tiền của bạn đọc gửi hỗ trợ cho các cháu trong tuần 2/11 thông qua Quỹ Nhân ái của báo. Nhận số tiền này, cô Lâm Thị Kim Anh (60 tuổi, quản lý Nhà nuôi trẻ) xúc động nói: “Chúng tôi cảm ơn bà con nhiều lắm, tấm lòng của bà con thật quý biết bao”.

PV
PV Dân trí trao tiền ủng hộ của bạn đọc đến các bé bị bỏ rơi.

Không chỉ 3 cháu Ngọc Huy, Ngọc Hạnh, Ngọc Hoàng mà khi chúng tôi đến Nhà nuôi trẻ mồ côi này, chúng tôi không khỏi xót xa trước nhiều hoàn cảnh của hàng chục cháu bé khác. Cô Kim Anh cho biết, Nhà nuôi trẻ mồ côi của chùa Vĩnh Phước An được mở hơn 10 năm nay. Hiện tại đây đang nuôi dưỡng khoảng 60 cháu, lớn nhất 14 tuổi và nhỏ nhất chỉ mới vài tháng tuổi, tất cả đều bị bỏ rơi.

“Các cháu bị bỏ rơi dù trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự bất hạnh. Chúng tôi muốn làm điều gì đó để cứu giúp các cháu và ngôi nhà này được mở ra là trên tinh thần yêu thương đó”, cô Kim Anh chia sẻ.

Cô Kim Anh đang cho một bé sơ sinh bú sữa.
Cô Kim Anh đang cho một bé sơ sinh bú sữa.

Cô Kim Anh cho biết, hiện có hơn 10 cháu đang mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải vào viện điều trị. Tuy tiền viện phí được bệnh viện hỗ trợ một phần nhưng những chi phí khác phát sinh thêm sau đó nên ít nhiều cũng không lo được đầy đủ cho các cháu.

Theo cô Anh, Nhà nuôi dưỡng có thuê một số bảo mẫu để chăm lo cho các cháu. Tuy nhiên, nhiều lúc các cháu cùng bệnh một lúc, số bảo mẫu không đủ để lo nên cũng là thiệt thòi cho các cháu. “Chúng tôi thuê bảo mẫu cũng tốn một khoản chi phí nhất định, mà kinh phí thì có hạn nên các cháu ở đây phải thiếu thốn rất nhiều thứ”, cô Kim Anh bộc bạch.

Cô Kim Anh đang cho một bé sơ sinh bú sữa.
Cháu Lâm Ngọc Huy (hơn 3 tháng tuổi) vừa bị khuyết tật không có vành tai, vừa bị nhiều chứng bệnh khác.

Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.
Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.
Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.
Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.
Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.

Tại chùa, chúng tôi còn gặp được 3 cha con ông Trần Văn Suôl. Theo cô Kim Anh cho biết, 3 cha con ông Suôl vào sống ở chùa từ hơn 10 năm nay. Bản thân ông Suôl thì lúc tỉnh, lúc mê “không khác gì một đứa trẻ”; còn hai đứa con gái thì chịu cảnh mồ côi mẹ. Cũng vì hoàn cảnh, em Trần Thị Diễm My đã 14 tuổi mà mới học lớp 3; còn đứa em gái Trần Thị Diễm Kiều (13 tuổi) cũng đang học chung lớp với chị.

Những ánh mắt của trẻ như đang tìm kiếm một tình yêu thương thân thuộc.
3 cha con ôn Suôl đã ở chùa hơn 10 năm nay. Em Diễm My (áo vàng) đã 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 3.

Tiếp xúc với PV, Diễm My và Diễm Kiều cùng cho biết, mẹ bỏ đi từ lúc các em còn rất nhỏ nên hầu như trong ký ức của các em không có hình ảnh nào của người mẹ. Các em gắn bó với cha, gắn bó với Nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi và hình ảnh hằng ngày là mái chùa, tượng Phật.

Bày tỏ với PV khi năm mới đang cận kề, các em cho biết, mong muốn của các em là được mặc một chiếc áo mới để có gì đó gọi là Tết. Các em còn bộc bạch thêm, các em cũng mong được học hành đến nơi đến chốn như những bạn bè đồng trang lứa khác nhưng cả 3 cha con đang phải sống trong cảnh “nương nhờ cửa Phật” thì ước mong này chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực.

Nhiều cháu chưa bao giờ gọi được tiếng mẹ.
Nhiều cháu chưa bao giờ gọi được tiếng mẹ.

Chị Tâm (một bảo mẫu) cho biết, chị làm ở Nhà nuôi dưỡng hơn 1 năm nay và với chị, hình ảnh các bé bị bỏ rơi luôn khiến chị cảm thương. Chị Tâm tâm sự: “Ngày xưa mình cũng là những đứa trẻ nhưng may mắn hơn các cháu là có gia đình. Bởi thế, thấy các cháu bị cha mẹ bỏ, mình tội lắm. Các cháu đã thiếu tình thương, sống ở đây cũng thiếu thêm nhiều thứ khác nên mong muốn của mình là bà con cô bác hãy cùng sẻ chia để các cháu được ấm lòng hơn”.

Những đứa trẻ đang rất cần sự sẻ chia của các tấm lòng hảo tâm. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Những đứa trẻ đang rất cần sự sẻ chia của các tấm lòng hảo tâm. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trong lúc trò chuyện với các bảo mẫu, các bé sơ sinh “đua” nhau khóc khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi phải dừng lại. Các bảo mẫu tất bật đến dỗ dành các bé. “Nuôi các cháu cũng cực lắm nhưng vì tình thương nên ai cũng cố gắng. Chỉ sợ là không lo được đầy đủ cho các cháu có cuộc sống tốt hơn mà thôi”, cô Kim Anh bùi ngùi.

Clip trẻ bị bỏ rơi tại chùa Vĩnh Phước An, Bạc Liêu:


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Rời chùa Vĩnh Phước An, chúng tôi ra về, trong tâm trí của mình, chúng tôi thật sự bị "ám ảnh" bởi những ánh mắt trẻ thơ bị bỏ rơi tại ngôi chùa này.

                                                                                                Huỳnh Hải