Phương án sắp xếp bộ máy chính quyền TPHCM khi thành siêu đô thị
(Dân trí) - Hiện tại, TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị khác với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, khi sáp nhập làm một, tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố với quy mô gấp 3 có nhiều thay đổi.

Sau sáp nhập, trụ sở UBND TPHCM (mới) vẫn đặt tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 (Ảnh: Hải Long).
Theo đề án sắp xếp tỉnh TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu của UBND TPHCM, sau sáp nhập, Đại biểu HĐND của 3 tỉnh thành trên hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới là TPHCM và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026.
Khi thực hiện sáp nhập, TPHCM không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các Ban HĐND và Ủy viên UBND.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh nêu trên.
Do thành phố mới giữ nguyên tên gọi TPHCM nên nhiệm kỳ của HĐND TPHCM (mới) được tiếp tục tính theo nhiệm kỳ hiện tại, là HĐND TPHCM khóa X.
Điểm đặc biệt, TPHCM hiện thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND phường nên sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ có 78 phường nằm trên địa bàn TPHCM hiện nay không có tổ chức HĐND.
Do đó, sau khi sáp nhập cấp xã, đại biểu HĐND các phường, xã thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và đại biểu HĐND các xã thuộc TPHCM được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính cấp xã mới. Các HĐND trên tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Kết luận 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị, khi thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới cũng sẽ không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND; trưởng các Ban HĐND và Ủy viên UBND.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Thường trực HĐND cấp xã sẽ chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh nêu trên.
Riêng 78 phường thuộc TPHCM sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ tiếp tục không tổ chức HĐND. Việc tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2026-2031 tại 78 phường này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Với tổ chức UBND, TPHCM cũng thực hiện theo Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị. Cụ thể, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới, thành phố không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh nêu trên.
Kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực thi hành, HĐND, UBND các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.
Theo kế hoạch, chính quyền thành phố sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9. Cấp xã, phường hoàn thành chậm nhất là 15/8.